Tín hiệu vui từ nỗ lực dập dịch Covid-19

- Tuần qua, thông tin về Covid-19 trở thành chủ đề chính, mối quan tâm hàng đầu trong cộng đồng và toàn xã hội. Mặc dù số ca bệnh vẫn tăng, nhưng mỗi ngày cả nước có từ 3 nghìn đến hơn 4 nghìn người khỏi bệnh. Tại Tuyên Quang dù có địa điểm trong lịch trình di chuyển của F0 từ địa phương khác đến, nhưng những người có liên quan đã nhanh chóng được quản lý, cách ly theo dõi. Kết quả xét nghiệm Covid-19 lần 1 đều âm tính.

Vất vả nhất là các lực lượng tuyến đầu đang nỗ lực ngày đêm dập dịch Covid-19. Với số lượng hàng nghìn ca dương tính mỗi ngày, đội ngũ những người làm việc tại các phòng xét nghiệm thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC)  các tỉnh, thành phố được coi như những “chiến binh”   thầm lặng.  Với khối lượng công việc lớn, đội ngũ nhân viên của phòng xét nghiệm CDC phải thay phiên nhau túc trực 24/24, chạy đua với thời gian để nhanh chóng có kết quả từng mẫu xét nghiệm    SARS-CoV-2. Để thực hiện tốt việc xét nghiệm, ngoài kỹ năng chuyên môn còn đòi hỏi người thực hiện có sự tập trung, kiên nhẫn, tỉ mỉ, khéo léo… Bởi chỉ cần một tí sao nhãng mà bỏ qua hoặc thao tác sai dù chỉ một bước nhỏ thì quy trình xét nghiệm cả trăm mẫu sẽ cho kết quả sai.

Nhân viên CDC Quảng Bình kiểm tra, tiếp nhận các mẫu bệnh phẩm, sẵn sàng cho công đoạn xét nghiệm SARS-CoV-2.

Cùng với đó, việc hàng ngày phải tiếp xúc gần với những mẫu bệnh phẩm có nguy cơ cao là tác nhân gây bệnh cũng khiến họ không khỏi lo lắng. Tuy nhiều áp lực nhưng mọi người không bao giờ có suy nghĩ sẽ bỏ cuộc, bởi họ hiểu được ý nghĩa, trách nhiệm công việc mà bản thân đang làm.

Đến nay, tất cả loại vắc xin Covid-19 tại Việt Nam đều được tiêm miễn phí cho người dân. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương huy động tổng lực ngành Y tế, gồm cả y tế tư nhân, tham gia vào công tác tiêm chủng. Bộ Y tế vừa chuyển thêm hơn 600.000 liều vaccine AstraZeneca cho TP HCM và hơn 400.000 liều cho Hà Nội. Số vắc xin này thuộc tổng số 1.074.380 liều Việt Nam vừa tiếp nhận. Trong đó, 659.500 liều mua từ  AstraZeneca thông qua Công ty VNVC, dành cho TP HCM; 414.880 liều do Chính phủ Anh viện trợ dành cho Hà Nội.  Bộ Y tế cũng điều chỉnh kế hoạch phân bổ vắc xin Covid-19 đợt 16, theo đó TP HCM tăng 319.000 liều và Hà Nội tăng 284.000 liều. TP Hồ Chí Minh là địa phương nhận nhiều vắc xin nhất với 4.075.270 liều (bao gồm cả số lượng vắc xin đưa về các viện, bệnh viện, đơn vị trung ương trên địa bàn). Tỷ lệ phân bổ trên dân số từ 18 tuổi trở lên đạt 29%.

Đối với tỉnh Tuyên Quang đã tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho hơn 34 nghìn người bảo đảm an toàn, hiệu quả. Các bệnh viện bố trí đầy đủ nhân lực, trang thiết bị đáp ứng quá trình triển khai tiêm chủng từ khâu đón tiếp, khám sàng lọc, quy trình tiêm, theo dõi sau tiêm đến các trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật cần thiết để quản lý, theo dõi sát sức khỏe cho từng đối tượng tiêm chủng. Với quyết tâm ngăn chặn, phát hiện sớm các trường hợp có dấu hiệu nghi nhiễm Covid-19, ngăn ngừa không để dịch bệnh xâm nhập, lây lan ra cộng đồng, tỉnh đã thành lập trên 40 chốt kiểm soát phòng, chống dịch trên đường bộ và đường thủy. Có 9 trường hợp liên quan đến bệnh nhân Covid-19 (bệnh nhân N.S.D Hà Nội) đều có kết quả âm tính lần 1. 

Trong tuần qua, cùng với việc cấp luồng xanh vận tải hàng hóa trong cả nước để chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, Tuyên Quang  có 7 Hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất nông nghiệp được ưu tiên vận chuyển nông sản vào thành phố Hà Nội dù Thủ đô đang trong thời điểm giãn cách xã hội. Điều này cũng giúp nông sản Tuyên Quang không bị ùn ứ trong khi dịch bệnh ngày càng phức tạp.

Kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế đối với công nhân tại công trường xây dựng hầm chui nút giao
Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến (Hà Nội).

Trong tuần, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp tục nhận được ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 của Nhà máy Z129, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng số tiền 50 triệu đồng. Trung tâm Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh cũng đã triển khai chương trình “Kết nối nông sản - San sẻ yêu thương - Chung tay vượt qua đại dịch Covid-19”. Trung tâm đã vận chuyển và hỗ trợ tiêu thụ 3 tấn nông sản của nông dân tỉnh Đắk Lắk, gồm: bơ, sầu riêng, chôm chôm tại thành phố Tuyên Quang. Các sản phẩm đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đạt tiêu chuẩn VietGap. Đây là hoạt động ý nghĩa, kịp thời hỗ trợ người nông dân tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Những biện pháp phòng chống dịch Covid-19 vẫn đang được gấp rút triển khai. Mỗi đơn vị, địa phương, cá nhân đều nỗ lực hết mình cùng đóng góp vào kết quả chống dịch.         

Nguyệt Hằng

Tin cùng dòng sự kiện