Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam

Chủ trương về chính quyền đô thị được thể hiện nhất quán trong các nghị quyết, kết luận của Đảng và Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, việc thể chế các quan điểm, chủ trương đó chưa tạo lập được khuôn khổ pháp lý cần thiết và phù hợp cho việc xây dựng chính quyền đô thị ở Việt Nam. Thực tiễn quản lý các đô thị hiện nay đặt ra yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả. 

Một số vấn đề lý luận chung về chính quyền đô thị ở Việt Nam

Đô thị là những đơn vị hành chính có mật độ dân cư tập trung, kết cấu hạ tầng thống nhất, các lĩnh vực quy hoạch đô thị, quản lý, phát triển kết cấu hạ tầng, như điện, nước, đường giao thông, bảo vệ môi trường, xử lý chất thải, tổ chức đời sống dân cư... có tính chất liên thông trên địa bàn. Vì vậy, quản lý đô thị đòi hỏi phải bảo đảm tính thống nhất và tập trung xuyên suốt các hoạt động kinh tế - xã hội trong toàn đô thị. Dân cư ở đô thị vốn phụ thuộc vào việc làm và thu nhập của bản thân để lựa chọn cư trú, ít có sự gắn kết mang tính văn hóa và truyền thống với nơi ở như dân cư ở nông thôn. 

Mỗi một đô thị là một chỉnh thể thống nhất về khía cạnh kinh tế - xã hội - dân cư, ràng buộc chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tiêu dùng. Vì vậy, đòi hỏi chính quyền tổ chức ở đô thị phải là chính quyền được xây dựng trên cơ sở đề cao sự năng động và nhanh nhạy trong điều hành, giải quyết công việc với hiệu suất công việc cao, bảo đảm chính xác và kịp thời. Hoạt động quản lý nhà nước ở đô thị có tính phức tạp, đa dạng với khối lượng công việc lớn. Chính quyền đô thị phải quản lý hạ tầng kỹ thuật thống nhất về cấp thoát nước, cấp điện, chiếu sáng công cộng, giáo dục, bảo vệ sức khỏe, vệ sinh môi trường, giao thông, thông tin liên lạc. Đồng thời quản lý hạ tầng xã hội về nhà ở, dịch vụ, thương mại, giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, chăm sóc sức khỏe, văn hóa, thể dục thể thao, ăn uống, giải trí, nghỉ dưỡng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội,... Điều này cho thấy cách thức tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền đô thị không thể giống như chính quyền nông thôn. Do đó, việc thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị hiện này là bước đi hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với xu thế vận động và phát triển.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh và lãnh đạo thành phố Hà Nội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ mười bảy, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026_Nguồn: daibieunhandan.vn

Vấn đề tổ chức hợp lý chính quyền địa phương các cấp, phân biệt sự khác nhau giữa chính quyền nông thôn với chính quyền đô thị đã được xem xét, thảo luận qua nhiều kỳ đại hội của Đảng và các nhiệm kỳ của Quốc hội, Chính phủ. Nhiều nghị quyết, kết luận của Đảng đã được ban hành(1). Năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 107/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP và Nghị định số 108/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP, ngày 5-5-2014, của Chính phủ, quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tiếp tục tạo cơ sở pháp lý kiện toàn cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Thực tiễn thực hiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cho thấy, các mô hình tổ chức chính quyền địa phương đã được định hình, đi vào hoạt động và bước đầu phù hợp với đặc điểm kinh tế, địa lý, dân cư, kết cấu hạ tầng và yêu cầu quản lý ở mỗi địa bàn. Chính quyền địa phương các cấp đã có bước phát triển, đổi mới về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu, tổ chức bộ máy. Cơ cấu, tổ chức bộ máy chính quyền đô thị đã có quy mô gọn hơn, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, nhiệm vụ cải cách hành chính, tinh giản biên chế ở các cấp chính quyền địa phương, trong đó có chính quyền đô thị đạt được những kết quả tích cực. Trong hoạt động thực tiễn, hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp luôn khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại biểu và đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Tổ chức bộ máy chính quyền địa phương được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn; quan tâm xây dựng chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn, khẩn trương triển khai xây dựng chính quyền điện tử”(2), đồng thời nhận định: “hoạt động của hội đồng nhân dân có nhiều đổi mới”(3), đóng góp thiết thực vào việc phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. Ủy ban nhân dân (UBND) ở cấp chính quyền là cơ quan chấp hành của HĐND cùng cấp; tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; thực hiện nghị quyết của HĐND và các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên giao. UBND thực hiện hiệu quả chức năng quản lý hành chính nhà nước trên các lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quy định pháp luật về cơ cấu, tổ chức chính quyền đô thị có một số hạn chế, bất cập:

