Ứng dụng công nghệ số vào kinh doanh

- Thời gian qua, chuyển đổi số đã mang lại những thay đổi lớn, tạo ra sự sáng tạo giúp một số doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển. Hiện nay, đã có nhiều doanh nhân trẻ của tỉnh đã bắt tay vào việc chuyển đổi số, áp dụng những mô hình kinh doanh mới, tư duy hướng kinh doanh, đánh giá lại chuỗi giá trị, kết nối với khách hàng và tái cấu trúc doanh nghiệp đem lại hiệu quả cao.

Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang là một trong những doanh nghiệp luôn đổi mới, sáng tạo trong các hoạt động, coi đây là giải pháp phát triển bền vững. Chị Cao Cẩm Tú, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang cho biết, chuyển đổi số mang lại nhiều thay đổi thuận lợi như: sự tiện ích, tiết kiệm chi phí và hiệu quả cao trong công việc; nắm bắt thông tin nhanh và kịp thời,... là bước ngoặt lớn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, không chỉ giữa các doanh nghiệp mà còn giữa các nền kinh tế trong khu vực và toàn cầu. Bởi thế, ban lãnh đạo công ty xác định đây là vấn đề sống còn, là hướng đi tất yếu nếu doanh nghiệp muốn phát triển bền vững.

Anh Nguyễn Thanh Tùng (bên trái), Giám đốc Công ty TNHH Tùng Phúc, tổ 4, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) giới thiệu cho khách hàng ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh việc chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ cho chuyển đổi số tại công ty như đầu tư hệ thống máy tính, đường truyền mạng, đầu tư các phòng họp trực tuyến, hỗ trợ nhân viên thay đổi sử dụng điện thoại thông minh để có thể tương tác làm việc qua mạng, ứng dụng các giải pháp số vào các hoạt động quản lý,  công ty cũng đã mạnh dạn đầu tư các dây chuyền máy móc hiện đại, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Gần đây nhất công ty đã đầu tư xây dựng Nhà máy gỗ ván ép với dây chuyền sản xuất tự động hóa hiện đại với tổng vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng. Việc ứng dụng tự động hóa vào sản xuất sẽ giúp nhà máy nâng cao năng suất, tăng sản lượng, thành phẩm tạo ra có độ chính xác cao, tỷ lệ lỗi thấp nhất, tiết kiệm được chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hay như Công ty TNHH Tùng Phúc, tổ 4, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) do anh Nguyễn Thanh Tùng làm Giám đốc chuyên kinh doanh, cung cấp thiết bị máy in, máy tính, văn phòng, thiết bị an ninh, phòng họp trực tuyến cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. Anh Tùng chia sẻ, hiểu hơn ai hết về kinh doanh các lĩnh vực về chuyển đổi số, ngay từ ngày đầu mới thành lập, công ty đã ứng dụng các phần mềm quản lý vào hoạt động kinh doanh, bán hàng, quản lý nhân công, chăm sóc khách hàng sau bán hàng để giám sát, quản lý chặt chẽ hoạt động của công ty. Ngoài ra, công ty còn thành lập trang Fanpage bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, sàn giao dịch điện tử, nhờ vậy mà doanh thu của công ty tăng hơn từ 45 đến 50% so với cách thức bán hàng truyền thống...

Tuy nhiên, những thành công chuyển đổi số của các doanh nghiệp mới chỉ là bước đầu, vẫn còn nhiều doanh nghiệp cần giải pháp căn cơ để tạo sự chuyển biến. Không ít doanh nghiệp chưa xác định rõ bài toán về chuyển đổi số khiến lãng phí đầu tư, thử nghiệm, không thể kết nối toàn bộ hệ thống với nhau để tạo thành một quy trình hoạt động hoàn chỉnh trên môi trường số. Một số doanh nghiệp còn tư duy mua phần mềm về sử dụng đã là chuyển đổi số và không có quy trình vận hành khoa học. Ngoài ra, chi phí ứng dụng công nghệ cao cũng là một rào cản đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Anh Nguyễn Vũ Linh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Tuyên Quang cho biết, thời gian qua, bên cạnh việc giúp đỡ để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các thành viên, Hội đặc biệt chú trọng hỗ trợ doanh nhân trẻ trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào sản xuất và quản lý doanh nghiệp. Đồng thời, để hỗ trợ doanh nhân trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đã tổ chức các lớp bồi dưỡng các chương trình, nội dung theo nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp; trong đó chú trọng tổ chức các lớp bồi dưỡng về chuyển đổi số trong quản trị kinh doanh, kỹ năng tiếp cận thị trường và hội nhập quốc tế. Thực hiện liên doanh, liên kết, tạo ra chuỗi giá trị có sức cạnh tranh cao, những sản phẩm độc đáo, có thương hiệu, giá trị cao, mang nét đặc trưng tiêu biểu của tỉnh Tuyên Quang.

Với sự chủ động vào cuộc của doanh nhân để doanh nghiệp nâng cao vị thế cạnh tranh, phát triển bền vững, thực hiện chuyển đổi số một cách bài bản, khoa học. Đó cũng chính là cơ sở để doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh vươn tầm, tạo nên sức sống và giá trị mới trong nền kinh tế thị trường.

Bài, ảnh: Quốc Việt

Tin cùng dòng sự kiện