Những cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP Na Hang luôn đông khách.
Na Hang có nhiều sản phẩm được cấp nhãn hiệu hàng hóa, sản xuất đạt theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và 28 sản phẩm đạt OCOP, một số sản phẩm lọt vào top những sản phẩm “Chất lượng vàng nông nghiệp Việt Nam”, tiêu biểu như: rượu ngô men lá Na Hang, rau an toàn Hồng Thái, Khau Tinh, cá hồ thủy điện Na Hang, chè Shan tuyết Sinh Long, Hồng Thái...
Đồng chí Vi Ngọc Quý, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Na Hang cho biết, xác định OCOP là chương trình mang tính dài hạn, trong quá trình thực hiện nhiều sản phẩm đặc trưng trước đây sản xuất theo phương thức truyền thống khi tham gia vào chương trình OCOP đã được chuẩn hóa, sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng. Các sản phẩm sau khi công nhận được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao in và dán trên bao bì sản phẩm, nâng tầm và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại. Đồng thời, OCOP sẽ là cơ sở pháp lý, điều kiện cần thiết để từng bước mở rộng thương hiệu trong nước và phát triển ra thị trường quốc tế.
Sản phẩm gà đồi của HTX Nông nghiệp thanh niên Năng Khả (Na Hang) được thực khách khắp nơi đón nhận.
Những cây chè Shan tuyết cổ thụ ở những dãy núi cao tại xã Hồng Thái là nguồn nguyên liệu riêng vô cùng quý giá tạo nên thương hiệu chè Shan tuyết Hồng Thái. Đây là 1 trong 50 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng châu Á - Thái Bình Dương năm 2022, cũng là sản phẩm đầu tiên của tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Hội đồng OCOP cấp Quốc gia nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao.
Ông Đặng Ngọc Phố, Giám đốc HTX Sơn Trà, xã Hồng Thái kể với chất giọng tự hào, không nơi nào có chất lượng chè mang một vị ngon và chất như chè Hồng Thái. Chè Shan Tuyết nơi đây có vị thơm sâu đặc trưng, đậm đà và có vị ngọt hậu. Uống chè không chỉ mang lại tinh thần sảng khoái mà còn có tác động tích cực tới sức khỏe. Đặc biệt từ khi sản phẩm chè được lên tiêu chuẩn OCOP 4 sao lúc nào HTX cũng trong tình trạng khan hàng do nhu cầu của khách tăng. Đơn vị đang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường để nâng hạng lên 5 sao trong thời gian sớm nhất.
Bún khô ngũ sắc Đà Vị (Na Hang) đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Anh Hứa Văn Hướng, thôn Phai Khằn, xã Đà Vị (Na Hang) sáng tạo và làm thành công bún ngũ sắc được khắp nơi tin dùng và thực khách vô cùng yêu thích. Anh kể, nhờ việc gắn tem OCOP 3 sao lên bao bì giúp sản phẩm bún khô Đà Vị tạo được lòng tin cho khách hàng, nên đầu ra cũng rộng mở hơn. Để nâng cao năng suất làm bún, anh Hướng chủ động bàn bạc với các thành viên ứng dụng khoa học công nghệ chế biến bún khô bằng các máy ép thủy lực thay vì làm thủ công như trước, từ đó góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân, từ manh mún nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa. Các nguyên liệu tạo bún như gạo bao thai được trồng quy mô theo từng vùng với quy mô hơn 60 ha tại xã Đà Vị, các loại lá cây làm màu cho bún được trồng ngay trong vườn nhà. Đến nay, sản lượng bún hàng năm của HTX đều đạt trên 30 tấn, tạo việc làm ổn định cho 11 thành viên. Hiện, các loại bún giá dao động từ 35.000 đến 45.000 đồng/kg, thu nhập mỗi lao động đều dao động từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Để nâng tầm các sản phẩm OCOP, tháo gỡ khó khăn cho các chủ thể, UBND huyện Na Hang đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển thương mại cho sản phẩm như truyền thông, xúc tiến thương mại, xây dựng website bán hàng trực tuyến, xây dựng, thiết lập mã QR Code; xây dựng các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP huyện Na Hang tại Thành phố Tuyên Quang, tại chợ đêm thị trấn Na Hang... Anh Phan Thanh Ngọc, Giám đốc HTX nông nghiệp thanh niên Năng Khả chia sẻ, việc phân cấp sử dụng cho các chủ thể có thể cập nhật thông tin về sản phẩm OCOP của mình là một điểm mới và hữu dụng, bởi có thể cập nhật thường xuyên dữ liệu mới về hàng hóa, đồng thời chủ động quảng bá sản phẩm trên các trang thương mại điện tử.
Đồng chí Vi Ngọc Quý, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Na Hang khẳng định, huyện Na Hang quyết tâm giữ vững nguyên tắc tất cả các sản phẩm OCOP đưa ra là những sản phẩm chủ lực, là sản phẩm đặc sản riêng có của địa phương, đặc biệt sẽ gắn liền với du lịch của huyện, phương châm khách đến Na Hang sẽ có sản phẩm OCOP luôn đồng hành.
Gửi phản hồi
In bài viết