Anh chia sẻ: “Thiên nhiên trong tầm mắt tôi đơn giản, nhỏ bé như một quả cầu thủy tinh, nhưng trong trí tưởng tượng lại phong phú, bao la tận cùng...”. Bởi thế, dù cho những cơn đau bủa vây, 9 cuốn sách mang thương hiệu Lê Hữu Nam lần lượt “chào đời”, một nửa trong số đó là các cuộc phiêu lưu kỳ thú vào thế giới tự nhiên dành cho thiếu nhi. Mới đây nhất, cuốn “7 chuyến du hành vào thiên nhiên” đã được xuất bản.
“Trong giấc mơ và mỗi giây phút suy ngẫm, tôi thường tự mình du hành vào các câu chuyện của chim muông và cây lá. Những câu chuyện hiển hiện giữa tự nhiên mà lại như xa vời. Tôi sướng vui khi được ngắm nhìn, lưu giữ từng câu chuyện một và giờ đây tôi tột cùng mong muốn được viết lại chúng, bằng câu chữ đơn giản của riêng mình”, Lê Hữu Nam từng viết. Có thể “điểm danh” những chuyến du hành đó, như “Hành trình trở về”, “Cuộc phiêu lưu của bầy thần khuyển”, “Mật ngữ rừng xanh”... Với trí tưởng tượng phong phú, lối viết sinh động, từng câu chuyện của Lê Hữu Nam mở ra một chân trời mới mà ở đó mỗi nhân vật, mỗi hành trình đều góp phần làm nên một thế giới thiên nhiên đẹp tươi, hấp dẫn và chan chứa tình yêu thương.
Kể câu chuyện về muông thú đầy hấp dẫn, Lê Hữu Nam cũng mang đến những bài học làm người đầy ý nghĩa về tình yêu thương, về sự tôn trọng, thấu cảm, về lòng trắc ẩn, thứ tha. Như câu chuyện ẩn sau chiếc sừng mềm mại và độc đáo, trên đó “đậu” đầy những bông hoa của cô bạn tê giác Hope chẳng hạn. Đó là bởi những thợ săn xấu xa đã giết tê giác mẹ, khoét đi chiếc sừng của tê giác con. Các cô chú cứu hộ sau khi chăm sóc đã gắn thêm cho tê giác con chiếc sừng bằng vải bông, đặt tên cho tê giác con là Hope với ý nghĩa “Hy vọng”, cũng là mong muốn Hope mạnh mẽ, yêu thương và tha thứ. Không dài dòng huấn thị, không khô khan giáo điều, những bài học từ thế giới muôn loài ấy “như dòng nước chảy tràn vào trái tim nguyên sơ nhân ái của con trẻ”, giúp các bạn đọc nhỏ tuổi được “ngấm” một cách tự nhiên và sâu sắc hơn.
Năm 2015, tập truyện dài “Mật ngữ rừng xanh” mang lại cho Lê Hữu Nam Giải thưởng Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh. Có lẽ giải thưởng này như một “tấm bằng” ghi nhận cho những nỗ lực của Lê Hữu Nam. “Mật ngữ rừng xanh” như lời tưởng nhớ của Lê Hữu Nam đến những sinh vật đã biến mất trước sự tàn bạo của con người, đồng thời là sự hy vọng “những đứa trẻ sẽ cảm nhận được tình yêu thương luôn luôn ngự trị trong mọi giống loài, từ đó chúng sẽ biết đoàn kết cứu lấy thế giới vốn rất tươi đẹp này”.
Bên cạnh sáng tác cho thiếu nhi, Lê Hữu Nam còn có những ghi chép đầy cảm xúc về Đà Lạt nơi anh sinh ra, và thành phố Hồ Chí Minh nơi anh đang sống. Đó là tập tản văn “Xứ mộng hồn hoa”, “Sài Gòn café ngọt đắng” (in chung cùng tác giả Lưu Quang Minh). Sau tập truyện ngắn “Những gam màu hồi sinh” ra mắt năm 2016, Lê Hữu Nam thử sức ở lĩnh vực tiểu thuyết với “Vì chưa bao giờ kết thúc”, “Vì ta còn chờ nhau”. Đặc biệt, còn phải kể đến những trang sách “Con đến như một phép màu” đầy xúc động là tất cả tình cảm, hy vọng, ước ao mà Lê Hữu Nam gửi đến cậu con trai mà vì bệnh tật anh không có cách nào để tiếp tục gặp gỡ.
Trong thế giới này, có lẽ mỗi một đứa con cũng đều là một phép màu của cha mẹ. Riêng Lê Hữu Nam, chính cuộc đời của anh cũng là một phép màu. Phép màu về nghị lực và tình yêu cuộc sống.
Gửi phản hồi
In bài viết