Khách du lịch tại cù lao Mây (Vĩnh Long). (Ảnh LAN ANH)
Hầu hết các cù lao ở miền Tây Nam Bộ được thiên nhiên bạn tặng không khí mát mẻ, ôn hòa, đất đai phù sa màu mỡ, cây trái tốt tươi, rất phù hợp phát triển du lịch sinh thái.
Hữu xạ tự nhiên hương
Đi dọc các cù lao, ấn tượng đầu tiên là những con đường nhỏ, ngoằn ngoèo, xuyên qua những vườn cây xanh mướt, trĩu quả. Tận dụng lợi thế đó, các khu du lịch sinh thái miệt vườn ra đời và theo thời gian, bằng sự học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, các trò chơi dân gian mang đậm văn hóa miền tây như đi cầu khỉ, tát mương, bắt cá… hay các món ăn dân dã đã được bổ sung để hấp dẫn du khách.
Cù lao Mây (huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) nằm giữa hai nhánh sông Hậu và sông Trà Ôn, nổi tiếng với những vườn chôm chôm chín đỏ, vườn nhãn trĩu cành cùng làng nghề bánh tráng có tuổi đời gần 100 năm. Khoảng gần 10 năm trước, người dân ở đây bắt đầu làm du lịch, sau khi thấy không ít khách sau khi ghé qua và tỏ ra thích thú thiên nhiên, khí hậu của mảnh đất. Ban đầu, chỉ là những vườn cây, sau này, những khu sinh thái có thêm các trò chơi dân gian, món ăn đặc sản địa phương. Hầu hết những "ông chủ", "bà chủ" ở đây xuất thân từ ruộng đồng, không được đào tạo về du lịch và họ dùng cái chân chất, gần gũi, thân thiện, vốn là "đặc sản" của người miền tây để níu chân du khách.
Đi dọc các cù lao, ấn tượng đầu tiên là những con đường nhỏ, ngoằn ngoèo, xuyên qua những vườn cây xanh mướt, trĩu quả. Tận dụng lợi thế đó, các khu du lịch sinh thái miệt vườn ra đời và theo thời gian, bằng sự học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, các trò chơi dân gian mang đậm văn hóa miền tây như đi cầu khỉ, tát mương, bắt cá… hay các món ăn dân dã đã được bổ sung để hấp dẫn du khách.
Tại Khu du lịch Tám Trong, điểm đến nổi tiếng tại cù lao Mây, cứ mỗi khi có khách, dù ít dù nhiều, chủ nhân đều ra tận bến tiếp đón và đưa tiễn mỗi khi ra về với nụ cười thân thiện cùng những lời cảm ơn. Chị Nguyễn Thị Phương Lan, quản lý Khu du lịch Tám Trong cho biết, cách đây nhiều năm, cha của chị, sau khi đi tham quan một số cù lao đã nhìn thấy tiềm năng từ những vườn cây ăn trái ở quê hương.Vượt qua những ngần ngại ban đầu, ông mạnh dạn mở lối cho phát triển du lịch trên cù lao Mây.
"Khi bắt đầu kinh doanh du lịch, chúng tôi thường xuyên đối mặt với bài toán thiếu vốn, thiếu nhân lực. Người trong nhà chẳng được đào tạo du lịch mà chỉ nhặt nhạnh kiến thức từ những khu sinh thái ở nơi khác. Khu du lịch Tám Trong dần hình thành từ những cái áo bà ba tự may, những chiếc cầu khỉ, cầu lắc tự thiết kế, tự thi công… Chúng tôi làm du lịch bằng chất lượng dịch vụ, bằng sự mến khách. Hiện nay, lượng khách du lịch đến đây tương đối ổn định. Chúng tôi chưa biết cách quảng bá hiệu quả, nhưng tôi vẫn tin là "hữu xạ tự nhiên hương", mình làm tốt thì khách sẽ tự tìm đến", chị Phương Lan chia sẻ.
Cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ) được người địa phương ví là "hòn đảo ngọt đất Tây Đô". Ở đây không chỉ có những vườn cây ăn trái mà còn có cả các di tích như đình thần Tân Lộc Đông cùng những ngôi nhà cổ tuổi đời cả trăm năm. Tương tự cù lao Mây, từ trước đến nay, "hữu xạ tự nhiên hương" cũng là "tôn chỉ" của những hộ kinh doanh du lịch để kéo du khách đến với cù lao Tân Lộc.
Khu du lịch vườn dừa Tân Lộc là một trong những điểm đến nổi tiếng nhất tại đây. Vườn dừa rộng hơn 1.000m2, với những cây dừa đủ loại, từ dừa ta, dừa xiêm, dừa dứa. Chung quanh vườn là những mương nhỏ để du khách chèo xuồng tham quan. Bà Đào Thị Diễm Kiều, chủ nhân vườn dừa cho biết, ban đầu nhà bà chỉ trồng dừa để bán quả. Sau đó, nhiều người đi qua thấy vườn dừa, hệ thống mương tưới nước và chiếc xuống nhỏ rất đẹp cho nên xin vào chụp ảnh. Từ đó, vợ chồng bà bàn nhau mở khu sinh thái. Tiếng lành đồn xa, dần dần du khách kéo đến đây ngày một đông, mang đến cho gia đình bà Diễm Kiều nguồn thu nhập ổn định.
