Một trong những thủ đoạn thâm độc mà các thế lực thù địch tiến hành là triệt để dựa vào những thông tin xảy ra trong nước, nhất là thông tin về đời sống chính trị, sau đó suy diễn, quy chụp và bôi xấu chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng. Những đối tượng thường sử dụng phương thức này thông qua Đài châu Á Tự do (RFA); BBC tiếng Việt; Đài Phát thanh quốc tế Pháp (RFI)... Bên cạnh đó, nhiều tài khoản mạng xã hội trên YouTube, Facebook… và các blogger (những người viết blog và đăng trên internet) cũng dùng phương thức này.
Gần đây nhất RFA suy diễn phát biểu của một đồng chí lãnh đạo Đảng tại buổi tiếp xúc cử tri rằng: “Việc bật đèn xanh để cán bộ từ chức và rút lui khỏi hệ thống là cách phe Đảng chặt đứt vây cánh của những phe đối lập, nhằm thâu tóm toàn bộ quyền lực”. Như vậy, chúng đã bỏ qua đối tượng tham nhũng, tiêu cực, phần quan trọng nhất trong câu nói mà đồng chí lãnh đạo Đảng đề cập là: “Cho nên khuyến khích là thôi. Nếu đã vi phạm rồi, thấy tay nhúng chàm rồi, thì tốt nhất là xin thôi đi”; “Cán bộ không làm được việc thì tốt nhất là rút lui trong danh dự”…
Hay như sau khi bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, cả RFA và RFI, BBC đều đăng tải nhiều bài viết, trích dẫn ý kiến đánh giá phủ nhận kết quả cuộc họp. Ví dụ, chúng cho rằng, việc Ban Chấp hành Trung ương lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khóa XIII chỉ là “tuồng cũ, kép cũ”. Trên tài khoản Hội Anh em dân chủ, Nguyễn Văn Đài “đưa ra căn cứ” cho rằng, nhân dân phải được biết về kết quả lấy phiếu tín nhiệm ấy vì nó không phải là bí mật quốc gia. Nếu nhân dân không được biết năng lực, uy tín những người “phục vụ mình” thì việc Đảng tuyên bố vì lợi ích của nhân dân chỉ là nói suông.
Nghiên cứu bài phát biểu khai mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta thấy chúng cố tình lờ đi những vấn đề định hướng có tính mấu chốt nhất. Như về việc lấy phiếu tín nhiệm là: “... giúp các đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và không ngừng nâng cao trách nhiệm nêu gương, trình độ, năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng”. Phát biểu rõ nghĩa đến từng chi tiết mà chúng vẫn xuyên tạc, bóp méo thì không thể chấp nhận được.
Thủ đoạn tiếp theo mà các thế lực thù địch hay sử dụng đó là vin vào các vụ việc cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, bị ra tòa, bị phạt tù để quy đồng, đổ cho “lỗi hệ thống”. Ví dụ như chúng ra sức tuyên truyền, bảo vệ Trịnh Xuân Thanh, một quan chức tham nhũng, tiêu cực phải hầu tòa.
Thủ đoạn nữa chúng thường xuyên thực hiện là thêu dệt các câu chuyện của cán bộ lãnh đạo để bôi nhọ, nói xấu. Đặc biệt, chúng thường xuyên đưa thông tin nhập nhèm về đời tư, về mối quan hệ và tài sản của lãnh đạo. Hay là thường xuyên đăng tải những clip về Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động 141 xử lý người vi phạm để quy chụp rằng, bản chất của Công an Việt Nam là lợi dụng quyền lực pháp luật, bắt người vi phạm chung chi, nếu không sẽ lập biên bản xử phạt nặng theo chế tài, quy định hiện hành. Hoặc chúng lợi dụng những vụ việc xảy ra trong quân đội để lôi kéo, kích động người dân không cho con em thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự.
Một thủ đoạn khác rất nguy hiểm của các thế lực thù địch là ra sức bôi nhọ các thương hiệu hàng hóa Việt Nam, nhất là những mặt hàng xuất khẩu. Bên cạnh thủ đoạn này, chúng còn móc nối với các phần tử cơ hội chính trị, những kẻ trở cờ, bất đồng chính kiến trong nước để lôi kéo ra nước ngoài học tập miễn phí hoặc tài trợ tiền, tài liệu, thậm chí là vũ khí để chống đối lực lượng chức năng.
Trong điều kiện thông tin trên không gian mạng và mạng xã hội tràn lan, chưa có khả năng kiểm soát dứt điểm thì những thông tin xấu độc từng phút, từng giây tác động tới người dân. Để phòng, chống những âm mưu của các thế lực thù địch, mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao cảnh giác, không làm lọt, lộ các thông tin bảo mật theo quy định của pháp luật. Các cấp ủy cơ sở cần nắm chắc diễn biến tư tưởng, kịp thời tổng hợp thông tin và phổ biến, định hướng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Tổ chức Đoàn các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là tổ chức Đoàn các học viện, nhà trường cần có chương trình hoạt động để thu hút, tập hợp thanh niên hướng tới phát triển khoa học công nghệ và tổ chức chương trình tình nguyện, không để sinh viên, thanh niên bị tiêm nhiễm thông tin xấu độc và bị lôi kéo, tiếp tay cho thế lực thù địch.
Bên cạnh đó, việc đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện, song cần chú trọng chỉ rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam, đối với Đảng Cộng sản Việt Nam để cán bộ, đảng viên, nhân dân nắm rõ. Đó chính là cách phòng, chống “diễn biến hòa bình” hiệu quả nhất.
Gửi phản hồi
In bài viết