Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức

- Xây dựng Đảng về đạo đức có nội dung cốt lõi, thực chất là xây dựng văn hóa Đảng. Văn hóa đó có mặt trong mọi lĩnh vực liên quan đến hoạt động của Đảng, đến từng đảng viên - nhân tố đóng vai trò nền tảng cho mọi hoạt động của Đảng.

Do vậy xây dựng văn hóa Đảng nhất thiết phải quan tâm xây dựng đội ngũ đảng viên của Đảng, bởi cán bộ, đảng viên có đạo đức trong sáng thì tư tưởng chính trị sẽ trong sáng, tổ chức của Đảng sẽ đoàn kết, vững mạnh, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được khẳng định.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng lần đầu tiên đưa việc giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức thành một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, với mục tiêu “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Xây dựng Đảng về đạo đức đã trở thành một nhiệm vụ chủ yếu, cấp bách của công tác xây dựng Đảng, được đặt ở vị trí ngang hàng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tiếp tục xác định “Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức” nhằm: “làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng. Tăng cường đấu tranh chống các quan điểm, hành vi phản đạo đức, phi đạo đức. Cổ vũ, biểu dương các gương sáng đạo đức, tạo ảnh hưởng sâu rộng trong Đảng và ngoài xã hội” (Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, trang 184).

Thực hiện các nhiệm vụ đã được xác định, những năm gần đây, toàn Đảng đã tập trung thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng về đạo đức gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng và đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực, góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ.

Trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện. Để làm tốt công tác xây dựng Đảng về đạo đức, thời gian tới cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ sau:

Một là: phải tiếp tục xác định nhất quán quan điểm xây dựng và chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy Đảng. Trong đó trọng tâm là thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng: ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Thực hiện nghiêm việc “tự soi, tự sửa” đối với những biểu hiện suy thoái đã được Đảng chỉ ra.

Hai là: phải xác định xây dựng Đảng về đạo đức là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Trọng tâm là củng cố và tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa Đảng với Nhân dân, phát huy vai trò của Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng.

Ba là: Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức. Người đứng đầu phải thực sự gương mẫu, là trung tâm đoàn kết, có khả năng tập hợp, quy tụ trí tuệ tập thể vì mục tiêu chung; luôn sát cánh cùng tập thể, nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật, dám nhìn nhận khuyết điểm để sửa sai và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Bốn là: “cán bộ là gốc của mọi công việc”, do vậy, xây dựng Đảng về đạo đức phải đặc biệt quan tâm xây dựng đạo đức của cán bộ, đảng viên. Cần đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, lấy hiệu quả công tác, năng lực thực tiễn và sự tín nhiệm làm thước đo chủ yếu; chú trọng công tác đánh giá, nhận xét, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ theo hướng công khai, minh bạch; phát huy dân chủ trong công tác cán bộ, phân công nhiệm vụ rõ ràng; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc gắn với đề cao vai trò, trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
 

Hoàng Bách

Tin cùng dòng sự kiện