Người trẻ và cán cân lý tưởng - đồng tiền trong nhịp sống hiện đại - Bài 1: Kiếm tiền theo kiểu... bất chấp

Nhịp sống hiện đại với sự tiến bộ vượt bậc của kỹ thuật, khoa học-công nghệ làm cho đời sống của giới trẻ ngày càng bị lệ thuộc vào vật chất nhiều hơn.

Cánh cửa hội nhập xuyên biên giới chưa bao giờ rộng mở hơn thế, với đa dạng các phương thức lập thân, lập nghiệp khiến cách suy nghĩ, nhìn nhận của nhiều người trẻ thay đổi nhanh chóng. Sự cuốn hút của đồng tiền trong thời đại kinh tế mở cửa, hội nhập quốc tế, văn hóa đa dạng với đầy đủ mặt tốt-xấu đang tác động vào tư tưởng, suy nghĩ, kích thích lối sống vật chất ở một bộ phận giới trẻ và bất chấp mọi giá để làm giàu nhanh chóng, khiến nhiều người nghi ngại: Cán cân lý tưởng và đồng tiền-người trẻ đang đứng ở đâu?

Bài 1: Kiếm tiền theo kiểu... bất chấp

Vấn đề đáng lo ngại đang hiện hữu trong một bộ phận giới trẻ hiện nay là lối sống thực dụng, luôn đặt vật chất lên trên và bất chấp giá trị, chuẩn mực, đạo lý để kiếm tiền. Sự lên ngôi của ham muốn bản năng, cơ hội, chạy theo hưởng lạc, lợi ích trước mắt, xa rời mục tiêu phấn đấu cùng thái độ bàng quan, vô cảm, không đấu tranh chống cái sai mà cũng chẳng ủng hộ điều đúng, những tình cảm lành mạnh dần bị thay thế bằng quan hệ kim tiền, là hệ quả đáng báo động của lối sống thực dụng làm tha hóa con người.

Tiền ở đâu thì... đầu ở đó

Chính thức ra mắt tại thị trường nước ta chưa lâu, thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, Việt Nam đã xếp thứ sáu trong tốp 10 quốc gia sử dụng TikTok nhiều nhất trên thế giới. Từ một nền tảng giải trí, TikTok dần trở thành công cụ đem lại lợi ích lớn cho những người sáng tạo nội dung và đặc biệt phổ biến, thu hút giới trẻ. Sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu nền tảng này không bị một số TikToker biến tướng thành không gian mạng bát nháo với đầy rẫy những clip bẩn, phản văn hóa, phi giáo dục chỉ với mục đích câu view, câu like, để rồi mọi thứ đều được quy đổi thành tiền. Một bộ phận người trẻ không ngại lan truyền nhau khẩu hiệu “Tiền ở đâu thì đầu ở đó”, nghĩa là đầu óc được vận dụng hết công suất để có thể kiếm nhiều tiền mà không ngần ngại lách luật, thực hiện đủ các thử thách từ "sex-sốc-sến" đến chà đạp lên những giá trị, chuẩn mực, đạo lý.

Với sự phủ sóng không ngừng và sức ảnh hưởng ngày càng lớn của TikTok tại Việt Nam, nhất là khi ứng dụng “TikTok shop” ra đời, ngay lập tức trở thành mảnh đất màu mỡ cho những nhà sáng tạo nội dung kiêm kinh doanh đa dạng. Để dẫn dụ khách về trang bán hàng của mình, một số người trẻ dùng đủ chiêu trò từ nhảy múa khoe thân, tán phát các clip dung tục đến những hành động bạo lực, quái dị. Một số trường hợp còn lợi dụng lòng thương người, bịa đặt nội dung clip “xin ủng hộ mua hàng” vì gia cảnh gặp khó khăn, người thân bệnh thập tử nhất sinh kèm theo các hình ảnh cắt ghép thể hiện sự thương tâm tột độ. Cũng chẳng khó để tìm được những tài khoản TikTok có tới hàng trăm nghìn người theo dõi, được tạo ra để dẫn dụ người xem đến các trang “18+”, thậm chí nhiều nhóm còn có thêm tính năng cao cấp hơn là xem video "sex độc", livestream sex nếu người dùng chịu trả phí. Những dịch vụ đen như chuyên cung cấp “sugar baby-dùng tình đổi tiền” cũng được một bộ phận giới trẻ lợi dụng triệt để hòng kiếm lời nhanh chóng.  

Không chỉ có TikTok mà nhiều ứng dụng trên các mạng xã hội khác như YouTube, Facebook, Instagram... cũng được một số bạn trẻ tận dụng để kiếm tiền. Theo báo cáo của YouTube gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, có rất nhiều nội dung vi phạm chủ yếu do các nhà sáng tạo nội dung của Việt Nam làm ra như khiêu dâm, kích động bạo lực, giang hồ mạng; cổ vũ cờ bạc, dùng ma túy; gây hại cho trẻ em; sử dụng nhạc, hình ảnh vi phạm bản quyền; nhiều video mang nội dung độc hại, nhảm nhí, giật gân để thu hút đông người xem. Vì muốn các nội dung vi phạm quy định này lọt lưới kiểm duyệt của Facebook, Google... các nhà sáng tạo nội dung số nghĩ ra hàng loạt chiêu trò để đối phó. Có những clip ngụy trang là hoạt hình trẻ em nhưng chứa đựng nội dung người lớn. Có video trá hình bán đồ thời trang để mời gọi mua bán hàng cấm... Để đối phó với bộ lọc kiểm duyệt từ ngữ của mạng xã hội, các “chiến thần vượt rào” dùng từ theo kiểu khác quy định để né kiểm duyệt nội dung tự động.  

