Tân An nêu cao vai trò nhân dân phòng chống rác thải nhựa

- Nhằm ngăn ngừa, hạn chế mức độ ô nhiễm môi trường do sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy gây ra, thời gian qua, Ủy ban MTTQ xã Tân An (Chiêm Hóa) đã có nhiều giải pháp, xây dựng các mô hình tự quản “Mỗi gia đình là 1 thành viên” nhằm nâng cao sự tự giác của mỗi cá nhân trong việc phòng chống rác thải nhựa.

Đồng chí Ma Thị Dịch, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân An cho biết, hằng tháng, trên địa bàn xã đều tổ chức ra quân tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nhà văn hóa thôn, nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân về công tác vệ sinh môi trường. Tại một số thôn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, công tác tuyên truyền, vận động phải có những đổi mới theo cách truyền đạt đơn giản, dễ hiểu, hướng dẫn trực tiếp để bà con làm theo, tăng cường liên hoan văn nghệ quần chúng, gắn các hoạt động tuyên truyền chống rác thải nhựa vào các câu chuyện đời sống một cách linh hoạt, dễ hiểu.


Cán bộ xã Tân An hướng dẫn nhân dân cách phân loại rác thải.

Để phong trào “chống rác thải nhựa” lan tỏa, thấm sâu vào đời sống của nhân dân, các đoàn thể của xã Tân An đã cùng phối hợp thành lập các tổ tự quản tại các thôn. Chị Ma Thị Phượng, Tổ trưởng Tổ tự quản thôn An Phú chia sẻ: Chi hội Phụ nữ của thôn đã gắn chương trình phòng chống rác thải nhựa với Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”. Ngoài việc được tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần đối với môi trường, sức khỏe của con người thì mỗi gia đình đều được ký cam kết không sử dụng túi nilon, các sản phẩm làm từ đồ nhựa, hộp sử dụng một lần khi đi chợ, không xả rác thải bừa bãi. Sau mỗi quý sẽ tổng kết biểu dương những cá nhân làm tốt và phê bình những cá nhân chưa thực hiện tốt, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, tạo được sự đồng thuận và hưởng ứng cao của nhân dân.

Tuy mới triển khai phong trào phòng chống rác thải nhựa từ tháng 12-2019, nhưng đến nay, tại xã Tân An đã thành lập 11 tổ tại 11 thôn trong xã về xử lý và phòng chống rác thải nhựa. 100% các hộ gia đình đều ký cam kết thực hiện việc tự thu gom, phân loại và xử lý rác thải, phấn đấu đến năm 2025 có trên 95% số hộ gia đình trên địa bàn xã thực hiện việc phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý tại hộ gia đình. UBND xã tại hộ gia đình. UBND xã cũng trực tiếp ký giao ước với tổ trưởng các tổ tự quản rác thải tại các thôn, tạo phong trào thi đua trong thực hiện phong trào “chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”.

Một điểm mới của Tân An là không chỉ nâng cao ý thức người dân trong chống rác thải nhựa, các tổ tự quản bảo vệ môi trường thường xuyên tổ chức các ngày “Chủ nhật xanh” quét dọn đường làng, ngõ xóm, thu gom rác theo quy định. Chị Hà Thị Liên, Tổ trưởng tổ tự quản thôn An Thịnh chia sẻ: trên địa bàn thôn hiện có 175 hộ dân, từ năm 2020 sau khi thôn thành lập Tổ tự quản, ý thức của nhân dân đã được nâng lên nhiều, các thành viên trong tổ tự quản đều là người dân trong thôn, hiện nay ai cũng tự mua sắm thùng đựng rác, túi phân loại rác thân thiện với môi trường.

Là một hộ kinh doanh chè có quy mô lớn của xã, ông Dương Văn Dực, thôn Tân Hợp cho biết: trước đây, sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật, gia đình ông và nhiều hộ dân trong khu đều vứt rác thải bừa bãi, từ năm 2020, được ký cam kết nói không với rác thải nhựa, giữ gìn vệ sinh môi trường, bản thân ông cũng tự nâng cao ý thức, xây dựng các hố đựng rác thải, phân loại, để rác đúng nơi quy định.

Việc lạm dụng túi ni lông và các loại sản phẩm từ nhựa đang để lại hậu quả nặng nề cho môi trường sinh thái. Thời gian tới, để thực hiện hiệu quả phong trào, xã Tân An sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức đoàn thể nhất là Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các hộ gia đình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ, từ đó mang lại hiệu quả, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Bài, ảnh: Lê Duy

Tin cùng dòng sự kiện