Mang nước sạch về bản

- Hỗ trợ nước sinh hoạt là nội dung số 4 của Dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025. Đây là chính sách được thực hiện hiệu quả tại các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó, đáp ứng nhu cầu của đồng bào DTTS, phù hợp với thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào.

Năm 2023, xã Hợp Hòa nằm trong lộ trình về đích nông thôn mới nên việc ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng cơ sở của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được chú trọng. Thực hiện nội dung 4, Dự án 1, xã được đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung tại thôn Thanh Sơn với bể chứa 100m3 nước, trị giá đầu tư trên 3 tỷ đồng. Trên 200 hộ dân thuộc các thôn Thanh Sơn, Thanh Bình,  Đồng Chùa, Ninh Hòa được hưởng lợi.

Cán bộ thôn 5, xã Quý Quân (Yên Sơn) họp, thống nhất danh sách các hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán năm 2024.

Bên cạnh được đầu tư xây dựng công trình nước sạch tập trung, xã Hợp Hòa là địa phương có số hộ dân được thụ hưởng hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán nhiều nhất của huyện Sơn Dương. Trong 2 năm 2022, 2023, toàn xã có 304 hộ được hưởng lợi, trị giá trên 910 triệu đồng. Năm 2023, gia đình chị Vương Thị Thủ, thôn Cầu Đá, xã Hợp Hòa được hỗ trợ téc nước để chứa nước sạch. Téc nước có dung tích 1.000ml, trị giá 3 triệu đồng. Trước đây, dụng cụ trữ nước chỉ là bể xi-măng, không được vệ sinh thường xuyên. Cùng với đó, gia đình lấy nước lần từ trên núi, mỗi khi trời mưa, nước từ đầu nguồn bị đục, bẩn nên việc sử dụng nước sạch của cả gia đình bị gián đoạn, ảnh hưởng đến sinh hoạt. Từ khi có téc chứa nước bằng inox của Nhà nước hỗ trợ, hàng ngày gia đình chị đều có nước sạch để sử dụng.  

Trong năm 2022, 2023, toàn tỉnh có 7.033 hộ được thụ hưởng từ nước sinh hoạt phân tán, đạt 98,6% kế hoạch đề ra. Với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ, tổng nguồn vốn hỗ trợ trên 21 tỷ đồng. Theo Ban Dân tộc tỉnh, việc triển khai hỗ trợ dựa trên căn cứ danh sách các hộ dân đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đăng ký của các hộ dân về phương thức thực hiện; cơ quan được giao nhiệm vụ và dự toán kinh phí tổng hợp nhu cầu và phân loại theo từng phương thức thực hiện. Người dân được hỗ trợ lu, bồn, téc, vật dụng chứa nước, vật dụng dẫn nước; tự làm bể chứa nước; tự đào giếng hoặc tự tạo nguồn nước khác. Đối với tỉnh ta, đa phần các hộ dân đăng ký hỗ trợ téc nước.

Niềm vui của hộ dân thôn Cầu Đá, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) khi được hỗ trợ téc nước trữ nước sạch theo Dự án 1.

Anh Hoàng Văn Lịch, thôn Làng Khây 1, xã Kiên Đài (Chiêm Hóa) bày tỏ: Những hộ nghèo, cận nghèo như gia đình anh không có điều kiện mua téc nước thường sử dụng bể xi-măng, chum, xô, chậu… để tích trữ nước sinh hoạt. Vừa tích trữ lâu ngày ngoài trời, dụng cụ chứa nước thường có nắp đậy không kín hoặc không có nắp, lại không được vệ sinh thường xuyên nên các loại ấu trùng dễ dàng xâm nhập. Được Nhà nước hỗ trợ téc nước, chúng tôi được đảm bảo sức khỏe và sinh hoạt. Anh biết ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã chăm lo cho đồng bào DTTS từ những điều nhỏ nhất.

Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhiều công trình nước sạch tập trung được xây dựng, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào DTTS. Giai đoạn 2022 - 2024, nguồn vốn đầu tư xây dựng 19 công trình nước sạch tập trung là 57 tỷ đồng tại các huyện Lâm Bình, Na Hang, Yên Sơn, Sơn Dương, mỗi công trình trị giá 3 tỷ đồng. Trong đó, đã có 7 công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng. 100% công trình được triển khai, thực hiện đồng bộ, kịp thời, đúng mục tiêu, đối tượng, đúng quy định của Nhà nước.

Theo kế hoạch năm 2024, toàn tỉnh sẽ có thêm 3.234 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, nguồn vốn đầu tư trên 9,7 tỷ đồng. Hiện nay, các địa phương trong toàn tỉnh đang tổ chức rà soát hộ nghèo là DTTS, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn có khó khăn về nước sinh hoạt, thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh để đề nghị hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán năm 2024. Căn cứ vào nhu cầu và việc bình xét đối tượng thụ hưởng có đơn đề nghị hỗ trợ, UBND các xã, thị trấn tham mưu cấp huyện hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng.

Dự án hỗ trợ nước sinh hoạt cho hộ dân nghèo DTTS sẽ góp phần cải thiện vệ sinh môi trường nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho từng người, từng gia đình, tạo điều kiện giúp đồng bào DTTS thoát nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Bích Hằng

Tin cùng dòng sự kiện