Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, nội dung Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17-10-2018 của Chính phủ quy định rõ về việc trích lại kinh phí từ Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) phục vụ công tác triển khai chính sách BHYT tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, số tiền đóng BHYT hằng năm của học sinh, sinh viên được trích lại một phần nhỏ để các cơ sở giáo dục chăm sóc sức khỏe ban đầu cho thế hệ hệ tương lai.
Tham gia BHYT, học sinh được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường.
Với số lượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT tăng dần qua các năm, thì số tiền trích lại từ Quỹ BHYT cho các cơ sở giáo dục cũng tăng lên tương ứng, đạt gần 700 tỷ đồng vào năm 2022.
Nguồn kinh phí trích lại từ Quỹ BHYT được các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp sử dụng để mua thuốc, vật tư y tế phục vụ sơ cấp cứu, xử trí ban đầu cho trẻ em, học sinh, sinh viên khi không may bị tai nạn thương tích hoặc các bệnh thông thường trong thời gian học tập tại cơ sở giáo dục. Cùng với đó là việc mua sắm, sửa chữa trang thiết bị y tế thông thường phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, tủ tài liệu quản lý hồ sơ sức khỏe tại cơ sở giáo dục…
Như vậy, khi tham gia BHYT, ngoài quyền lợi được Quỹ BHYT chi trả lên tới 80% chi phí điều trị bệnh (nếu khám chữa bệnh đúng tuyến), học sinh, sinh viên còn được chăm sóc sức khỏe ngay tại trường học.
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, năm học 2022-2023, cả nước có 18,8 triệu học sinh, sinh viên tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ hơn 97% tổng số học sinh, sinh viên. Nhờ có thẻ BHYT, nhiều học sinh, sinh viên mắc các bệnh nan y, mạn tính đã được Quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lên tới hàng tỷ đồng. Riêng năm 2022 và 8 tháng năm 2023, Quỹ BHYT đã chi trả 5.316 tỷ đồng cho 6,2 triệu lượt học sinh, sinh viên, trong đó có 634 trường hợp được chi trả từ 200 triệu đồng/người trở lên.
Gửi phản hồi
In bài viết