Sau đó 2 năm, đoàn doanh nhân lại về Tuyên một lần nữa, cũng là để đi đến các miền quê trong tỉnh. Lần này họ lên Tuyên Quang theo tour của một công ty du lịch tại tỉnh. Tôi có anh bạn làm giám đốc công ty du lịch đó, cũng là cái duyên, chúng tôi gặp nhau ở một miền quê trong mùa chè xuân đang tua tủa búp. Tôi vẫn giữ bức ảnh năm đoàn doanh nhân chụp với lãnh đạo tỉnh, gửi cho họ xem, câu chuyện bắt đầu thân mật từ đấy.
Tất cả đoàn doanh nhân trong tour du lịch đó đều là người già, cao tuổi nhất là 84, ít tuổi nhất là 71. Ở tuổi này, bên mình đa phần chỉ quanh quẩn ở nhà chăm cháu, ít đi chơi, nói gì đến chuyện kinh doanh. Nhưng ở Nhật, người ta làm việc không có tuổi, với họ, sự cô đơn nhất là không được làm việc. Năm 2018, tôi được tháp tùng đoàn cán bộ của tỉnh sang Nhật Bản công tác, qua các địa danh và những nơi sầm uất nhất của Tokyo, tôi thấy người già ở đây làm việc không ngơi nghỉ. Họ là lái xe buyt, làm dịch vụ gửi hàng hóa, bê vác… gặp khách lạ đều nở nụ cười thân thiện rồi cúi đầu chào.
Đoàn khách của Nhật về Tuyên Quang, họ đến thăm những ngôi làng còn nguyên sơ, lặng lẽ ngắm nhìn những triền lúa, những mái nhà lúp xúp dưới tán cây rừng. Những mái đầu bạc phơ như đi tìm lại ký ức về quê hương của mình giờ đã trở thành những thành phố hiện đại. Họ bảo, cách đây chừng 50 năm, quê hương của mình cũng như thế này, vẫn còn nguyên những ngôi làng cổ, đồng ruộng bát ngát, nhưng giờ chỉ còn lại trong ký ức, họ nhớ khung cảnh ấy, về Tuyên Quang như được sống ở quê hương mình một thời đã xa.
Anh bạn tôi vừa làm giám đốc, vừa làm hướng dẫn viên, vốn liếng tiếng Nhật rất ít nên chủ yếu nói bằng…tay. Người Nhật ít nói tiếng Anh, và đoàn doanh nhân này cũng thế, vậy nên anh bạn tôi khá lúng túng trong việc giới thiệu về những bản làng. Chuyến công tác ở Nhật dạo đó, tôi quan sát, các biển quảng cáo ở nhà hàng, khách sạn, nơi vui chơi, giải trí, siêu thị hoàn toàn bằng tiếng Nhật, nhân viên bán hàng ở những siêu thị lớn cũng không nói tiếng Anh mặc dù khách du lịch khắp nơi đổ về Nhật mua sắm.
Tôi đi cùng anh bạn giám đốc và đoàn khu khách Nhật Bản đến thăm các trang trại trồng cam, rừng và chè, mặc dù bất đồng ngôn ngữ nhưng không hề thấy xa cách, chỉ bởi như tìm thấy ở nhau một thứ ngôn ngữ của sự đồng điệu. Họ vừa ngắm cảnh và chụp ảnh rất nhiều, những ngôi làng đầy ắp trong bộ nhớ của điện thoại, máy ảnh. Họ đến thăm những trang trại, gia trại của mình, những người nông dân ở đây cũng chỉ biết nở nụ cười và ánh mắt tò mò về điều gì đó. Lại nhớ ở Nhật, những chủ trang trại như hướng dẫn viên thực thụ, từ giới thiệu sản phẩm, kết nối bán hàng cho du khách. Mỗi trang trại ở tỉnh Oita đón trên 5 nghìn lượt khách đến tham quan trong một năm, trong đó có cả khách quốc tế.
Nhật Bản và nhiều nước làm du lịch rất điêu luyện, trong đó có du lịch nông thôn. Nhưng ở họ, nông thôn đã bị đô thị hóa, du lịch nông thôn chỉ là thăm thú các nông trại cây ăn quả, trải nghiệm ngắm hoa, hái quả và chế biến các sản phẩm từ trái cây. Như vậy, chúng ta có quá nhiều lợi thế thu hút du khách quốc tế về du lịch nông thôn, bởi nông thôn của mình vẫn còn nguyên vẹn, chưa bị đô thị hóa. Trước yêu cầu phát triển đô thị động lực theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII cần phải làm tốt quy hoạch phát triển các đô thị trong lòng nông thôn để tạo ra đột phá cho du lịch phát triển.
Nhiều tỉnh, thành phố đã thành công trong đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy du lịch là trụ đỡ. Điển hình là tỉnh Quảng Ninh chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ kinh tế “nâu” phụ thuộc vào khai thác than, sang kinh tế “xanh” ưu tiên phát triển du lịch và Quảng Ninh đã thành công. Lợi thế của Quảng Ninh là có biển, Tuyên Quang không có biển nhưng có rừng, có hồ sinh thái, có suối khoáng nóng và hơn hết Tuyên Quang còn nguyên sơ vẻ đẹp nông thôn chưa bị pha tạp.
Phát triển du lịch nông thôn là hướng đi mới được đề cập trong dự thảo Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch trở thành kinh tế quan trọng của tỉnh. Vấn đề đặt ra lúc này, chúng ta cần phải chuyên nghiệp hóa du lịch, du lịch nông thôn càng phải làm bản bản, từ xây dựng các trang trạng, gia trại thành không gian du lịch mà ở đó người nông dân phải là những hướng dẫn viên hiểu biết về văn hóa, kỹ năng giao tiếp; phát triển các mùa hoa đặc trưng ở vùng nông thôn mang tính đặc trưng như hoa lê Hồng Thái… để tạo điểm nhấn đặc sắc thu hút du khách, đưa du lịch trở thành trụ đỡ cho tăng trưởng.
Gửi phản hồi
In bài viết