Theo Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi” hay đơn giản hơn như Bác Hồ từng dạy, tham nhũng chính là “lấy của công làm của tư”, “ăn cắp của công, của riêng của người ta, hay của nhân dân”.
Tiêu cực là những hiện tượng không lành mạnh, không tốt đối với quá trình phát triển nói chung. Cụ thể hơn, tiêu cực chính là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, là môi trường nuôi dưỡng, thúc đẩy hành vi tham nhũng.
Tham nhũng là một hành vi tiêu cực, do một bộ phận người có chức vụ, quyền hạn nhưng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thực hiện nhằm mục đích vụ lợi, lấy của công phục vụ mục đích riêng, sa đà vào chủ nghĩa cá nhân. Khi hành vi tham nhũng được thực hiện sẽ tác động trở lại làm sâu sắc hơn sự suy thoái, tiêu cực. Có thể nói, tham nhũng, tiêu cực tồn tại song song, không thể triệt tiêu đơn lẻ mà phải tập trung đấu tranh đồng bộ, quyết liệt, có hệ thống.
Những năm trước đây, chúng ta chủ yếu quan tâm đến hậu quả, thiệt hại về mặt kinh tế mà tham nhũng, lãng phíđể lại. Đến nay, phòng, chống tham nhũng không chỉ là phòng, chống thất thoát tài sản của nhà nước mà còn phòng, chống thất thoát tài sản ngoài nhà nước. Chúng ta quan tâm nhiều hơn đến nguy cơ tiềm ẩn của tham nhũng, tiêu cực, quan tâm đến tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin của nhân dân về bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, nhằm tạo bước tiến rõ rệt trong công tác phòng, chống tham nhũng, năm 2013, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập, chịu trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi cả nước. Từ đây, công cuộc phòng, chống tham nhũng được triển khai mạnh mẽ hơn bao giờ hết, phòng, chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Trong hơn 10 năm, đã có khoảng gần 3.000 tổ chức đảng, 200.000 đảng viên bị kỷ luật, trong đó khoảng 8.000 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng với số lượng bị can và lượng tài sản thất thoát khổng lồ đã được khám phá, mở rộng điều tra, xử lý. Có thể nói, công tác phòng, chống tham nhũng chưa bao giờ “nóng” và quyết liệt đến thế.
Sau nhiều năm tích cực đấu tranh, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều thành tựu và tiếp tục được chú trọng, tăng cường. Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp tại các địa phương dần đi vào hoạt động hiệu quả, thống nhất, có nhiều chuyển biến rõ rệt.
Trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Tuyên Quang đã đạt được những kết quả. Chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố Tuyên Quang, lực lượng Cảnh sát Kinh tế Công an thành phố đã phát hiện, khởi tố, điều tra 03 vụ án/03 bị can về tội tham ô tài sản, 17 vụ án/ 20 bị can về tội phạm về kinh tế, thu hồi 216.230.000đ (hai trăm mười sáu triệu hai trăm ba mươi nghìn đồng) ngân sách nhà nước bị thất thoát. Kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhận được sự hưởng ứng tích cực từ dư luận xã hội, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiêm minh của pháp luật.
Kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từng bước góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân, cán bộ, đảng viên vào chủ trương, chính sách lãnh đạo của Đảng. Với mục tiêu bất kỳ ai cũng “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ tiếp tục được thực hiện thường xuyên, toàn diện từ trung ương đến địa phương, “chống từ gốc, phòng từ ngọn”.
Gửi phản hồi
In bài viết