Tour khám phá Hoàng thành Thăng Long về đêm mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ cho du khách. (Ảnh: Phạm Chiểu)
Theo các chuyên gia, dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch có thể được hiểu là những dịch vụ du lịch và dịch vụ liên quan được cung ứng một cách hợp pháp trong thời gian từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, thúc đẩy du lịch theo hướng hài hòa, sáng tạo, bền vững. Với nhiều quốc gia, du lịch đêm không chỉ được xem là hướng đi giúp tăng trưởng kinh tế, mà còn được nhìn nhận như dấu ấn riêng tạo nên hình ảnh, thương hiệu, bản sắc riêng cho điểm đến.
“Con gà đẻ trứng vàng” của ngành du lịch
Tại Việt Nam, vài năm gần đây, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai các hoạt động, dịch vụ về đêm để thu hút khách, tiêu biểu là mô hình chợ đêm, phố đi bộ ở một số điểm đến du lịch lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Lào Cai, Đà Lạt…
Đặc biệt, một số sản phẩm tour du lịch đêm chuyên biệt đã được các công ty lữ hành đưa vào khai thác như: tour đêm Hỏa Lò, tour tìm hiểu Hoàng thành Thăng Long về đêm ở Hà Nội; tour đêm Đền Hùng “Trở về nguồn cội” ở Phú Thọ; tour khám phá động Phong Nha về đêm tại Quảng Bình, tour “Đêm huyền bí Thành phố Hồ Chí Minh”, hay “Phố đêm du thuyền” ở Quảng Ninh, thưởng thức các show diễn thực cảnh về đêm như Tinh hoa Bắc Bộ, Ký ức Hội An…
Việc tạo đà phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch đêm tại Việt Nam được xem là hướng đi phù hợp xu hướng quốc tế, giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, tăng khả năng chi tiêu của du khách, tạo nhiều việc làm, tăng doanh thu ngành du lịch và các ngành liên quan.
Dù đã có khởi sắc, song theo các chuyên gia, kinh tế du lịch đêm ở nước ta vẫn phát triển chưa xứng tiềm năng. Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Văn Đính nhận định: Nhìn chung, sản phẩm du lịch đêm còn tương đối đơn điệu, nghèo nàn, thiếu tính đặc sắc, thiếu quy hoạch không gian riêng cho sản phẩm du lịch đêm, thiếu sự quản lý bài bản và thiếu cơ chế chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư sản phẩm du lịch đêm.
Nhận thức, tư duy về sản phẩm du lịch đêm cũng còn hạn chế. Đặc biệt, để phục vụ du khách, các yếu tố văn hóa bao gồm cả vật thể và phi vật thể chưa được phát huy hết giá trị để tạo thành dịch vụ phục vụ khách, trong khi đây là yếu tố riêng có của mỗi đất nước, mỗi điểm đến.
Đẩy mạnh du lịch đêm
Ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”. Trong đó, giai đoạn trước mắt tập trung vào phát triển du lịch. Điều này khẳng định sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ đối với phát triển các dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch, là căn cứ quan trọng để ngành du lịch phối hợp các ngành, các cấp cụ thể hóa quy định quản lý đối với hoạt động kinh tế còn khá mới mẻ này tại Việt Nam.
Trao đổi tại Hội thảo khoa học “Dịch vụ đêm-Cơ hội cho ngành du lịch bứt phá trong bối cảnh mới” do Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) tổ chức vừa qua tại Hà Nội, Tiến sĩ Lê Quang Đăng và Nguyễn Thị Phương Linh, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết:
Hiện tại, ngoài Quyết định số 1129/QĐ-TTg đề cập đến kinh tế ban đêm và phát triển dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch, Việt Nam chưa có quy định cụ thể để thúc đẩy phát triển dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch, dẫn đến việc triển khai trên thực tế tại các địa phương gặp nhiều lúng túng, không thống nhất về cách làm, về tổ chức quản lý và kinh doanh.
Vì thế, vấn đề đặt ra là cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật hiện hành theo hướng tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế ban đêm và dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần nghiên cứu, ban hành quy định quản lý, kinh doanh dịch vụ du lịch về đêm phục vụ khách du lịch để làm căn cứ cho các địa phương tham chiếu, xây dựng quy định quản lý cụ thể tại địa phương.
Trong đó, quy định cụ thể các loại hình dịch vụ du lịch được phép kinh doanh về đêm; quy định rõ khung giờ hoạt động của từng loại hình dịch vụ; quy định điều kiện các cơ sở được phép kinh doanh về đêm; quy định tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch được phép cung cấp…
Theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Dương Đình Hiền, công tác quy hoạch phải đi trước một bước. Mặc dù Việt Nam sở hữu nhiều tài nguyên du lịch hấp dẫn nhưng không phải ở đâu cũng có thể quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ phục vụ du lịch đêm. Trên bình diện tổng thể quốc gia, đó phải là khu vực có tiềm năng về du lịch với các giá trị nổi bật về văn hóa, cảnh quan tự nhiên, tập trung nhiều khách du lịch lớn, có không gian để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, và có khả năng thu hút các nhà đầu tư.
Trong đó, khu vực được quy hoạch hệ thống dịch vụ du lịch đêm nên nằm ở vị trí trung tâm, tập trung nhiều điểm tham quan, đông đảo khách du lịch dễ tiếp cận, cơ sở vật chất đầy đủ và có mối liên hệ thuận tiện với không gian chung quanh.
Muốn giải bài toán “thừa chỗ ngủ, thiếu chỗ chơi” tại nhiều điểm đến trên cả nước, không cách nào khác là cần có những sản phẩm du lịch đêm hấp dẫn, mới mẻ, đủ khả năng chinh phục nhiều đối tượng du khách. Tiến sĩ Vũ Nam, Khoa Du lịch và Khách sạn, Trường đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng:
Các địa phương, điểm đến cần chú trọng khai thác giá trị văn hóa bản địa trong xây dựng sản phẩm du lịch đêm như tham quan làng cổ, làng nghề, di tích lịch sử, tôn giáo… về đêm. Cùng với các sản phẩm du lịch được triển khai ở trung tâm thành phố, có thể phát triển thêm các sản phẩm ở khu vực ngoại ô hoặc nông thôn có kết nối thuận tiện. Các sản phẩm du lịch không chỉ tập trung vào giải trí, ẩm thực, mua sắm về đêm mà còn cần được đầu tư vào các trải nghiệm tinh thần, các hoạt động thể chất như team building về đêm, thể thao đêm, ngắm cảnh đêm…
Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Nguyễn Vinh Thúy, tư vấn pháp lý cao cấp Công ty Luật Phạm Vũ, sự phát triển của kinh tế ban đêm tiềm ẩn nguy cơ làm nảy sinh các vấn đề xung đột, bạo lực, làm gia tăng các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, an ninh trật tự.
Vì thế, cần có sự chuyển dịch, thay đổi trạng thái vận hành, quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, xử lý các tình huống phát sinh từ trạng thái hoạt động ban ngày sang ban đêm với sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính quyền cơ sở và các ngành chức năng như công an, quản lý thị trường, thanh tra lao động, văn hóa, y tế…; trang bị đồng bộ hệ thống an ninh, camera giám sát cùng công cụ quản lý, báo cáo sự cố để nhanh chóng phát hiện, xử lý vi phạm; thành lập lực lượng cảnh sát du lịch, lực lượng phản ứng nhanh kết nối với mạng lưới thông tin chung của khu vực nhằm kiểm soát tổng thể, ứng phó khẩn cấp…
Gửi phản hồi
In bài viết