Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, cùng với tổ chức Ðoàn 559 mở tuyến vận tải theo dãy Trường Sơn, ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Ðoàn Vận tải quân sự 759 với mật danh “Ðoàn tàu không số” (từ ngày 29/1/1964 đổi thành Ðoàn 125) có nhiệm vụ mở tuyến đường chiến lược - Ðường Hồ Chí Minh trên biển để vận chuyển người, vũ khí, trang bị chi viện cho chiến trường miền nam. Ðây là quyết định sáng suốt, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.
Sau khi thành lập, Ðoàn 759 (Ðoàn 125) khẩn trương làm công tác chuẩn bị, tổ chức xây dựng lực lượng, phương tiện, bến bãi đi và đến. Với công tác chuẩn bị chu đáo, tinh thần chiến đấu cao, những con tàu thô sơ, nhỏ bé, chở nặng vũ khí đã bí mật, bất ngờ vượt qua bão táp của biển khơi và sự bao vây, ngăn chặn của địch để đi đến chiến trường miền nam. Cán bộ, chiến sĩ “Ðoàn tàu không số” đã sáng tạo ra chiến thuật độc đáo trong vận tải, khéo léo kết hợp ngụy trang, nghi binh, táo bạo, bí mật, bất ngờ tiến nhanh vào bến, quay vòng tăng chuyến, bảo đảm hiệu quả và an toàn.
Các đại biểu tại Khu Di tích lịch sử Bến tàu không số Đồ Sơn, Hải Phòng. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Những ngày đầu, lực lượng vận tải quân sự trên biển có bốn tàu gỗ thô sơ gắn máy và 38 cán bộ, chiến sĩ làm nòng cốt; sau một thời gian hoạt động đã phát triển thành lữ đoàn vận tải, với trang bị từng bước hiện đại. Trong suốt 14 năm hoạt động (1961 - 1975), cán bộ, chiến sĩ “Ðoàn tàu không số” đã lập nên kỳ tích: Hàng trăm lượt tàu ra khơi, về đích; hàng nghìn tấn vũ khí, khí tài, hàng hóa, thuốc chữa bệnh; hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ từ hậu phương lớn được đưa vào tiền tuyến lớn.
Con đường vận tải trên biển đã trở thành huyền thoại, góp phần cùng quân và dân cả nước đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Ðường Hồ Chí Minh trên biển đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 20 như một thiên anh hùng ca bất tử, một chiến công chói lọi; đồng thời, thể hiện nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Lực lượng vận tải quân sự đường biển đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng.
Ðất nước thống nhất, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh mới, Hải quân nhân dân Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu, từng bước xây dựng, hoàn thiện thế bố trí chiến lược trên biển, đảo. Lực lượng vận tải quân sự đường biển của Hải quân có bước phát triển nhanh về tổ chức, biên chế, vũ khí, trang bị. Phát huy truyền thống của “Ðoàn tàu không số” năm xưa, cán bộ, chiến sĩ vận tải Hải quân luôn mưu trí, sáng tạo, thực hiện đúng đối sách, xử lý linh hoạt, hiệu quả các tình huống, giữ vững môi trường ổn định đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Những năm tới, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi toàn quân, nhất là Hải quân và các lực lượng tác chiến trên biển cần phát huy truyền thống của “Ðoàn tàu không số”; quán triệt sâu sắc, thực hiện hiệu quả quan điểm, mục tiêu kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước mà Ðại hội XIII của Ðảng xác định. Trong đó, tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Cần thống nhất nhận thức: Chủ quyền biển, đảo và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, không thể đánh đổi và nhân nhượng. Ðể bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phải lấy bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước làm mục tiêu tối thượng.
Cấp ủy, chỉ huy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo; làm cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và các lực lượng nắm vững chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo. Ðồng thời, xác định trách nhiệm, củng cố niềm tin, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn, truyền thống, ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc; phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”; tinh thần quả cảm của người chiến sĩ “Ðoàn tàu không số”, chung sức, đồng lòng bảo vệ biển, đảo Tổ quốc. Các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển phải nêu cao ý chí quyết tâm “còn người, còn biển, đảo”, “một tấc không đi, một li không rời”, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Thứ hai, tập trung xây dựng lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo vững mạnh, có chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu cao, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Ðể hoàn thành trọng trách được giao, tổ chức biên chế các lực lượng phải có cơ cấu hợp lý, cân đối, đồng bộ theo hướng tinh, gọn, mạnh. Nghiên cứu, điều chỉnh bố trí các lực lượng phù hợp với thế trận tác chiến phòng thủ biển, đảo, yêu cầu của Chiến lược phát triển kinh tế biển và điều kiện địa hình, khí hậu, thủy văn ở từng vùng, từng khu vực. Quan tâm bảo đảm vũ khí, trang bị phù hợp với điều kiện của đất nước và yêu cầu, nhiệm vụ của từng lực lượng. Nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập quân sự, nghiên cứu phát triển phương thức, nghệ thuật tác chiến, nhất là tác chiến hiệp đồng binh chủng, quân chủng. Tích cực tham gia phát triển kinh tế quốc phòng trên biển, đảo.
Thứ ba, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân trên biển. Tập trung xây dựng, củng cố thế bố trí lực lượng, phương tiện quốc phòng trên biển, đảo; xác định các vùng chiến lược, trọng tâm, trọng điểm để nghiên cứu, xây dựng kế hoạch bố trí, triển khai lực lượng, phương tiện, thiết bị chiến trường, công trình quốc phòng phù hợp. Coi trọng xây dựng khu vực phòng thủ các tỉnh, thành phố ven biển. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, coi đó là mặt trọng yếu, phương châm chiến lược trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên hướng biển. Chăm lo xây dựng hậu phương, căn cứ hậu cần, kỹ thuật chiến lược vững mạnh; nâng cao hiệu quả và năng lực vận tải biển. Ðặc biệt, phải coi trọng yếu tố chính trị - tinh thần, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, khơi dậy, huy động sức mạnh của toàn dân cho sự nghiệp phát triển kinh tế biển, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của đất nước.
Thứ tư, thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Ðảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng và Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ Quân đội lần thứ XI. Thực hiện nhất quán phương châm vừa hợp tác, vừa đấu tranh; kiên định, kiên trì nguyên tắc chiến lược; linh hoạt, mềm dẻo về sách lược, bảo đảm đối ngoại quốc phòng là một trụ cột của ngoại giao Nhà nước, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia dân tộc trên biển, ngăn ngừa chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển và hội nhập. Chủ động dự báo tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất với Ðảng, Nhà nước chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, không để bị động, bất ngờ hoặc cô lập về ngoại giao trong giải quyết những vấn đề biển, đảo.
Kỷ niệm 60 năm mở Ðường Hồ Chí Minh trên biển là dịp để ôn lại, tự hào và phát huy truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng. Ðây là nguồn sức mạnh, động lực để Quân đội tiếp tục nâng cao chất lượng tổng hợp, xứng đáng với vai trò nòng cốt cùng toàn dân bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
Gửi phản hồi
In bài viết