Lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và pháp luật này, nhằm phục vụ cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết 18-NQ/TW của Bộ Chính trị. Phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này tập trung vào 2 nhóm nội dung:
Một là, các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội (tập trung ở Điều 9, 10), để đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nêu cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của MTTQ Việt Nam, vai trò tập hợp các giai cấp, tầng lớp, hướng mạnh về địa bàn dân cư, gần dân, sát dân, đến từng hộ gia đình.
Hai là, các quy định tại Chương 9 của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Do định hướng phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này mang tính giới hạn, dự kiến chỉ liên quan đến khoảng 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013 nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội hình thức văn bản là Nghị quyết của Quốc hội (tương tự như đã thực hiện tại các lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1988, 1989 và 2001).
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc này, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và đặc biệt là ý kiến của Nhân dân. Việc sửa đổi để phù hợp với tình hình mới, nhất là khi có chủ trương nghiên cứu không tổ chức cấp huyện nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả, giúp quản lý nhà nước nhanh, mạnh hơn.
Hiến pháp là văn bản pháp lý tối cao của Việt Nam, đóng vai trò là nền tảng pháp luật quốc gia. Mọi văn bản pháp luật khác đều phải tuân thủ Hiến pháp. Để thay đổi Hiến pháp, cần có sự đồng thuận của người dân. Sửa đổi Hiến pháp lần này còn liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước phục vụ hiệu quả cho cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, tạo đột phá để phát triển, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước, theo đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng.
Việc tham gia vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013 là nghĩa vụ, quyền lợi của mỗi công dân. Song, đòi hỏi mỗi người phải có nhận thức đúng cả lý luận và thực tiễn, đổi mới phương pháp tiếp cận những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn đặt ra trong bối cảnh tình hình mới, đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm công dân. Những đóng góp của mỗi người dân sẽ bồi đắp, củng cố vững chắc thêm nền dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ngày càng vững mạnh.
Gửi phản hồi
In bài viết