Đêm 2-5, Công an quận Cầu Giấy, Công an quận Nam Từ Liêm cùng các phòng nghiệp vụ Công an TP Hà Nội phối hợp phát hiện 46 đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, thuê phòng trong chung cư Florence 28 Trần Hữu Dực (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm) để ở.
Một ngày sau, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp Công an TP Vĩnh Yên phát hiện, tạm giữ 52 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép đến cư trú bất hợp pháp trên địa bàn. Hôm sau, con số người Trung Quốc bị phát hiện nhập cảnh trái phép ở TP.Vĩnh Yên lên đến 58 người.
Nghiêm trọng hơn khi tại Lào Cai đã xảy ra câu chuyện có thành viên tổ kiểm soát chống dịch Covid-19 của xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, làm "tay trong" cho một đường dây đưa người xuất nhập cảnh trái phép với 91 lần đưa 200 người vượt biên trót lọt.
Tại Tuyên Quang, liên tiếp từ ngày 26-4 đến 8-5 đã có 3 vụ, phát hiện 25 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép.
Dư luận nhân dân lo lắng khi liên tiếp phát hiện người nhập cảnh trái phép trong nước, và trong tỉnh; nhất là trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay. Người cho rằng, "nếu những người nhập cảnh trái phép này bị nhiễm dịch thì việc truy vết những người tiếp xúc với họ là vô cùng khó! Có lẽ họ khai bậy thôi, không phải đi tìm việc làm".
Thực tế, những chuyên gia Trung Quốc sau khi cách ly ở Yên Bái đã có lịch sử di chuyển hết sức phức tạp, tạo thành ổ dịch ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước khiến chúng ta đang hết sức vất vả.
Bên cạnh lo ngại dịch bệnh có nguy cơ lây lan bùng phát từ những người nhập cảnh trái phép vào thì cũng có ý kiến đặt vấn đề tại sao nhiều người Trung Quốc tìm cách nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để làm gì, khi chỉ qua Việt Nam để ở trong nhà? Và khẳng định chắc chắn là những người này không phải sang ta để trốn dịch.
Nhiều bạn đọc thắc mắc: “Khi sang Việt Nam xin việc mà ở chung cư cao cấp, lương ở Việt Nam thì thấp, liệu có hợp lý không?”. Nhiều bạn đọc Báo Tuyên Quang đã bức xúc bình luận trên fanpage của Báo: "Những người nhập cảnh trái phép vào nước ta là có âm mưu", "đề nghị trục xuất ngay, vĩnh viễn", "Cần xem xét kỹ một số "chốt" mà họ đã đặt chân", "cần tìm ra và truy tố những kẻ tiếp tay để người nước ngoài vào được sâu trong nội địa, nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và phòng chống dịch...”.
Theo thống kê của Bộ Công an, mỗi ngày có khoảng 100 đến 150 người tìm cách nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bằng các con đường phi pháp. Mặc dù, các lực lượng chức năng ngày đêm nỗ lực làm việc để ngăn chặn nhưng vẫn có nhiều trường hợp thực hiện trót lọt việc nhập cảnh vào Việt Nam.
Ðiều này cho thấy, sự mất kiểm soát đối với Covid-19 hoàn toàn có thể xảy ra ở Việt Nam nếu chúng ta không kịp thời ngăn chặn triệt để các nguy cơ, trong đó có tình trạng nhập cảnh trái phép; và quản lý chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam, nhất là người đến từ vùng có hoặc đã từng có dịch Covid-19. Người nhập cảnh trái phép từ vùng có dịch chính là mối đe dọa có thể phá hỏng những nỗ lực chống dịch của cả nước ta suốt thời gian qua.
Ấy là chưa kể những vụ việc này khiến người ta nghĩ đến mối đe dọa khác hệ trọng hơn, nghĩ đến câu chuyện về con ngựa thành Tơ roa. Rằng sau 10 năm chiến đấu ở thành Tơ roa, quân Hy Lạp không thể chiến thắng quân Tơ roa bằng sức mạnh quân đội nên đã dùng kế dỡ tàu ra, lấy gỗ làm thành một con ngựa, sau đó giả vờ rút khỏi và chỉ để lại một người. Người này có nhiệm vụ đánh lừa quân Tơ roa, khiến họ tưởng rằng ngựa gỗ là món quà của quân Hy Lạp đền bù cho bức tượng Athena đã bị phá hủy.
Thực chất, bên trong con ngựa gỗ chứa đầy lính. Khi quân Troia no say sau bữa tiệc chiến thắng, quân Hy Lạp trong bụng ngựa đã xông ra đánh và mở cổng thành cho quân bên ngoài vào.
Nhờ có ngựa gỗ mà quân Hy Lạp đã nội công, ngoại kích, đánh bại hoàn toàn quân địch. Thành Tơ roa, một trong những thành bang lớn nhất thời cổ đại đã bị người Hy Lạp san phẳng.
Từ đó, "ngựa gỗ thành Troy” đã trở thành kinh điển để chỉ chiến thuật nội ứng từ trong nội bộ đánh ra. Ngựa Tơ roa cũng là cái tên người ta đặt cho một loại phần mềm ác tính có chức năng hủy hoại hoặc chứa đựng các phần mềm gián điệp cho phép máy tính bị điều khiển từ xa qua hệ thống mạng.
Nói về nguyên nhân xuất hiện nhiều người nhập cảnh trái phép trong nội đia, có ý kiến cho rằng do họ đi du lịch rồi trốn ở lại để tìm việc, hoặc để xuất cảnh đi nước khác.
Mới đây, ngày 31/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch trong tình hình mới. Trong đó yêu cầu tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn hoạt động của nước ngoài tác động vào nội bộ ta qua đường du lịch.
Chỉ thị cũng nêu rõ, cần thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức, cảnh giác của người dân về âm mưu, phương thức, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm trong lĩnh vực du lịch, tạo thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch.
Chỉ thị yêu cầu rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan trong lĩnh vực du lịch theo hướng vừa tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi thu hút đầu tư và khách nước ngoài vào Việt Nam, vừa góp phần bịt kín “kẽ hở”, không để các loại tội phạm lợi dụng du lịch hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Nhắc lại điển tích cũ và những chỉ đạo rất mới của Thủ tướng để thấy, tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép hiện nay đang để lộ những lỗ hổng nguy hại chết người cần khẩn cấp bịt lại. Cần sớm khởi tố những đối tượng này, áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc theo đúng quy định pháp luật để tạo tính răn đe. Cần xây dựng hệ thống phòng thủ vững chắc mà tuyến đầu chính là bảo vệ biên giới...
Ðối với nội địa như tỉnh ta, cần tăng cường quản lý lưu trú người nước ngoài trên địa bàn, kịp thời phát hiện, đề xuất xử lý theo đúng quy định của pháp luật và quy định về phòng, chống dịch Covid-19 đối với các trường hợp nhập cảnh trái phép lưu trú tại địa phương.
Ðồng thời, tăng cường quản lý nhà nước về an ninh, trật tự (ANTT), nhất là quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài, quản lý ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT. Tập trung nắm hộ, nắm người, giải quyết tình hình ANTT tại địa bàn cơ sở. Tổ chức tốt công tác phối hợp lực lượng tuần tra, nhất là sự phối hợp với người dân trên địa bàn để mỗi người dân đều trở thành một "trinh sát" trong cuộc chiến chống dịch bệnh, bảo vệ ANTT.
Gửi phản hồi
In bài viết