Ngăn chặn “sóng ngầm” tà đạo

- Nếu như trước đây, các tà đạo thường có triết lý đơn giản, chủ yếu hướng đến các đối tượng nhẹ dạ, cả tin, dân trí thấp hoặc người dân sống tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa điều kiện tiếp cận thông tin bị hạn chế thì hiện nay, những tà đạo “thế hệ mới” lại chủ yếu khoác cho mình những vỏ bọc được tính toán, nghiên cứu rất kỹ, thông qua việc vay mượn giáo lý của các tôn giáo chính thống, đồng thời thực hiện các chiêu thức truyền đạo tinh vi, triệt để tận dụng sự phát triển của mạng xã hội nhằm lôi kéo đông người tham gia.

Sự xâm nhập của hoạt động tôn giáo bất hợp pháp vào các đô thị lớn ngày càng gia tăng, gây hậu quả khó lường đòi hỏi cần phải kịp thời nhận diện và ngăn chặn.

Mới đây, Bộ Nội vụ đã ban hành văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện kịp thời và kiên quyết đấu tranh, xóa bỏ về phương diện tổ chức đối với Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ.
Yêu cầu cụ thể là chính quyền các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp: Giải tán, thu hồi giấy phép đối với các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung, không để tổ chức này tái nhóm, hình thành các tụ điểm hoạt động mới; không chấp thuận đăng ký hoạt động dưới mọi hình thức.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương tổ chức thông tin, tuyên truyền các hoạt động vi phạm pháp luật, tác hại do Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ; cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc và chính quyền, đoàn thể... tăng cường thông tin, quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên và tuyên truyền cho học sinh, sinh viên nhận thức rõ bản chất, hành vi, thủ đoạn, phương thức hoạt động của Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ để nâng cao cảnh giác, không bị lôi kéo...

Từ đây cho thấy, mặc dù đã có nhiều vụ việc bị phát giác, sau những cảnh báo liên tiếp của Bộ Công an, Ban Tôn giáo Chính phủ và một số ngành, đoàn thể, địa phương, tưởng chừng hoạt động của Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ sẽ bị loại bỏ khỏi đời sống nhưng tổ chức tôn giáo bất hợp pháp này vẫn tồn tại dai dẳng, diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa của các ngành, các địa phương cũng như cả cộng đồng.

Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo và không theo tôn giáo của người dân; bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng.

Tuy nhiên, các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng phải nằm trong khuôn khổ pháp luật. Đồng thời, Đảng, Nhà nước cũng kiên quyết ngăn chặn tà đạo và những đối tượng lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để xâm phạm an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ, xâm phạm lợi ích hợp pháp của Nhân dân. Ngăn chặn tà đạo "thế hệ mới" không phải nhiệm vụ dễ dàng, đòi hỏi phải có những cách tiếp cận mới phù hợp thực tiễn hiện nay. Theo đó, các cơ quan chức năng cũng như chính quyền các cấp cần đề cao cảnh giác, chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời hoạt động bất hợp pháp của các tà đạo, nhất là trên không gian mạng để xử lý nghiêm, làm cơ sở cảnh báo người dân.

Song song với đó, các cấp, các ngành cần có biện pháp giúp nâng cao "sức đề kháng" của cộng đồng. Để làm được điều này, cần sự phối hợp đồng bộ trong công tác tuyên truyền, vận động giữa các cấp, ngành, Trung ương đến địa phương. Người dân cần được thông tin sớm về các tà đạo, cũng như âm mưu của các đối tượng thù địch, cực đoan muốn lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi cá nhân, chống phá Nhà nước, gây mất trật tự xã hội.

Các tổ chức đoàn thể như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... phải nâng cao trách nhiệm với thành viên, hội viên của mình trong ngăn chặn tà đạo thông qua công tác nắm bắt dư luận, tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Hoàng Bách
Theo Báo Nhân Dân

Tin cùng dòng sự kiện