Hiện tượng này cùng với những thói hư tật xấu khác đã làm giảm hiệu suất, chậm tiến độ triển khai công việc. Đấu tranh ngăn chặn hiện tượng này cũng là cách để ngăn ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Dựa dẫm, ỷ lại được hiểu là thái độ thiếu chủ động của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ và công việc được giao, khiến cho hiệu quả công việc không được bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu, thời gian và kết quả. Những người có thói quen dựa dẫm, ỷ lại, thiếu trách nhiệm thường có các biểu hiện ít thổ lộ ý tưởng thông qua lời nói, việc làm; họ không dám phản biện, phê bình mà thay vào đó là thói quen chờ lệnh, chỉ đâu đánh đó. Ở bình diện tổ chức, đó là các biểu hiện nghe ngóng, trông chờ vào chỉ đạo từ cấp trên, không dám làm, không dám đi trước mở đường.
Từ góc độ khách quan, những người quen dựa dẫm, ỷ lại, thiếu trách nhiệm cũng thường có suy nghĩ và thói quen "nước đến chân mới nhảy" hoặc khéo léo đẩy trách nhiệm xử lý công việc sang người khác, bộ phận khác. Cụ thể là trong công việc, nếu thấy khó thì không chủ động tháo gỡ hoặc đề xuất giải pháp mà thường đợi xin ý kiến lãnh đạo, chờ cho lãnh đạo cấp trên quyết định mới triển khai. Biểu hiện dựa dẫm, ỷ lại, thiếu trách nhiệm thường rơi vào những cán bộ chưa có nhiều kinh nghiệm và cũng có thể là những cán bộ có thâm niên nhưng luôn có tâm lý dựa vào cấp trên.
Đặc trưng nổi bật nhất trong các cơ quan, đơn vị, địa phương là tổ chức hoạt động thống nhất theo kế hoạch đã xây dựng hằng tháng, quý, năm... Trên cơ sở này, các cơ quan, đơn vị, địa phương phân công cán bộ, đảng viên phụ trách từng mảng, lĩnh vực, từng khâu để tổ chức thực hiện, đồng thời bảo đảm cho công việc ấy các điều kiện thực hiện, như kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện theo định mức... Quá trình thực hiện, tùy vào tính chất, mức độ và quy mô khác nhau, nhưng thường thì công việc luôn có sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác, không chỉ trong nội bộ mà cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân bên ngoài, gồm cả doanh nghiệp và công dân.
Những cán bộ, công chức, viên chức dựa dẫm, ỷ lại, thiếu trách nhiệm thường vin vào các điều kiện không được bảo đảm đầy đủ hoặc đổ lỗi cho nguyên nhân phát sinh, do cơ quan, đơn vị bạn và lực lượng phối hợp chưa triển khai hoặc triển khai chậm để biện minh cho chất lượng, tiến độ công việc. Biểu hiện dễ nhận thấy là tình trạng phát hành công văn xin ý kiến các nơi, trong đó có cả những cơ quan, đơn vị không liên quan nhiều đến công việc đang thực hiện. Hiện tượng này đã làm giảm đi tính kịp thời và hiệu quả trong triển khai công việc. Có thể kể tới tình trạng chờ cấp trên chỉ đạo, sợ sai không dám tổ chức đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế... trong thời gian qua. Trước đó, dư luận bức xúc về tình trạng đùn đẩy các vụ việc lên Chính phủ giải quyết. Trong kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu đã nêu thực trạng, tình trạng cán bộ đùn đẩy nhiệm vụ giữa các bộ phận khiến nhiều công việc bị đình trệ, người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn. Không ít dự án, công trình đầu tư bị kéo dài tiến độ hoặc bị ngưng trệ chỉ vì chậm được duyệt, cấp phép và triển khai… Trong lĩnh vực đầu tư công, nhiều công trình trọng điểm bị chậm tiến độ, tốc độ giải ngân tại một số địa phương, bộ, ngành còn thấp…
Hiện tượng dựa dẫm, ỷ lại, thiếu trách nhiệm tưởng đơn giản, nhưng hậu quả gây ra thì rất lớn, nó chính là căn nguyên sinh ra những thói hư, tật xấu... Trong Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đã chỉ rõ một trong những nguyên nhân chủ yếu của hạn chế, khuyết điểm là do một số cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu chưa quyết tâm và thiếu biện pháp chỉ đạo đủ mạnh, còn thụ động, trông chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên…
Để triệt tiêu thói dựa dẫm, ỷ lại và thiếu trách nhiệm thì cần nhiều giải pháp, từ tổng thể đến các giải pháp thành phần. Một trong những giải pháp căn cơ đó là phải phân loại, đánh giá cán bộ, đảng viên sát thực bằng chất lượng, hiệu quả công việc.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần căn cứ vào Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18-6-2022, đặc biệt là căn cứ vào quy chế làm việc của cấp ủy tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị và thực tế công việc để phân công công việc theo phương châm "5 rõ" (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả). Khi đã giao việc, các cán bộ phụ trách phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kiên quyết chỉ ra những yếu kém trong tổ chức, phối hợp thực hiện giữa các bộ phận, các thành phần. Kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý những trường hợp chậm tham gia ý kiến hoặc tham gia ý kiến nhưng không có chính kiến, quan điểm rõ ràng, kéo dài thời gian xử lý, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc.
Dựa dẫm, ỷ lại, thiếu trách nhiệm là một thói xấu, biểu hiện của thái độ thực thi công vụ thiếu chuyên nghiệp. Thói xấu ấy cần phải được loại bỏ ngay để bảo đảm hiệu suất và chất lượng công việc.
Gửi phản hồi
In bài viết