Thứ nhất, tổ chức đơn vị hành chính lãnh thổ không có sự phân biệt về vai trò của các đơn vị hành chính giữa đô thị và nông thôn, miền núi, miền xuôi và hải đảo. Hiến pháp năm 2013 quy định chính quyền địa phương ở “cấp chính quyền” bao gồm hai thiết chế HĐND và UBND, và được hiểu là nếu ở đâu không có HĐND thì không được coi là cấp chính quyền. Tuy nhiên, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 lại đồng nhất cấp chính quyền với cấp hành chính (tại các Điều 30, Điều 44, Điều 58). Do vậy, chính quyền địa phương cả ba cấp, trong đó cả các đô thị (đô thị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) cũng có đủ hai thiết chế HĐND và UBND, trừ hai địa phương đang thực hiện thí điểm đề án tổ chức chính quyền đô thị là Hà Nội (đối với phường, thị xã) và Đà Nẵng (đối với quận, phường) và một đơn vị tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình đô thị ở Thành phố Hồ Chí Minh theo các đề án cụ thể do Quốc hội quyết định.

Thứ hai, thiết chế HĐND của chính quyền đô thị không có nhiều sự khác biệt lớn so với HĐND ở các địa bàn khác. HĐND là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân địa phương nhưng với những quy định về nhiệm vụ và thẩm quyền tương tự nhau ở các cấp, thiết chế này chưa thực sự là cơ quan đại diện trong quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, kể cả ở địa bàn đô thị. Hiện nay, số lượng đại biểu HĐND kiêm nhiệm chiếm tỷ lệ khá cao. HĐND ở đô thị, như HĐND quận, phường ở một số nơi thực hiện các chức năng, nhiệm vụ còn mang tính hình thức. Đây cũng là một trong những lý do để thực thiện đề án thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường như trước đây và thí điểm không tổ chức HĐND phường ở Hà Nội và chính quyền đô thị ở Đà Nẵng hiện nay. Pháp luật cũng chưa có cơ chế riêng đối với một số đô thị mà có những lợi thế hoặc những khác biệt so với các địa phương khác, vì vậy, vai trò của chính quyền địa phương trong cung ứng các dịch vụ công cho người dân ở nhiều đô thị lớn ở nước ta hiện nay gặp nhiều trở ngại.

Thứ ba, pháp luật vẫn quy định một mô hình chung được áp dụng cho tất cả các đơn vị hành chính: Cơ quan đại diện (HĐND) và cơ quan hành chính (UBND) trừ một số cấp, như ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng như đã nói ở trên. Cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, cấp huyện cồng kềnh, thiếu tính ổn định. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương phù hợp với tình hình thực tiễn ở nhiều địa phương còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu và kiện toàn một cách đồng bộ và triệt để theo Hiến pháp và pháp luật. Cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện chưa được hoàn thiện theo hướng phát huy vai trò chủ động, sáng tạo và phù hợp với đặc thù của địa phương, mà cơ bản được tổ chức đồng nhất như nhau, chưa thật phù hợp với tinh thần Kết luận số 64-KL/TW(4).

Thứ tư, pháp luật quy định những nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị chưa phù hợp với yêu cầu và thực tiễn vận hành của chính quyền đô thị (ví dụ Điều 5 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015). Pháp luật chưa trao quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm cho chính quyền đô thị về vấn đề tuyển dụng và quản lý cán bộ, công chức cho bộ máy chính quyền đô thị dẫn đến cơ chế “xin - cho”. Bộ máy chính quyền địa phương ngày càng phình to. Pháp luật cũng chưa giao nhiều quyền cho chính quyền đô thị trong công tác tổ chức, nhân sự.

