Mừng thọ thời Covid

- Theo ông Nguyễn Quang Sơn, Phó Ban đại diện Người cao tuổi tỉnh, nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 toàn tỉnh có 11.637 người cao tuổi được mừng thọ, tặng quà. Trong đó, có 81 cụ tròn 100 tuổi, 861 cụ tròn 90 tuổi.

Ngày nay, mừng thọ đã thành chế định bắt buộc, việc ý nghĩa phải làm và nên làm. Điều 21 Luật Người cao tuổi năm 2009 quy định về chúc thọ, người thọ 100 tuổi được Chủ tịch nước chúc thọ và tặng quà; người thọ 90 tuổi được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chúc thọ và tặng quà. Về mừng thọ, UBND cấp xã phối hợp với Hội Người cao tuổi tại địa phương, gia đình của người cao tuổi tổ chức mừng thọ người cao tuổi ở tuổi 70, 75, 80, 85, 90, 95 và 100 tuổi trở lên vào một trong các ngày sau đây: Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam (6-6), Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1-10), Tết Nguyên đán hàng năm và sinh nhật của từng người cao tuổi. 

Do tình hình dịch bệnh Covid-19, Chi hội Người Cao tuổi xóm 2, xã Tràng Đà, TP Tuyên Quang đến tận nhà mừng thọ, tặng quà cho ông Lê Tiến Hạm tròn 80 tuổi.

Trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 năm nay, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Ban đại diện Người cao tuổi tỉnh, cùng các cấp, ngành, đơn vị ở địa phương trực tiếp đi chúc thọ, mừng thọ các cụ 100 tuổi, có lụa đỏ, thiệp chúc thọ của Chủ tịch nước. Điều đó thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của Đảng, Nhà nước, chính quyền, các đoàn thể ở địa phương đối với người cao tuổi. Các cụ còn lại, do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, chính quyền và Hội Người cao tuổi địa phương đến tận nhà mừng thọ, tặng quà. Nhìn chung các cụ đều đồng tình cao với cách làm trên của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam. Hoạt động mừng thọ vừa ngắn gọn, nhưng vẫn thể hiện được sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với người cao tuổi, tạo không khí vui tươi, đầm ấm từ mỗi gia đình người cao tuổi.

Bà Lê Thanh Nga, Chi hội trưởng Người cao tuổi xóm 2, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) khẳng định, mừng thọ đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt mỗi dịp đầu xuân năm mới hay vào đúng ngày sinh của người cao tuổi. Mừng thọ thể hiện sự tôn trọng của xã hội, tấm lòng hiếu thảo cũng như sự kính trọng của con cháu đối với các bậc cao niên. Thông thường 70 tuổi gọi là thượng thọ, 80 tuổi là đại thọ, 90 tuổi là thượng thượng thọ và tròn 100 tuổi là bách tuế hay bách niên chi lão. Trong tâm thức dân gian của người Việt, mỗi người sinh ra đều mong muốn đạt được Ngũ phúc trong đời là: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh. Trong đó, Thọ là yếu tố khó nắm bắt nhất nên cũng là điều mà mọi người mong muốn nhất. Điều này thể hiện ngay trong đời sống thường nhật, trong những lời chúc tụng, bao giờ người ta cũng đề cập đến lời chúc về sức khỏe đầu tiên, còn tiền tài hay danh vọng chỉ được xếp sau. Tuổi thọ là điều quý giá nhất của đời người mà không phú quý nào sánh bằng.

Cụ Trần Thị Cầu, tổ 15, phường An Tường, TP Tuyên Quang được con cháu trong gia đình mừng thọ gọn nhẹ, ý nghĩa.

Ông Lê Tiến Hạm, xóm 2, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) năm nay tròn 80 tuổi, trước kia mong muốn nhất của ông và gia đình là làm một cái lễ mừng thọ chu đáo. Dự kiến có mời họ nội, ngoại dưới quê lên, rồi thông gia, hàng xóm, bạn bè và đông đủ con cháu trong gia đình. Tuy nhiên xét thấy tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ông Hạm quyết định hủy làm lễ mừng thọ. Ông bảo, mình càng cao tuổi, bao nhiêu năm trong quân ngũ, cơ quan nhà nước, giờ về già càng phải làm gương cho con, cháu. Hàng ngày ông vẫn chăm chú nghe đài, theo dõi thời sự về tình hình dịch bệnh trong và ngoài tỉnh. Không tổ chức mừng thọ năm nay song ông vẫn cảm thấy đầm ấm, hạnh phúc. Vì người già vẫn được sự quan tâm chu đáo của toàn xã hội và gia đình. Anh trai ông Lê Tiến Hạm là Lê Văn Hàm ở Đan Phượng, Hà Nội do dịch Covid-19 không lên mừng thọ em trai được, nhưng gia đình có kết nối mừng thọ “online” qua facebook rất ấn tượng, khiến ông rất xúc động.

Đối với người Việt, gia đình có người cao tuổi được coi là đại hồng phúc, con cháu được mừng thọ ông bà, cha mẹ là được thêm niềm vui, niềm tự hào. Năm nay căn cứ vào tình hình dịch bệnh, khả năng của từng gia đình mà các cụ đều chọn cách làm giản dị, phù hợp song vẫn giàu ý nghĩa nhân văn sâu sắc.   

Bài, ảnh: Quang Hòa

Tin cùng dòng sự kiện