Quan tâm giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

- “Thực hiện đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường PTDT nội trú, trường PTDT bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS” là nội dung của Tiểu dự án 1 của Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025. Từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, nhiều hạng mục, công trình của Tiểu dự án 1 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Nâng bước em đến trường

Trung bình mỗi năm học, nhà bán trú cũ của trường PTDT bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Công Đa (Yên Sơn) đáp ứng nhu cầu học tập của trên 60 học sinh. 4 phòng ở cấp 4 lợp mái tôn, chỉ có duy nhất 1 cửa sổ và 1 cửa chính. Nhà bán trú xuống cấp, nơi học chật chội, thiếu thốn, điều kiện học tập, sinh hoạt nội trú khó khăn. Thầy và trò khắc khoải từng ngày, mong nhà bán trú được xây dựng mới. Đầu năm học 2023 - 2024, nhà bán trú 2 tầng, 12 phòng ở, công trình phụ khép kín, được đầu tư trên 5 tỷ đồng và đưa vào sử dụng trong năm học mới 2023 - 2024. Hiện nay, đơn vị thi công đang làm mặt bằng, chuẩn bị đổ bê tông trên 1.000 m2 sân trước dãy nhà bán trú để tạo không gian vui chơi, tạo các hoạt động tập thể cho học sinh bán trú.

Tháng 9-2023, dự án nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất trường PTDT bán trú Tiểu học Tri Phú (Chiêm Hóa) gồm 12 phòng, trong đó 6 phòng học bộ môn và 6 phòng chức năng với tổng nguồn vốn đầu tư 7,96 tỷ đồng được bàn giao, đưa vào sử dụng. Dự án góp phần giúp đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, nâng cao chất lượng dạy và học. Đây cũng là nguồn động viên vô cùng to lớn đối với Nhân dân xã Tri Phú, tạo điều kiện tốt hơn cho các em học sinh DTTS đến trường và tiếp tục thực hiện ước mơ trong học tập.

Các đơn vị chuyên môn của huyện và lãnh đạo UBND xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) kiểm tra dự án nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất trường PTDT bán trú THCS Hùng Mỹ để chuẩn bị nghiệm thu, bàn giao.

Tính đến hết năm 2023, đây là 2 trong 31 đầu điểm công trình thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 5 của giai đoạn 2021 - 2025 đã và đang xây dựng, bàn giao đưa vào sử dụng. Thực hiện tiểu dự án này, các hạng mục được đầu tư theo Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS là nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất khối phòng, công trình phục vụ ăn, ở, sinh hoạt cho học sinh và phòng công vụ giáo viên; đầu tư cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số giáo dục phục vụ việc giảng dạy và học tập trực tuyến cho học sinh... Tuyên Quang là 1 trong 42 địa phương xây dựng kế hoạch, mục tiêu nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025. Từ nguồn vốn, UBND các huyện đã triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú và các dự án phục vụ dạy và học. Theo đó, với tổng nguồn vốn đầu tư Tiểu dự án 1, Dự án 5 giai đoạn 2021 - 2025 gần 281,9 tỷ đồng.

Đầu tư trọng tâm, không dàn trải

Thực tế cho thấy, nhu cầu đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, các hoạt động khác như nâng cao năng lực chất lượng dạy học của các trường bán trú, nội trú là rất lớn. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư hỗ trợ từ Trung ương, địa phương còn nhiều hạn chế. Do đó, các địa phương trong tỉnh lựa chọn các đầu điểm công trình theo Tiểu dự án 1, Dự án 5 theo đúng mục tiêu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra. Đó là đầu tư tập trung, không dàn trải, lựa chọn đúng đối tượng cần phải đầu tư, nhanh chóng khẩn trương hoàn thành các hạng mục đầu tư để đưa vào sử dụng và phát huy công năng.

Hiện nay, Tiểu dự án 1, Dự án 5 được triển khai tại 5 huyện. Trong đó, huyện Hàm Yên được đầu tư nhiều nhất với 9 công trình, Na Hang 8 công trình, Chiêm Hóa 7 công trình, Yên Sơn 5 công trình, Lâm Bình 2 công trình.

Bên cạnh đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở giáo dục, đối tượng của Tiểu dự án 1 - Dự án 5 còn là các dự án đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị. Thời gian qua, bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, các địa phương, đơn vị chuyên môn đã xây dựng danh mục rõ ràng; công tác rà soát, tổng hợp nhu cầu và thực hiện quy trình đấu thầu mua sắm thực hiện qua nhiều bước, cần thời gian để hoàn thành và giải ngân nguồn vốn đã phân bổ. Chuẩn bị kết thúc năm học 2023 - 2024 và trước thềm năm học mới, hiện nay, nhiều dự án nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất trường PTDT bán trú trên địa bàn tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng; nghiệm thu và bàn giao.  

Những ngày này, đối với các dự án nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất trường PTDT bán trú Linh Phú, Hùng Mỹ, Trung Hà (Chiêm Hóa) cũng đang bước vào những khâu hoàn thiện cuối cùng để đưa vào sử dụng. Đồng chí Ma Đình Sắc, Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ phấn khởi: Dự án nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất trường PTDT bán trú THCS Hùng Mỹ được xây mới nhà lớp học 3 tầng, 16 phòng, gồm 8 phòng chức năng, 8 phòng bộ môn. Công trình có tổng mức đầu tư gần 11,55 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia vùng đồng bào DTTS và miền núi là 9,02 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng ngân sách. Quá trình triển khai xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện thường xuyên đôn đốc nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc, vật tư, vật liệu thi công các dự án, đảm bảo tiến độ đề ra. Dự án được cấp trên quan tâm, lựa chọn đầu tư vào đầu giai đoạn 2021 - 2025 đã giải quyết được nỗi khát khao bấy lâu nay của cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân trong suốt bao năm qua là con em mình được học tập trong môi trường và điều kiện học tập tốt hơn. 

Từ nguồn đầu tư của Tiểu dự án 1, Dự án 5, cơ sở hạ tầng giáo dục của các xã vùng sâu, vùng xa được đầu tư khang trang. Qua đó, không chỉ đem lại diện mạo cho nông thôn mới của xã mà còn góp phần để các trường học tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đạt chuẩn, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, chăm sóc con em đồng bào DTTS.           

Bài, ảnh: Bích Hằng

Tin cùng dòng sự kiện