Cần định hướng phát triển bền vững
Theo đánh giá của nhiều công ty lữ hành, du lịch, du lịch trải nghiệm ở các cù lao miền Tây Nam Bộ có tiềm năng lớn để phát triển, nhất là sự phong phú của các vườn cây ăn quả mang tính đặc thù vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Tính cách phóng khoáng, hiếu khách và những kiến trúc mang đậm văn hóa truyền thống cũng là điểm nhấn.
Tuy nhiên, để phát triển du lịch cù lao bền vững cần một kế hoạch dài hơi. Hoạt động du lịch vẫn còn mang tính tự phát, đơn lẻ, sản phẩm du lịch ít, đơn điệu và phụ thuộc quá nhiều vào các miệt vườn, trò chơi dân gian. Ông Bùi Nam, giám đốc một công ty lữ hành ở Hà Nội cho biết, công ty ông đã có nhiều cuộc khảo sát tại một số cù lao ở Tây Nam Bộ, nhưng đến nay vẫn chưa thể mở được tour du lịch dù nhu cầu của khách hàng là có.
Để phát triển du lịch cù lao bền vững cần một kế hoạch dài hơi. Hoạt động du lịch vẫn còn mang tính tự phát, đơn lẻ, sản phẩm du lịch ít, đơn điệu và phụ thuộc quá nhiều vào các miệt vườn, trò chơi dân gian.
"Để mở tour tham quan các cù lao, khó khăn nhất là việc quản lý và chi phí. Chúng tôi đã làm việc với chủ nhân một số miệt vườn nơi đây, nhưng để hợp tác cần có thời gian bởi mở tour cần có sự ổn định, lâu dài và sự chuyên nghiệp đặt lên hàng đầu. Trong khi đó, chủ nhiều khu du lịch vẫn tỏ ra xa lạ với cách làm tour, quảng bá chuyên nghiệp. Có nhiều điểm tham quan nhưng vẫn rời rạc, thiếu sự liên kết, gây khó khăn trong tiếp cận nguồn khách cũng như hình thành được chuỗi sản phẩm, dịch vụ", ông Nam cho biết.
Bên cạnh đó, việc đi lại, di chuyển tại nhiều cù lao ở miền Tây Nam Bộ còn khó khăn. Tại cù lao Tân Lộc, du khách chỉ có thể tham quan bằng cách đi phà từ đất liền từ trung tâm quận Thốt Nốt, cách trung tâm thành phố Cần Thơ hơn 40km. Nhiều tuyến đường trong cù lao cũng xuống cấp trầm trọng. Tại cù lao Mây, dù có tuyến tàu đường sông đưa du khách từ trung tâm thành phố Cần Thơ tới đây, tuy nhiên giá vé khá cao. Chưa kể, tàu chỉ đưa khách đến những khu vui chơi cố định, nằm ở phía ngoài. Muốn khám phá bên trong thì khó khăn vì giao thông không thuận tiện.
Chị Phạm Thanh Ngân (du khách đến từ quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, chị được bạn bè là dân bản địa đưa đi thăm một số cù lao. Mặc dù lần đầu trải nghiệm các trò chơi dân gian, chị cảm thấy thích thú, tuy nhiên chị chưa nghĩ tới việc sẽ quay trở lại. "Các cù lao đều có loại hình du lịch khá giống nhau, quanh đi quẩn lại chỉ tham quan miệt vườn và một số trò chơi, sẽ rất nhanh chán. Hầu hết các cù lao chỉ chú trọng đến dịch vụ ăn uống, thiếu các sản phẩm đặc trưng, khiến du khách khó quay trở lại", chị Ngân cho biết.
Một vấn đề nữa cũng đang khiến các cù lao miền tây chưa thu hút khách đúng tiềm năng nằm ở việc quảng bá hình ảnh. Không nhiều hộ kinh doanh du lịch chú trọng vấn đề này khiến nhiều người không biết hoặc không có nhiều thông tin về các điểm đến.
Ông Lê Văn Thông, Giám đốc Hợp tác xã Bánh tráng cù lao Mây cho biết, làng nghề bánh tráng nơi đây có tiềm năng phát triển về du lịch bởi có nhiều du khách rất thích thú khi chứng kiến hoặc được làm thử việc tráng bánh. Tuy nhiên, việc quảng bá hình ảnh dường như là bài toán mà những người có trách nhiệm ở làng nghề này chưa tìm ra lời giải. Tương tự, bà Đào Thị Diễm Kiều, chủ khu du lịch vườn dừa Tân Lộc cũng đang loay hoay với việc quảng bá điểm đến của mình đến với du khách cả nước. Tuy nhiên, cách làm của bà hiện nay cũng chỉ nằm ở việc đưa hình ảnh khu du lịch của mình trên trang Facebook cá nhân.
Hiện nay, nhận thấy tiềm năng của du lịch cù lao, nhiều địa phương ở miền Tây Nam Bộ đã ban hành các chính sách nhằm biến các cù lao trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, thành phố xác định cù lao Tân Lộc là điểm du lịch sinh thái cộng đồng sông nước trong không gian du lịch phía tây của thành phố.
Tỉnh Vĩnh Long cũng triển khai đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, trong đó đặt mục tiêu xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc thù tại huyện Trà Ôn nói chung, cù lao Mây nói riêng…
Tuy nhiên, trước các nút thắt cần tháo gỡ nêu trên, rất cần một chiến lược dài hơi, một định hướng phát triển bền vững cho du lịch cù lao miền tây.
Gửi phản hồi
In bài viết