Nhân dân đón chào năm mới ở Thành phố Hồ Chí Minh _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Giải pháp hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động chính quyền đô thị ở Việt Nam hiện nay

Để hoàn thiện quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu của việc xây dựng chính quyền đô thị theo hướng tinh gọn, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, cần chú trọng một số giải pháp sau:

Một là, chuyển tư duy quản lý đô thị từ lấy chính quyền làm trung tâm sang quản trị đô thị lấy công dân làm trung tâm, gắn với quản trị quốc gia/ quản trị địa phương, quá trình chuyển đổi số.

Trong quản trị đô thị, chính quyền địa phương có chức năng và vai trò rất quan trọng, vì thế, hoạt động quản trị của chính quyền đô thị cần thể hiện đầy đủ tính dân chủ, công khai, minh bạch, có năng lực đáp ứng và tinh thần trách nhiệm. Chính quyền cần tạo ra môi trường thuận lợi để phát huy vai trò của doanh nghiệp và xã hội; tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của công dân, mở rộng và tăng cường sự tham gia của người dân. Thực hiện quản trị đô thị lấy công dân làm trung tâm còn đòi hỏi cần đổi mới nhận thức về hiệu quả của quản trị đô thị. Theo đó, cần có quan niệm toàn diện về tính hiệu quả của quản trị đô thị, trong đó lấy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững và sự hài lòng của công dân làm các tiêu chí cơ bản để đánh giá tính hiệu quả của quản trị đô thị.

Hai là, xác định đúng chức năng, nhiệm vụ của chính quyền đô thị (phân cấp, phân quyền, ủy quyền, bảo đảm các nguồn lực về ngân sách, tài chính, con người/cán bộ, công chức thực thi công vụ).

Một bộ máy hành chính nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả phải dựa trên sự phân công, phân cấp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng, rành mạch, hợp lý giữa các cấp, các ngành với những điều kiện cần thiết. Do vậy, cần đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho chính quyền đô thị, bảo đảm cho chính quyền đô thị quyền tự chủ trong các lĩnh vực từ ngân sách, tài chính, tổ chức bộ máy đến quản lý dân cư, bảo vệ môi trường… Điều này phù hợp với xu hướng trao quyền tự quản cho chính quyền đô thị của nhiều nước trên thế giới. Thực tiễn quản lý xã hội ở đô thị đang đặt ra nhiều vấn đề, như quản lý dân cư, bảo đảm về quyền con người, quyền công dân; vấn đề bảo về môi trường, giao thông đô thị… theo yêu cầu của người dân, trên cơ sở phát huy vai trò tự quản xã hội. Thông qua đó, người dân có khả năng tác động trực tiếp đến hoạt động của chính quyền đô thị, bảo đảm hoạt động của chính quyền đô thị đặt dưới sự giám sát của người dân. 

Ba là, đổi mới mô hình tổ chức bộ máy chính quyền đô thị.

Gắn với đặc thù của chính quyền đô thị, cần thiết kế mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp để đạt được hiệu quả trong quản lý đô thị, trên cơ sở kế thừa được những kết quả tích cực của việc thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường giai đoạn 2009 - 2015 và thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội, Đà Nẵng, mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, quy định không tổ chức đầy đủ 3 cấp chính quyền địa phương ở đô thị. Về nguyên tắc, mỗi đô thị dù lớn hay nhỏ chỉ nên có một cơ quan HĐND ở cấp toàn đô thị; chỉ tổ chức một cấp chính quyền đầy đủ có HĐND và UBND (cơ quan hành chính). Hiện nay đang có hai mô hình được triển khai ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh (trong đó có mô hình thành phố Thủ Đức/thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc trung ương), cần phải có sự tổng kết về lý luận, pháp lý và thực tiễn để chọn mô hình phù hợp, hiệu quả của chính quyền đô thị. Xây dựng mô hình chính quyền đô thị hướng đến gần dân nhất, giải quyết trực tiếp các vấn đề đô thị thông suốt, kịp thời. 

Bốn là, bảo đảm thực quyền của thiết chế hội đồng nhân dân đô thị.