Ảnh minh họa: TTXVN 

Chỉ cần lướt qua Facebook, YouTube, TikTok... sẽ thấy hàng loạt clip với nội dung quái đản như "Thắt cổ không chết”, “Thử thách một ngày làm con vật”, "Troll đổ trứng lên đầu mẹ”, “Muốn giàu nhanh cứ gặp anh”, “Bạn sinh ra không phải để đi làm”, “Tải app và xem em show”... rồi những clip sặc mùi bạo lực, chửi bới của các giang hồ mạng... Gần đây xuất hiện trào lưu NPC-phát trực tiếp để kiếm tiền, mỗi món quà một mệnh giá, người xem phải nạp tiền vào nền tảng để mua, giá trị quà càng lớn, hành động càng phải độc. Nhằm hút khán giả tặng quà nhiều tiền, người livestream chọn những bối cảnh kỳ dị, chấp nhận làm theo hành động được người xem yêu cầu dù là phản cảm hay nguy hiểm cho bản thân.  

Thu nhập hàng trăm đến hàng tỷ đồng trên nền tảng số khiến không ít người trẻ lao vào kiếm tiền bằng mọi giá. Chính vì vậy, trào lưu làm clip nhảm nở rộ và ngày càng tràn lan trong thời gian gần đây, với bí quyết là càng “sex-sốc-sến” càng ăn khách, dù phải đánh đổi cả liêm sỉ, danh dự, lương tri, đạo đức, thậm chí đứng trên pháp luật để kiếm tiền. Điều này phần nào lý giải vì sao những clip nhảm dạy “làm giàu không khó” đánh vào tâm lý lứa tuổi có sức hút ghê gớm, tạo cho người trẻ suy nghĩ sự thành công chỉ đến từ người có nhiều tiền.

Theo các nhà sáng tạo nội dung số, nếu không có biện pháp mạnh, tình trạng clip nhảm sẽ không ngừng tái diễn bởi nguồn lợi hấp dẫn mang lại. Người trẻ sẵn sàng chấp nhận nộp phạt nếu bị phát hiện vi phạm, rồi lại thay đổi phương thức tinh vi hơn để những video bẩn tiếp tục có đất sinh tiền trên không gian mạng.

Chủ nghĩa thực dụng dẫn lối hành động

Trong cách nghĩ thực dụng của các bạn trẻ hiện nay, đồng tiền hay vật chất nói chung luôn đóng vai trò chủ chốt và quyết định mọi hành động, có nhiều tiền đồng nghĩa với thành công. Từ việc chọn trường học, định hướng nghề nghiệp, người trẻ ngày nay có xu hướng đăng ký vào những khối ngành về kinh tế. Đó là lý do vào mùa tuyển sinh, dù điểm chuẩn hằng năm của những trường này cao cách biệt với một số ngành khác nhưng vẫn hút một lượng đông đảo thí sinh dự thi. 

Các đơn vị làm công tác tư vấn tuyển sinh, giới thiệu việc làm đều có chung ghi nhận rằng, trong nhiều năm gần đây, hầu như buổi nào, ở đâu cũng có câu hỏi: Học ngành nào ra trường kiếm được nhiều tiền? Trong khi đó, điều mà học sinh cần quan tâm là nên chọn ngành học nào phù hợp với sở trường và điều kiện của mình lại là vấn đề thứ yếu trong nhu cầu lựa chọn của các bạn. Theo đuổi ngành học để có việc làm tốt với mức lương hấp dẫn không có gì sai, nhưng điều đáng bàn ở đây là hệ quả của sự lựa chọn không phù hợp với khả năng, khiến không ít bạn trẻ dù tốt nghiệp chuyên ngành đúng như mơ ước nhưng lại không thể vận dụng được vào công tác. Nhu cầu tuyển dụng nhiều, lương cao, thưởng hậu hĩnh của các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế đã đánh thẳng vào tâm lý và thị hiếu của người trẻ nên như một phản ứng dây chuyền, hết năm này đến năm khác, đông đảo thí sinh chọn ngành kinh tế như một giải pháp an toàn mà bỏ qua đam mê, sở thích, sở trường, năng lực thật sự của bản thân. 

Không chỉ có việc chọn lựa trường hay khối học, một số sinh viên sẵn sàng bỏ học giữa chừng để lao vào con đường kiếm tiền sớm, kiếm tiền nhanh và kiếm tiền bằng mọi cách. Ở một bộ phận khác, càng dày công việc để kiếm tiền trong khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường cũng khiến cho người trẻ chẳng còn thời gian tận hưởng những khoảnh khắc ý nghĩa, đáng nhớ trong quãng thời sinh viên đẹp đẽ. Sự hồn nhiên, vô tư, trong sáng bị thế chỗ bởi những toan tính thiệt hơn cùng ảo mộng phù du đổi đời trong mấy chốc. Tư tưởng thực dụng và đặt đồng tiền lên trên mọi giá trị sống cũng là nguyên nhân hình thành lối sống ích kỷ, vô cảm, khiến người trẻ trở nên xa cách với những giá trị tinh thần quý báu, gia đình, người thân.  

Nhìn sâu ở góc độ khác, trong các mối quan hệ bạn bè và tìm kiếm tình yêu, chúng ta cũng thấy sự thực dụng đang thống trị trong không ít người trẻ. Việc lựa chọn bạn bè hay bạn đời dựa trên tiêu chí tài chính trở nên phổ biến. Giá trị của hạnh phúc, cái nghĩa, cái tình trong cuộc sống được cân-đong-đo-đếm bằng phép cộng, trừ lỗ-lãi trên những mối quan hệ được thiết lập bằng biết bao toan tính.

(còn nữa)

Theo Báo Quân Đội Nhân Dân điện tử

Tin cùng dòng sự kiện