Thời gian qua, cả nước tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, siết chặt kỷ cương, kỷ luật; đồng thời tiến hành đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ trung ương xuống cơ sở.
Thực hiện những chủ trương trên, một bộ phận không nhỏ cán bộ vi phạm đã bị xử lý kỷ luật, bị giáng chức, cách chức; đồng thời không ít cán bộ cấp trưởng phải xuống làm cấp phó, cấp phó phải xuống làm nhân viên. Một số người trước được quy hoạch làm cấp trưởng, cấp phó, nay do bộ máy co lại, quy hoạch coi như không còn hiệu lực. Có người đang là phó phụ trách những tưởng tương lai sẽ lên giám đốc, thủ trưởng nhưng nay đành “dậm chân tại chỗ”... Từ thực tế không như ý đó, không ít người trở nên bất mãn, thối chí, rơi vào tình trạng ngã lòng, mất động lực trong công việc, thậm chí cả trong cuộc sống.
Vì thế, có người sinh ra chán nản, bỏ bê công việc; tạo bè, kết cánh làm thì ít, túm năm tụm ba dèm pha, “đâm bị thóc chọc bị gậy”, chê chỗ nọ, nói xấu chỗ kia thì nhiều. Có người không kiểm soát được cảm xúc dễ nổi cáu hay bực bội, sẵn sàng “tay bo” cãi nhau với đồng chí, đồng nghiệp, chuyện bé xé ra to, chuyện trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông, phát ngôn lung tung trên mạng xã hội. Có người bình tĩnh hơn nhưng trong công việc cốt làm cho xong, không còn đam mê, gắn bó với cơ quan, đơn vị công tác, mất hẳn khát khao cống hiến, không muốn nỗ lực đổi mới, sáng tạo nhằm thúc đẩy, cải tiến chất lượng, nâng cao năng suất, hiệu quả công việc...
Những vấn đề trên tưởng chừng là cảm xúc nhất thời, vấn đề đơn giản nhưng nếu không có biện pháp kịp thời ngăn chặn sẽ nhanh chóng biểu hiện thành chủ nghĩa cá nhân, là bước mở đầu của suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Thực vậy, người thối chí xét cho cùng là chỉ nghĩ cho cá nhân mình nên mới để mất hết động lực cống hiến, mất hết động lực phấn đấu vì cái chung. Người thối chí không chỉ tự đánh mất mình, chuyển từ con người tiến bộ có ý chí sang làm người nản chí, ngã chí; nhẹ thì kết quả công việc không tương xứng với năng lực làm việc, nặng hơn thì sa sút, giảm năng suất, chất lượng công việc. Người thối chí là nhân tố tạo ra năng lượng tiêu cực, kéo lùi tập thể, không khéo quá đà thì gây ra mất đoàn kết nội bộ, làm mất sức chiến đấu của tổ chức Đảng.
Cho nên, cấp ủy tổ chức Đảng nhất định phải kịp thời phát hiện cán bộ, đảng viên có biểu hiện thối chí để quan tâm giúp đỡ, động viên, kịp thời đưa họ ra khỏi tình trạng tiêu cực này; không được thờ ơ, mặc kệ. Tập thể cấp ủy tổ chức Đảng, nhất là những đồng chí gắn bó thân thiết với người cán bộ, đảng viên này phải thường xuyên gần gũi quan tâm, lắng nghe, chia sẻ; từ đó tùy tính cách, sự tiếp thu để mà trao đổi, hóa giải những phiền muộn, thối chí trong lòng; cần thiết phải thẳng thắn đưa ra bàn trong tập thể trên tinh thần yêu thương đồng chí, vì đồng chí mình để kéo họ về.
Quan trọng là phải thức tỉnh, làm cho chính cán bộ, đảng viên bị thối chí phải chiến thắng chính mình để thoát khỏi tâm trạng tiêu cực. Đúng là khi bị rơi vào một trong những trường hợp như bị kỷ luật, giáng chức, cách chức, ai cũng có tâm trạng buồn chán. Đó là lẽ thường tình ở đời. Nhưng là cán bộ, đảng viên đã mang trong mình mục tiêu, lý tưởng cao cả, là thành viên của đội tiên phong của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam nhất định phải có bản lĩnh chính trị vững vàng hơn người. Bản lĩnh đó là gì, đó là “Chớ thấy thất bại mà nản, chớ thấy đắc thắng mà kiêu” như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy. Nếu để tâm trạng tiêu cực xâm chiếm tâm chí, con người ta sẽ chìm trong đau khổ, đánh mất niềm vui cuộc sống. Chúng ta phải học cách buông bỏ để tập trung trở lại với những điều tốt đẹp, những mục tiêu cao cả.
Với cán bộ, đảng viên mắc khuyết điểm, để họ không rơi vào trạng thái tiêu cực, tập thể cấp ủy, tổ chức Đảng cần thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình, tuân thủ những nét đẹp văn hóa ứng xử truyền thống của dân tộc nay đã chuyển hóa tiếp biến trong văn hóa Đảng biểu hiện sâu sắc qua tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó là phải quán triệt động cơ phê bình phải thật trong sáng, dựa trên tình đồng chí yêu thương nhau. Khi phê bình phải biết lắng nghe và chờ đợi đồng chí tiếp thu để tránh việc làm cho người bị phê bình nản chí, oán ghét; tránh phê bình kiểu công kích, áp đặt, xoi mói, bới lông, tìm vết, dìm nhau, hạ bệ lẫn nhau, lấy việc công trả thù riêng; phải bảo đảm khách quan, công tâm...; sau cùng là phải làm sao cho người được phê bình “tâm phục, khẩu phục”.
Mục đích sâu xa của phê bình, kỷ luật là làm cho đồng chí mình tốt lên, cho nên quan tâm, động viên khắc phục kịp thời tình trạng cán bộ thối chí cũng chính là nghĩa vụ của mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu ngay từ khi tiến hành những bước đầu tiên trong quy trình giám sát, kiểm tra, xử lý kỷ luật. Có sự quan tâm, chuẩn bị sớm về việc này chắc chắn các cấp ủy, tổ chức Đảng sẽ đạt được mục đích quan trọng hàng đầu là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức và chất lượng cán bộ, đảng viên.
Gửi phản hồi
In bài viết