HĐND đô thị là thiết chế tiếp nhận quyền lực ủy quyền từ cộng đồng dân cư đô thị để thực hiện quyền lực nhà nước tại địa phương. Hội đồng dân cử lập ra UBND với các mối quan hệ về chấp hành, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND.... Để Nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, phải tôn trọng, đề cao vai trò của HĐND và từ đó hoàn thiện thể chế tổ chức, hoạt động và bảo đảm các điều kiện để HĐND đô thị thực sự là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; bầu ra và giám sát hoạt động của cơ quan hành chính. Để đạt được điều đó, cần đổi mới hoạt động lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND đô thị, theo hướng chú trọng phẩm chất, năng lực đại biểu hơn là cơ cấu, tăng số lượng đại biểu chuyên trách, giảm đại biểu giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước. 

Nhận thức rõ sự giám sát của HĐND đô thị chính là sự giám sát của nhân dân đối với những thiết chế thực thi quyền lực nhà nước ở đô thị. Do đó, hoàn thiện cơ chế giám sát của HĐND đô thị cần được hoàn thiện theo hai phương diện: Một là, cần quy định cụ thể hơn nữa nhiệm vụ, quyền hạn và quy trình giám sát của HĐND đô thị và các cơ quan của HĐND, đại biểu HĐND; đặc biệt, cần phải quy định rõ việc xử lý, thực hiện các kiến nghị của các chủ thể giám sát và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức và cơ quan chịu sự giám sát. Hai là, công khai, minh bạch hóa hoạt động giám sát: Tất cả hệ thống quy trình, nội dung và kết quả giám sát đều phải được công khai, minh bạch để sử dụng sức mạnh của dư luận, sức mạnh của nhân dân nhằm bảo đảm hiệu quả thực chất của hoạt động này.

Năm là, sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị.

Sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức đơn vị hành chính trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 và các văn bản pháp luật liên quan về chính quyền đô thị. Sử dụng khái niệm “Chính quyền đô thị” một cách chính thức trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật có liên quan thay cho cách sử dụng khái niệm chính quyền địa phương ở các đô thị. Dành một chương về chính quyền đô thị trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương để quy định về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của chính quyền đô thị trong các đơn vị hành chính đô thị một cách phù hợp.

Sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về tổ chức đơn vị hành chính trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 và các văn bản pháp luật liên quan nhằm xác định rõ vị trí, vai trò của từng cấp hành chính ở đô thị; cần có quy định phù hợp hơn về việc tổ chức đơn vị hành chính ở đô thị. Sửa đổi, bổ sung Điều 2, Điều 4 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) để phân biệt “cấp chính quyền” với “cấp đơn vị hành chính”; xác định rõ những đơn vị hành chính nào được tổ chức “cấp chính quyền” và những đơn vị hành chính nào không được coi là cấp chính quyền. Từ đó, pháp luật cần đa dạng hóa mô hình tổ chức chính quyền đô thị, xác định rõ đơn vị hành chính nào được tổ chức đủ hai thiết chế HĐND và UBND và đơn vị hành chính nào chỉ tổ chức UBND hoặc cơ quan quản lý hành chính. Điều chỉnh lại chức năng, thẩm quyền của HĐND và UBND bảo đảm tính tập trung, thống nhất của chính quyền đô thị. Cơ cấu của chính quyền đô thị phải gọn nhẹ, giảm bớt đầu mối trung gian như HĐND ở quận, phường. UBND cũng có ít các sở, phòng chuyên môn(5).

Tổ chức chính quyền đô thị cần có sự phân biệt cơ bản với chính quyền nông thôn. Thực trạng tổ chức chính quyền địa phương hiện nay đặt ra yêu cầu cần thiết phải làm rõ, phân định rành mạch sự khác biệt giữa đô thị và nông thôn, từ đó xác định cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, cơ chế hoạt động phù hợp đối với chính quyền ở địa bàn đô thị và chính quyền ở địa bàn nông thôn. 

