Ngày 5/4/1975: Thành lập cánh quân Duyên Hải

Ngày 5/4/1975, thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị giải phóng miền nam trước mùa mưa, cánh quân Duyên Hải gồm Quân đoàn 2 và Sư đoàn 3 Quân khu 5, được thành lập. Bộ đội Trường Sơn tập trung lực lượng khẩn trương vận chuyển quân và hàng hóa vào miền nam.

Bộ đội lên máy bay vận tải vào miền nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn (tháng 4/1975). (Ảnh: TTXVN)

Bộ đội lên máy bay vận tải vào miền nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn (tháng 4/1975). (Ảnh: TTXVN)

Ngày 5/4/1975, thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị giải phóng miền nam trước mùa mưa, cánh quân Duyên Hải gồm Quân đoàn 2 và Sư đoàn 3 Quân khu 5, được thành lập.

Trung tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng, được cử làm Tư lệnh. Trung tướng Lê Quang Hòa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, được cử làm Chính ủy. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, được cử làm Phó Tư lệnh trực tiếp phụ trách bảo đảm cầu đường và hậu cần cho cánh quân này.

Thường trực Quân ủy Trung ương cũng quyết định tăng cường lực lượng cho cánh quân Duyên Hải - cánh quân hướng đông, các Sư đoàn 325, 304 và một số đơn vị pháo binh, xe tăng, cao xạ, công binh.

Cùng ngày 5/4/1975, tại trụ sở chỉ huy hành quân của Quân đoàn 2 ở Hòa Khánh, các đồng chí Lê Trọng Tấn và Lê Quang Hòa giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc Binh đoàn khẩn trương hoàn thành công tác tổ chức hành quân để khối đi đầu có thể xuất phát được vào ngày 7/4/1975.

Trong khi đó, ngày 5/4/1975, Sư đoàn 312 Quân đoàn 1 đã hành quân vào tới Trạm điều chỉnh giao thông của Bộ ở Đông Hà (Quảng Trị). Tại đây, Sư đoàn nhận lệnh tiếp tục hành quân cơ giới theo đường Tây Trường Sơn vào miền Đông Nam Bộ để kịp thời tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn.

Tại Cần Thơ, ngày 5/4/1975, Trung đoàn 10 và tiểu đoàn Tây Đô của tỉnh Cần Thơ, dùng pháo cối đánh vào sở chỉ huy Sư đoàn 11 quân đội Việt Nam Cộng hòa và tập kích lần thứ hai chi khu Một Ngàn.

Cùng ngày 5/4/1975, chuyến bay vận tải đầu tiên mang phù hiệu Quân giải phóng từ miền bắc vào hạ cánh tại sân bay Phú Bài (Huế) và hai ngày sau đó lại vào hạ cánh tại Đà Nẵng mở đầu cho hoạt động của đường hàng không Hà Nội-Huế, Hà Nội-Đà Nẵng và bắt đầu tổ chức các chuyến bay từ Đà Nẵng lên các sân bay vừa được giải phóng ở Tây Nguyên.

Trong không khí sôi động của cả nước ra trận, toàn bộ lực lượng vận tải gồm 12.000 người, 6.300 xe vận tải của Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn; hơn 2.100 xe ô-tô của Cục Vận tải Tổng cục Hậu cần và hàng trăm xe ô-tô của các quân khu, quân đoàn, quân binh chủng đã được huy động chuyển quân, chuyển hàng phục vụ chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định.

Đến tháng 4/1975, các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã đưa vào Nam Bộ được hơn 115.000 quân và 90.000 tấn hàng, trong đó có 37.000 tấn vũ khí và 9.000 tấn xăng dầu.

Phía chính quyền Sài Gòn, cùng ngày, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu quyết định tăng cường cho “lá chắn thép Phan Rang” một lữ đoàn dù, một liên đoàn biệt động quân và một số đơn vị tăng thiết giáp để cố giữ phần đất còn lại.

Đồng thời, Thiệu bổ nhiệm Chủ tịch Hạ viện Nguyễn Bá Cẩn vào chức vụ Thủ tướng thay Trần Thiện Khiêm. Để tăng uy thế cho quân ngụy, hai tàu sân bay lớn của Mỹ thuộc Hạm đội Thái Bình Dương đã vào tuần tra biểu dương lực lượng ở vùng biển nam Việt Nam. Tổng thống G. Pho quyết định bắt đầu di tản các gia đình, nhân viên người Mỹ về nước.

Theo Nhân Dân

Tin cùng dòng sự kiện