Ký ức ngày tái lập tỉnh

- Cách đây 30 năm, ngày 12-8-1991, tại kỳ họp thứ IX, Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết chia tách tỉnh Hà Tuyên thành hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Câu chuyện của 30 năm, với nhiều người vẫn hiển hiện như từng thước phim quay thật chậm rãi, đậm nét và khó quên.

Không màng gian khó

Sau 15 năm gắn bó với mảnh đất phên giậu của Tổ quốc - Hà Giang - tái lập tỉnh, trở về với nguyên vẹn tên cũ, dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng trong lòng ai cũng khấp khởi những niềm vui, niềm hy vọng mới.

Trong ngôi nhà cũ nằm giữa khu phố sầm uất một thời, kỷ vật đáng giá là những tấm ảnh đen trắng chụp trong ngày chia tay đồng nghiệp lên Hà Giang công tác năm 1991 được bà Nguyễn Thị Điểm, tổ 6, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) lưu giữ cẩn thận. Năm 1991, bà Điểm khi ấy đang công tác tại Chi cục Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Khi có quyết định tách Hà Tuyên thành Tuyên Quang và Hà Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng như nhiều sở ngành khác của tỉnh gần như chia hai: Một phần ở lại Tuyên Quang tiếp tục công việc, một phần chuyển công tác lên Hà Giang.

Người ở lại chịu phần thiệt thòi hơn, khi những điều tốt nhất, quý nhất đều ưu tiên cho mảnh đất anh em còn nhiều khó khăn, vất vả. Bà Điểm nhớ lại, Chi cục Bảo vệ thực vật khi ấy được tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) hỗ trợ 1 máy phát điện và 1 chiếc xe máy Honda DD đỏ, lúc này đều sẵn sàng dành tặng Hà Giang. Bà Điểm cười, nhớ lại, ngày đấy, anh chị em không màng gian khó, sẵn lòng chung lưng đấu cật, chỉ mong người láng giềng nhanh chóng theo kịp với các tỉnh miền xuôi.  

Cán bộ Sở Nông nghiệp và PTNT chia tay đồng nghiệp lên Hà Giang làm việc ngày tái lập tỉnh.

Ông Ma Văn Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, khi ấy là Phó Chủ tịch UBND huyện Na Hang vẫn nhớ như in hình ảnh huyện Na Hang những năm đầu tái lập tỉnh. Ông bảo, giờ Na Hang là huyện vùng cao của tỉnh, nhưng ngày còn ở Hà Tuyên, Na Hang chỉ là huyện vùng thấp nếu so với Đồng Văn, Mèo Vạc. Hệ thống đường giao thông xuống cấp, đi lại khó khăn. Ngày đấy, muốn đi từ Na Hang về thị xã Tuyên Quang phải đi mất cả ngày trời, chuyển 2 lần phà Bợ, phà Chiêm Hóa mới đến nơi. Đường giao thông, là câu chuyện ám ảnh với không chỉ Na Hang, mà hầu hết các địa phương khác trong tỉnh.

Tái lập tỉnh ngay sau cuộc chiến tranh biên giới vài năm, đất nước bước vào thời kỳ tái thiết và cũng là năm đầu tiên công cuộc đổi mới, Tuyên Quang cũng như nhiều địa phương khác của cả nước, gặp muôn vàn khó khăn, nhất là vấn đề giao thông, đi lại. Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái Đặng Xuân Trường thời điểm đấy, đã phát biểu trong một cuộc họp với lãnh đạo huyện, rằng hãy khoan bàn đến câu chuyện trồng cây gì, nuôi con gì, mà hãy nói cho chúng tôi biết bao giờ có một con đường đi lại thuận tiện hơn. Bởi ngay khi có đường, thì những câu hỏi kia sẽ được giải quyết hết.

Những niềm tự hào riêng có

Trong ký ức của những người dân Tuyên Quang ngày tái lập tỉnh, thì tất cả đều hoang sơ mà bình yên. Ông Nguyễn Văn Tỵ, ở Tân Quang nhớ lại, ngày đấy chưa có nhiều đường lớn như bây giờ, các phương tiện đi lại cũng chủ yếu là xe đạp, di chuyển đến các địa phương thì có xe ca và thuyền. Cả thị xã Tuyên Quang những năm 90, có một nhà sắm được chiếc xe máy mà nổi tiếng đến độ, cả thị xã biết tên.

Anh Nguyễn Văn Thành ngày đấy là chàng thanh niên 26 tuổi tự hào nhớ lại, phố Tân Quang ngày đấy nổi tiếng không khác gì phố cổ của Thủ đô Hà Nội. Cha mẹ anh tận dụng lợi thế “nhất cận thị, nhị cận giang”, theo nghề buôn bán cá sông. Ngay trước nhà anh là khu “bách hóa nhà cao”, sát đấy là chợ Tam Cờ buôn bán đủ các mặt hàng mà dân cần thiết. Chẳng thế mà người dân truyền tai nhau, đến Tuyên Quang mà chưa đến chợ Tam Cờ thì coi như chưa đến thị xã. Sở dĩ tên gọi “nhà cao” đi theo nhiều địa điểm nổi tiếng của thị xã ngày đấy, là bởi lũ. Những địa điểm phục vụ công cộng được xây cao hẳn lên để tránh lũ. 

Khu Xuân Hòa ngày đấy, cùng với khu Tân Quang là những khu phố sầm uất nhất thị xã Tuyên Quang. Ở mỗi khu, người dân lại có một niềm tự hào riêng có của mình.

Một góc thành phố Tuyên Quang. Ảnh: Hoàng Thảo

Cụ bà Vũ Thị Tuất, năm nay đã 83 tuổi, vẫn nhớ cái tên phố mình những năm 90 là con phố CCCP. Nghĩa là phố của cát, cót, phên, củi. Lợi thế trên bến dưới thuyền, phố Xuân Hòa trở thành nơi trung chuyển, giao lưu, buôn bán các loại hàng hóa do tiểu thương vận chuyển bằng thuyền về bến đò thị xã. Xuân Hòa khi ấy có tổ đan cót với hơn chục gia đình, làm không hết việc. Không chỉ tự hào là nơi trung chuyển hàng hóa, phố Xuân Hòa ngày đấy còn nổi tiếng bởi có cửa hàng ăn số 1, hay còn gọi là “hàng ăn nhà cao”. Giờ thì khái niệm nhà cao, hay câu chuyện chạy lũ, vốn chỉ còn trong ký ức của những người già. Khi dòng Gâm được trị thủy, người dân thành phố Tuyên Quang đã không còn nơm nớp lo những ngày mưa bão nữa.  

Với những người đã sống qua hai thế kỷ, cũng là đi qua hai thời kỳ từ bao cấp sang mở cửa, thì những đổi thay của ngày hôm nay thực sự là bước tiến vượt bậc. Những cung đường trải nhựa, những cây cầu bắc qua sông nối những nhịp bờ vui.  

“Có xa đâu bên đấy bên này
Mà phải thế, bao đời như thế
Thương nhau, nước cả, nhìn sang…”

Đây là những dòng thơ mà Nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Ma Văn Đức “tức cảnh sinh tình” sau những chuyến chuyển phà Bợ, phà Chiêm Hóa để xuống được thị xã Tuyên Quang ngày đấy. Ông Đức cười khề khà, bảo giờ thì những chuyến phà chỉ còn trong ký ức. Tuyên Quang đã vượt qua gian khó, với những công trình lịch sử, từng bước vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong các tỉnh miền núi phía Bắc.                    

Trần Liên

Tin cùng dòng sự kiện