Xác định đúng và cụ thể hơn chức năng, nhiệm vụ của chính quyền đô thị. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương để quy định cụ thể hơn về đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền đô thị cấp dưới. Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền đô thị cấp dưới cần phải bảo đảm các nhiệm vụ, công việc giao cho chính quyền đô thị cấp dưới phải phù hợp với điều kiện, năng lực thực hiện của cấp dưới và Nhà nước phải bảo đảm các nguồn lực (nhân lực, kinh phí, phương tiện) để cấp dưới thực hiện các nhiệm vụ, công việc được giao. Một bộ máy hành chính nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả phải dựa trên sự phân công, phân cấp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng, rành mạch, hợp lý giữa các cấp, các ngành với những điều kiện cần thiết. Do vậy, cần đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho chính quyền đô thị, bảo đảm cho chính quyền đô thị quyền tự chủ trong các lĩnh vực từ ngân sách, tài chính, tổ chức bộ máy đến quản lý dân cư, bảo vệ môi trường… 

Quy định pháp luật về nguồn nhân lực phục vụ cho chính quyền đô thị.

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật cán bộ, công chức để quy định việc tuyển chọn, giới thiệu, bố trí các cán bộ, công chức giữ các cương vị lãnh đạo, bộ máy tham mưu của HĐND, UBND và cơ quan khác thuộc chính quyền đô thị là những người thực sự có trình độ, năng lực, phẩm chất tốt, có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của nhân dân, vì sự phát triển của địa phương và cả nước. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương để quy định cụ thể các tiêu chuẩn đại biểu HĐND để làm cơ sở, tạo thuận lợi cho việc giới thiệu, lựa chọn bầu các đại biểu HĐND có đức, có tài, bảo đảm chất lượng; sửa đổi, bổ sung Luật bầu cử đại biểu HĐND để quy định cụ thể về quy trình giới thiệu những người thực sự có đức, có tài ra ứng cử đại biểu HĐND; tạo điều kiện thuận lợi để các ứng cử viên vận động tranh cử; quy định mỗi đơn vị bầu cử chỉ nên bầu tối đa 2 đại biểu trong số các ứng cử viên ít nhất nhiều gấp 2 lần số người được bầu... nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của HĐND để thực hiện tốt vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương và thực hiện nhiệm vụ giám sát. Trên cơ sở thực trạng diện tích, dân số và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng đô thị, để xác định vị trí việc làm và định biên chế số lượng cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với yêu cầu quản lý và cung ứng dịch vụ công cho người dân, tổ chức ở đô thị; triệt để khắc phục tình trạng “cào bằng” định mức biên chế và tinh giản biên chế như hiện nay. 

Xuất phát đặc thù từ đô thị, phân cấp, phân quyền trong chính quyền đô thị theo nguyên tắc thống nhất, gọn nhẹ gắn với các điều kiện về nguồn lực tự chủ về tài chính, phát huy dân chủ và khác với phân cấp, phân quyền giữa trung ương, địa phương, các cấp chính quyền địa phương theo nguyên tắc phân cấp tốt nhất. Đổi mới tổ chức và hoạt động chính quyền đô thị hiện nay cần gắn với đặc thù các thành phố ở Việt Nam có cả yếu tố đô thị và nông thôn trong quá trình đô thị hóa. Hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động chính quyền đô thị phải gắn với các yêu cầu đòi hỏi của quản trị địa phương để xác định được yếu tố chung và riêng đặc thù của địa phương./.

PGS, TS Trần Thị Diệu Oanh

Học viện Hành chính quốc gia

-------------------------------------

(1) Xem thêm các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, XI, XII; Nghị quyết số 17 -NQ/TW, của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 5 khóa X; Kết luận số 64 -KL/TW, ngày 28-5-2013, Kết luận Hội nghị Trung ương 7 khóa XI, “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”; Nghị quyết số 18-NQ/TW, Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XII, “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 73
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr. 72
(4) Xem: Kết luận số 64-KL/TW, ngày 2-5-2013, của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XI, “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở”
(5) Phân định thẩm quyền cho cấp tỉnh quyết định cơ cấu tổ chức cho phù hợp như thẩm quyền quyết định về tổ chức thanh tra trong các sở như Luật Thanh tra năm 2022, thậm chí tiến tới theo lộ trình phù hợp quyết định số lượng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương.

Theo Tạp chí Cộng sản điện tử

Tin cùng dòng sự kiện