Dồn sức xóa nhà tạm ở vùng khó

- Bằng nguồn hỗ trợ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của Chính phủ và sự chung tay, góp sức của cộng đồng, những ngày này trên các thôn bản vùng sâu, vùng xa, nơi khó khăn của tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều ngôi nhà được xây dựng mới, sửa chữa vững chắc. Những căn nhà khang trang, ấm áp nghĩa tình là điều kiện để những hộ nghèo được chạm tới giấc mơ an cư, lập nghiệp, ổn định cuộc sống.

Gỡ khó từng nhà

Gia đình anh Bàn Văn Hoàn, dân tộc Dao, thôn Khuôn Pồng, xã Trung Hà (Chiêm Hóa) là hộ nghèo đặc biệt khó khăn, hơn 20 năm sống trong ngôi nhà tạm bợ. Mơ ước có ngôi nhà mới để yên tâm sinh sống đã trở thành hiện thực khi anh được tập thể thôn đề xuất là đối tượng được hỗ trợ xây dựng nhà mới theo đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát. Bằng sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, trung tuần tháng 3-2025 ngôi nhà của anh đã được khởi công xây dựng với diện tích hơn 70 m2, với kinh phí hơn 200 triệu đồng, trong đó cán bộ, nhân viên Ban Nội chính Tỉnh ủy và Hội Chữ thập đỏ tỉnh vận động các nguồn hỗ trợ 60 triệu đồng. Ngoài ra, xã kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ một phần nhỏ nguyên vật liệu xây dựng; huy động 100 đoàn viên, người lao động của xã và thôn hỗ trợ gia đình san ủi mặt bằng, đào móng, xây dựng nhà mới.

Đồng chí Phùng Tiến Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh khởi công xây nhà cho hộ gia đình anh Bàn Văn Hoàn, thôn Khuôn Pồng, xã Trung Hà (Chiêm Hóa).

Đồng chí Seo Văn Sử, Chủ tịch UBND xã Trung Hà cho biết: “Các hộ thuộc diện xóa nhà tạm, nhà dột nát của xã đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già, neo đơn, tàn tật. Để giúp các hộ xây nhà mới, ngoài số tiền hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước, xã đã vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ tiền, ủng hộ vật liệu xây dựng nhằm tạo thêm nguồn lực cho các hộ nghèo. Bằng cách làm đó, những hộ được hỗ trợ làm nhà như được tiếp thêm sức mạnh để hoàn thành nhà mới sớm hơn. Năm 2025, xã có kế hoạch làm 60 nhà, trong đó xây mới 20 nhà, sửa chữa 40 nhà, đến nay xã đạt 50% tiến độ, xã phấn đấu làm xong trước ngày 30-6”.

Hùng Lợi (Yên Sơn) là xã vùng sâu, vùng xa, hơn 55% là đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, người dân sống trên đỉnh núi cao, thưa người, xe vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng tốn nhiều công sức, suất đầu tư xây nhà rất lớn. Trong khi đó, số tiền 60 triệu đồng hỗ trợ của Nhà nước đáp ứng được một phần chi phí.

Đồng chí Bàn Văn Thân, Chủ tịch UBND xã Hùng Lợi chia sẻ: “Theo đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát giai đoạn 2024 - 2025, toàn xã có 231 hộ được hỗ trợ sửa chữa và làm mới nhà ở. Trong đó có 20 hộ đặc biệt khó khăn, không có khả năng làm nhà ở. Vì vậy, cấp ủy chính quyền xã phân công cán bộ xã phụ trách từng hộ để sửa chữa, xây dựng. Ngoài nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, xã phân công cho các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn, huy động xã hội hóa để xây dựng nhà cho các hộ theo hình thức “chìa khóa trao tay”. Điển hình như các hộ gia đình: anh Sầm Văn Vui, thôn Yểng, có 9 nhân khẩu, không có tài sản, xã phân công cho Ban Chỉ huy Quân sự xã phụ trách; anh Lầu Văn Hành, thôn Toạt, bản thân anh chạy thận, không có khả năng lao động, không có nguồn đối ứng, phân công cho UBND xã phụ trách…”.

Nỗ lực về đích

Đến ngày 28-3-2025, toàn tỉnh đã khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng 5.092 căn nhà/9.628 căn nhà, đạt 73,50% mục tiêu kế hoạch. Trong đó, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 2.350 căn nhà, hiện đang xây dựng 2.742 căn nhà. 

Đồng chí Đinh Văn Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn cho biết: “Theo kế hoạch năm 2025, huyện có tổng số hộ có nhà tạm, dột nát cần làm mới, sửa là 1.811 hộ, trong đó xây mới 1.248 hộ, sửa chữa cải tạo 563 hộ. Hiện nay, nguồn vốn hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo theo các chương trình mục tiêu quốc gia đã sẵn sàng. Tuy nhiên, việc xây mới nhà ở đang gặp khó khăn liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chính chủ của đối tượng được hỗ trợ; chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở do nhà xây trên đất trồng cây lâu năm, hằng năm, đất lâm nghiệp, đất ao, song chưa chuyển mục đích sử dụng đất; đất ở không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng; vi phạm pháp luật về đất đai… Huyện cũng đề nghị các cơ quan chuyên môn, các địa phương cần tăng cường công tác phối hợp, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, phân công rõ người, rõ việc. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò và gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả các nguồn lực để thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đến ngày 2-4-2025 huyện đã làm 1.283/1.811 nhà, đạt 70,8%; giải ngân trên 28,4 tỷ đồng, đạt 46,6%.

Mùa mưa bão năm nay, gia đình anh Vương Văn Len, thôn Đồng Chùa, xã Thái Hòa (Hàm Yên) không còn phải lo lắng sống trong ngôi nhà xuống cấp. Từ nguồn hỗ trợ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát 60 triệu đồng, kết hợp với sự giúp đỡ của anh em trong gia đình, anh đã xây dựng được căn nhà trị giá trên 310 triệu đồng. Anh phấn khởi nói: “Gia đình tôi có 3 nhân khẩu, làm nghề lao động tự do nên cuộc sống bấp bênh. Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền, sự chung tay giúp đỡ của họ hàng, làng xóm giúp tôi xây dựng được một căn nhà mới. Tôi rất yên tâm và nỗ lực hơn trong lao động sản xuất, quyết tâm không để tái nghèo”.

Với sự quyết tâm của chính quyền địa phương, sự đồng lòng của người dân cùng sự linh hoạt trong quá trình thực hiện, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh cho những xã vùng khó của các huyện, thành phố, đang nỗ lực từng ngày về đích đúng tiến độ. Mang lại những mái ấm vững chắc, từng bước vươn lên thoát nghèo, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Bài, ảnh: Minh Thủy

Tin cùng dòng sự kiện