Đây là quy định của Đảng nhằm cụ thể hóa quan điểm đảng viên, tổ chức Đảng bị kỷ luật oan được phục hồi quyền lợi, nêu trong Quy định số 22-QĐ/TƯ ngày 28-7-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; đồng thời cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
Quy định số 117-QĐ/TƯ nêu rõ: Thực hiện xin lỗi và phục hồi quyền lợi đối với tổ chức Đảng, đảng viên bị kỷ luật oan phải kịp thời, công khai, khách quan...
Tổ chức Đảng đã quyết định kỷ luật oan phải chủ động, kịp thời báo cáo ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp trên trực tiếp; phối hợp với tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức Đảng, đảng viên; quyết định bãi bỏ, thu hồi quyết định kỷ luật oan; xem xét trách nhiệm của tổ chức Đảng, đảng viên tham mưu, quyết định kỷ luật oan.
Căn cứ để xin lỗi và phục hồi quyền lợi, đó là: Kết luận hoặc quyết định của tổ chức Đảng có thẩm quyền xác định tổ chức Đảng, đảng viên bị kỷ luật oan; kết luận, quyết định, bản án của cơ quan pháp luật xác định đảng viên bị điều tra, truy tố, xét xử oan dẫn đến tổ chức Đảng quyết định kỷ luật oan.
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được kết luận, quyết định về việc đã kỷ luật oan thì tổ chức Đảng đã quyết định kỷ luật oan có trách nhiệm: Thông báo bằng văn bản đến tổ chức Đảng, đảng viên bị kỷ luật oan (hoặc thân nhân đảng viên) về việc tổ chức xin lỗi và phục hồi quyền lợi; thu hồi, bãi bỏ quyết định kỷ luật oan; đồng thời gửi đến cơ quan, tổ chức nơi đảng viên đang công tác, sinh hoạt để thu hồi, xóa bỏ quyết định kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể đối với đảng viên (nếu có); phục hồi quyền lợi hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền phục hồi quyền lợi của tổ chức, đảng viên bị kỷ luật oan. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của tổ chức Đảng quyết định kỷ luật oan thì cơ quan có thẩm quyền thực hiện phục hồi quyền lợi của tổ chức, đảng viên theo quy định.
Hình thức xin lỗi được công khai, để tổ chức Đảng, đảng viên thấy được thành ý, từ đó vơi đi nỗi mất mát về tinh thần, củng cố niềm tin vào tổ chức. Ở chiều ngược lại, thái độ nhận lỗi, sẽ là động lực giúp tổ chức Đảng đã quyết định kỷ luật oan đối với đảng viên, khắc phục khuyết điểm, sửa chữa sai lầm.
Hành vi xin lỗi thể hiện ý thức trách nhiệm của con người với cuộc sống, biết nhận trách nhiệm của mình đối với hậu quả do mình gây ra.
Văn hóa xin lỗi là đạo đức, là văn minh của một đảng cầm quyền. Việc nhận ra sai sót và chân thành xin lỗi làm cho dân chủ trong Đảng thực chất hơn, góp phần ngăn ngừa suy thoái, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đồng thời là việc làm thiết thực nhằm chia sẻ nỗi oan của đảng viên.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Xét theo góc độ vĩ mô, xây dựng văn hóa xin lỗi, nhận lỗi chính là góp phần xây dựng con người mới - con người có tri thức, đạo đức, tinh thần trách nhiệm cao với xã hội, phục vụ tốt cho công cuộc phát triển và hội nhập của đất nước.
Gửi phản hồi
In bài viết