Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng đã ban hành loạt các Nghị quyết, Chỉ thị để ngăn chặn, khắc phục, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có biểu hiện của bệnh quan liêu, điển hình như: Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 2/2/1999, Hội nghị lần thứ sáu (lần 2) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay; Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/1/2012, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...
Nhờ những chủ trương, đường lối, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước cùng sự quyết tâm, vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân ta, thời gian vừa qua, công tác đấu tranh phòng, chống bệnh quan liêu, xa dân đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhiều cán bộ, đảng viên có biểu hiện của căn bệnh này đã được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, mà đặc trưng của thời kỳ quá độ là cái tốt và cái xấu, cái mới và cái cũ, cái lạc hậu, bảo thủ và cái tiến bộ, tích cực... đan xen nhau, do đó không thể tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót nảy sinh trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chưa thể ngay lập tức loại bỏ hết những biểu hiện tiêu cực của bệnh quan liêu, xa dân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Thực tế cho thấy, bên cạnh những cán bộ, đảng viên có biểu hiện quan liêu, xa dân thì đa số vẫn giữ vững niềm tin, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, hết lòng phụng sự nhân dân, vì lợi ích của đất nước, của nhân dân.
Trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, ngăn chặn kịp thời bệnh quan liêu, xa dân, đòi hỏi mỗi cá nhân cần tiếp tục nâng cao nhận thức, đạo đức, trình độ chuyên môn, hình thành tác phong luôn đi sâu, đi sát quần chúng nhân dân để thực hiện tốt yêu cầu “vì nhân dân mà phục vụ”, “nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”.
Bên cạnh đó công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ của các cấp chính quyền, bộ, ban, ngành từ trung ương đến địa phương cần được làm chặt chẽ, trong đó các tiêu chí về tiếp dân, kết quả đánh giá mức độ hài lòng của nhân dân cần được xem là tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá chất lượng hoạt động của cơ quan, đơn vị cũng như cá nhân lãnh đạo, quản lý và đội ngũ cán bộ, đảng viên thực thi nhiệm vụ.
Gửi phản hồi
In bài viết