Người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu xem xét trách nhiệm những tập thể, cá nhân vi phạm quy định phòng dịch. Một số cá nhân đã có quyết định đình chỉ công tác để làm rõ trách nhiệm, thậm chí bị xử phạt hành chính và xem xét trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là những biện pháp tình thế, là phần ngọn của vấn đề.
Dịch Covid-19 và những yêu cầu phòng chống dịch đã cho thấy người Việt ta có những thói quen xấu cần bỏ.
Dễ thấy nhất là khạc nhổ bừa bãi. Trên sân thể thao, đường đi bộ, hay nơi công cộng, nhiều người thường vô tư làm việc này. Tôi ngỡ ngàng khi thấy những người được coi là lịch lãm cũng khạc nhổ vô tư nơi công cộng. Đến mức dù quanh hồ công viên giữa thành phố mới sửa sang rất đẹp, có tiếng nhạc du dương, nhưng tôi cũng không chọn làm đường đi bộ thể dục mỗi ngày. Cả ở Quảng trường rộng rãi phong quang, tôi cũng thường chọn lối đi không có ai, hoặc vắng người. Mỗi khi sắp đến gần ai đó, cảm giác sắp “được” chứng kiến một vụ khạc nhổ lại khiến tôi chạy vượt lên hoặc nhanh chóng tìm đường tránh.
Những năm đầu chín mươi, tôi từng giật mình khi nghe cô bạn ở Bình Thuận ra chơi nhận xét: Tiệm cà phê ngoài chị ồn ào, vì khách nói to quá. Lúc ấy, tôi nghĩ cô ấy hơi kỹ tính. Sau cuộc sống khá lên dần, những cuộc quán xá nhiều lên, tôi hay nhớ lại câu nhận xét của cô bạn hồi ấy. Vì quả thật, nhiều người vào quán ăn thường nói to, như sợ những bàn bên không nghe rõ. Ấy là chưa kể cung cách mời rượu, ép rượu bá vai bá cổ nhiệt tình; thậm chí người mời rượu còn chỉ vị trí vừa đặt môi vào chén cho người sau uống đúng chỗ ấy mới tình cảm!
Giờ dịch Covid-19, nghĩ đến cơ chế lây lan qua giọt bắn của nước bọt khi giao tiếp mà rùng mình!
Ngày còn bé, mỗi lần về quê nội tôi thường nhìn thấy các bá, các chị nhai cơm để mớm cho trẻ con. Mấy lần bắt chước việc làm này, tôi đều nuốt sạch trong niềm thắc mắc sao lũ trẻ ở quê vẫn no được, khi toàn ăn “qua miệng” người lớn. Tôi biết không nhiều nơi cho trẻ con ăn theo cách ấy, nhưng biết chắc đứa trẻ nào ở quê nội tôi ngày ấy cũng đều ăn như thế. Tôi được giải thích đó là để các bà mẹ quê vừa đỡ thời gian chuẩn bị thức ăn cho con rườm rà như bây giờ, vừa có vẻ tăng sự gắn bó mẹ con. Thói quen này thật nguy hiểm.
Còn một số thói quen ăn uống khác của người Việt ta rất không tốt cho sức khỏe như dùng chung một bát nước chấm, dùng đũa của mình lấy đồ ăn từ các đĩa bát chung, nhất là những khi ăn lẩu; bỏ qua việc các vi khuẩn, virus có thể truyền từ đũa của mỗi người để xâm nhập vào cơ thể, lây nhiễm sang người khác.
Hơn hai chục năm trước, tôi có dịp được ăn cơm chay cùng các nhà tu hành tại Trúc lâm thiền viện Yên Tử. Nhà chùa chuẩn bị mỗi người đủ bát, đũa, thìa; nhưng hướng dẫn cặn kẽ rằng: Đũa chỉ để dùng gắp thức ăn từ đĩa, bát chung trên mâm về bát mỗi người. Còn thìa dùng để đưa thức ăn từ bát của mình lên miệng. Khi ăn cần im lặng, không nói chuyện để tập trung cảm nhận vị ngon của thức ăn. Làm như thế, việc ăn uống mới vệ sinh, tránh được nguy cơ truyền nhiễm bệnh từ người này sang người khác.
Những người trẻ chúng tôi ngày ấy chỉ hiểu đơn giản đó là thói quen thanh nhã của nhà chùa. Giờ trong dịch Covid-19, mới càng thấm thía cái ý nghĩa sâu xa của từng hành vi nhỏ khi ăn uống.
Đại dịch đã bước sang năm thứ 3 trên toàn cầu. Các nhà chuyên môn đã chỉ ra những biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, rửa tay, tránh tiếp xúc… Nhưng các nhà chuyên môn cũng chỉ ra rằng, đó chỉ là những biện pháp hạn chế khả năng virus này xâm nhập vào cơ thể ta. Bởi dù có đeo khẩu trang nhưng vẫn tập trung đông đúc như ở Vũng Tàu, Đà Lạt những ngày nghỉ vừa qua; hay chuyện trò cao giọng, uống rượu chung chén, ăn lẩu chung đũa… như bấy lâu nay, thì cũng không thể ngăn được dịch lây lan.
Vậy nên, trong khi chưa có đủ vác xin cho mỗi người, thì cần kết hợp 5 K với sự hiểu biết của chính mình. Sự hiểu biết sẽ giúp ta ăn uống, tập luyện thể thao, nghỉ ngơi, vui chơi đúng cách. Không thể vì nghỉ lễ, vì có điều kiện book vé, book phòng mà sẵn sàng du lịch khắp nơi, bất chấp trách nhiệm với cộng đồng. Sự hiểu biết cũng cho ta lối sống vui vẻ, lạc quan; từ bỏ các thói quen xấu để ngăn chặn các đường lây của dịch.
Thảm họa từ sự chen vai thích cánh của người Ấn để cầu nguyện trên sông Hằng khiến dịch bệnh lây lan vẫn đang ám ảnh chúng ta ngay cả trong giấc ngủ.
Yêu cầu thực hiện nhiệm vụ kép đang đặt ra gắt gao hơn bao giờ hết để vừa chống dịch vừa tăng trưởng kinh tế, để “cơ thể” đất nước khỏe mạnh.
Vậy nên, thay vì “trốn kỹ” ở nhà như năm trước, cần chống dịch bằng sự hiểu biết, bằng việc đề cao trách nhiệm với cộng đồng.
Gửi phản hồi
In bài viết