Quyết sách lớn cho kỷ nguyên mới
Hiến pháp là đạo luật gốc của mọi quốc gia. Ở Việt Nam, Hiến pháp không chỉ là bản cam kết chính trị tối cao giữa Nhà nước với Nhân dân, mà còn là kết tinh của tư tưởng đổi mới trong từng thời kỳ phát triển. Những lần sửa đổi Hiến pháp của Việt Nam không chỉ phản ánh nhu cầu chính trị, pháp lý và tổ chức, mà còn là chỉ dấu rõ rệt của sự chuyển mình về tư duy cầm quyền, về cách Nhà nước kiến tạo và vận hành quyền lực.
Khi đất nước bước sang giai đoạn phát triển mới với yêu cầu “đột phá thể chế”, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đã phát đi một tín hiệu đặc biệt mạnh mẽ: cần thiết phải sửa đổi một số điều của Hiến pháp 2013 để tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đây là nội dung trọng yếu trong Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 - một văn kiện mang tính chỉ đạo xuyên suốt, thể hiện rõ tầm nhìn dài hạn và quyết tâm đổi mới mạnh mẽ của Đảng đối với tổ chức quyền lực Nhà nước.
Đảm bảo tính dân chủ, khoa học
Theo dự thảo nghị quyết sửa đổi Hiến pháp, Hiến pháp 2013 sẽ sửa đổi 8 điều, gồm: Điều 9, 10 (thuộc Chương 1 về chế độ chính trị), Điều 84 (thuộc Chương V về Quốc hội) và các điều 110, 111, 112, 114, 115 (thuộc Chương 9 về chính quyền địa phương).
Theo luật sư Vũ Trung Kiên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Vũ Kiên (TP Tuyên Quang) cho biết, để kết thúc hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương 3 cấp, bỏ cấp huyện, sáp nhập tỉnh, xã thì phải sửa lại một phần Hiến pháp, đây là yêu cầu cấp thiết.
Lãnh đạo xã Hồng Sơn (Sơn Dương) với người dân trong xã.
"Lần sửa đổi này có điểm rất tích cực, tập trung, có trọng tâm. Đó là chúng ta chỉ sửa khoảng 8 trong 120 Điều của Hiến pháp năm 2013 để vừa kịp tiến độ, vừa tránh thay đổi quá lớn, làm xáo trộn hệ thống. Việc sửa đổi, bổ sung tập trung vào ba nội dung trọng yếu, đúng và trúng vào các nút thắt thể chế. Trong đó nổi bật là các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương", ông Kiên nói.
Tham gia đóng góp sửa đổi Hiến pháp năm 2013, bà Nguyễn Thị Minh Phượng, tổ 1, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) bày tỏ mong muốn việc sửa đổi Hiến pháp sẽ mở ra cơ hội lớn để đất nước phát triển bền vững hơn với các tầm nhìn dài hạn đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên mới. Việc lấy ý kiến rộng rãi một cách dân chủ, khoa học, minh bạch sẽ bảo đảm mọi tầng lớp Nhân dân được tham gia thực chất.
Mở ra cơ hội mới đưa đất nước phát triển
Ông Lò Xuân Thắng, Bí thư Chi bộ thôn Lũng Giềng, xã Xuân Lập (Lâm Bình) cho biết, Hiến pháp không chỉ là khung khổ pháp lý mà phải đi vào đời sống, giúp khâu tổ chức, vận hành bộ máy chính quyền và Mặt trận Tổ quốc hiệu quả hơn. Khi đó, những cam kết "gần dân, sát dân" sẽ thực sự được người dân cảm nhận qua từng hoạt động giám sát, phản biện tại thôn, xóm, hộ gia đình. Qua nắm bắt tình hình khu dân cư, người dân bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ cao đối với chủ trương sửa đổi Hiến pháp”.
Việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 đang được thực hiện trên nhiều “kênh”, nhiều diễn đàn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân dễ dàng bày tỏ quan điểm và góp ý.
Ông Phạm Đình Khiết, Phó Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật, Trường Chính trị tỉnh cho biết, đất nước đang phát triển và thay đổi từng ngày, từng giờ, vì vậy việc sửa đổi Hiến pháp sẽ tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
“Tôi nhận thấy quá trình lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp vừa qua, đã được các cơ quan có thẩm quyền triển khai rất nhanh chóng, kịp thời, thận trọng, khoa học và được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ và nhất trí cao. Trong lần sửa đổi này, điểm cốt lõi cần được ưu tiên sửa đổi là vấn đề hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng sắp xếp lại chính quyền địa phương từ 3 cấp xuống 2 cấp (bỏ cấp huyện); đúng với tinh thần của Nghị quyết số 18 của Bộ chính trị, đó là tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, không chồng chéo; hoạt động hiệu lực, hiệu quả” - ông Khiết nói.
Ông Đinh Minh Tuyên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ninh Lai (Sơn Dương) cho biết, trong bối cảnh sắp xếp lại tổ chức bộ máy và thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
“Hiến pháp mới cần điều chỉnh nhằm tạo khung pháp lý rõ ràng, minh bạch, bảo đảm tính độc lập, tự chủ hơn để Mặt trận thực hiện quyền giám sát, phản biện xã hội một cách thực chất, không hình thức, kịp thời nói lên tiếng nói của nhân dân. Cần tạo điều kiện hơn nữa để các tổ chức chính trị - xã hội thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, phản ánh đúng và kịp thời ý kiến của các tầng lớp nhân dân” - ông Tuyên chia sẻ.
Việc lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 2013 tại Tuyên Quang đang diễn ra một cách nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm. Những ý kiến tâm huyết, đa dạng từ cơ sở là nguồn lực quý báu để các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân, xây dựng một bản Hiến pháp thực sự vì Nhân dân.
Gửi phản hồi
In bài viết