Lung linh đường làng
Có mục sở thị mới thấy đường điện chiếu sáng “đi” đến đâu là mang theo niềm vui, phấn khởi cho bà con đến đó. Tiếng cười đùa các em nhỏ vui chơi đầu ngõ thật ấm áp, vui tươi.
Lũ trẻ trong xóm vừa chơi vừa ngân nga: “Điện đã về bản làng ơi/Điện đã về bản làng quê em/Đêm nay không trăng không sao đã có ánh điện tỏ đường dẫn lối…”.
Người dân ở Gò Gianh và Song Lĩnh, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) phấn khởi tham gia lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng.
Đồng chí Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nguyễn Quang Lam cho biết, thôn Gò Gianh và Song Lĩnh có tổng số 143 hộ thì có tới 133 hộ là đồng bào người Cao Lan. Người dân sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, đường giao thông trong thôn đã được đầu tư tương đối hoàn thiện nhưng nhiều tuyến đường trong thôn vẫn chưa có hệ thống điện chiếu sáng. Điều này khiến việc đi lại buổi tối của người dân gặp nhiều khó khăn. “Lúc trời tối, người quen đường đi lại còn đỡ, người làng khác đi qua đây phải mò mẫm, nhiều khi không biết lối nào mà đi…” - ông Nguyễn Quang Lam kể lại.
Từ thực tế đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã vào cuộc triển khai thực hiện hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng theo Nghị quyết số 30/NQ-HĐND ngày 24-12-2020 của HĐND thành phố khóa XXI về việc thông qua Đề án hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, lát vỉa hè, trồng cây xanh công cộng tại các khu dân cư trên địa bàn thành phố Tuyên Quang. Cùng với đường bê tông rộng mở, giờ đây đường vào các thôn bản người Cao Lan ở Lưỡng Vượng đã trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn nhờ có ánh đèn chiếu sáng.
Dạo một vòng quanh xóm, ông Trần Đức Nga, một người dân trong thôn kể, trước có việc gì gấp vào ban đêm đến khổ lắm, nhà có đèn pin còn đỡ, không có đèn pin thì dùng đèn dầu, lấy lốp xe cũ làm đuốc lần đường mà đi. Vì không có điện đường, những đêm trời tối đen như mực, kẻ xấu lại lợi dụng thêu dệt nên những câu chuyện ma quái ly kỳ ở ngõ này, ngõ kia khiến người làng và các em nhỏ sợ hãi. Nhưng giờ thì không lo lắng gì nữa, ánh đèn cao áp sáng trưng, an ninh trật tự được đảm bảo, trộm cắp vặt cũng bớt đi.
Ông Trần Văn Ngân, một hộ dân trong thôn không giấu được sự phấn khởi chạy đến khoe: “Trước đây, nếu không có việc quan trọng mọi người rất ngại ra đường vào buổi tối. Từ ngày có điện đường, việc đi lại trở nên thuận tiện hơn. Nhiều người còn rủ nhau đi bộ, đạp xe thể dục trên đường buổi tối để rèn luyện sức khỏe, tình làng nghĩa xóm cứ thế thêm gắn kết”.
Chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao
Thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-HĐND ngày 24-12-2020 của HĐND thành phố khóa XXI về hỗ trợ lắp điện chiếu sáng, Gò Gianh và Song Lĩnh được Nhà nước hỗ trợ lắp điện chiếu sáng phục vụ các tuyến đường có tổng chiều dài 2.250 m, với 50 cột điện và bóng cao áp. Được Nhà nước hỗ trợ cột điện, bóng điện, dây đấu nối, người dân ở Gò Gianh và Song Lĩnh ai cũng phấn khởi, vui mừng. Nhưng để hoàn thiện hệ thống đèn chiếu sáng thì cần sự chung tay góp sức của nhân dân để đào hố chôn cột điện, mua thêm các vật liệu như cát, sỏi, xi măng đổ đế. Qua tính toán, để hoàn thiện hệ thống chiếu sáng người dân cần đóng góp thêm hơn 100 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ đối với đồng bào Cao Lan nơi đây.
Các em nhỏ ở Gò Gianh và Song Lĩnh, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) vui đùa dưới ánh điện đường.
Công tác vận động 143 hộ trong thôn cùng đóng góp là không khả thi, bởi người dân sống thành từng khu vực, tuyến đường, ngõ ngách khác nhau, lợi ích sẽ không đồng đều. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nguyễn Quang Lam tham gia công tác ở thôn đã nhiều năm nay nên ông hiểu tính nết từng người dân trong thôn. Do vậy ông và các đoàn thể họp bàn với người dân đưa ra phương án đóng góp từ những hộ sinh sống trên các tuyến đường được lắp điện. Một ý kiến nêu ra, nhiều ý kiến đồng thuận, nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng dù các hộ không sinh sống tại đó thì hằng ngày cũng phải đi sớm về khuya trên cung đường ấy…
Ông Lam bảo, mình cứ học theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, nhiều người dân chưa hiểu mình phải giải thích, vận động để họ hiểu. Khi người dân hiểu, cùng chung sức thì mọi chương trình, kế hoạch đều được thực hiện. Sau nhiều ngày thống nhất, 70 hộ sinh sống trên tuyến đường được lắp điện đã nhất trí đóng góp từ 1 triệu đồng lên gần 1,5 triệu đồng/hộ. Số tiền khá lớn với người dân nông thôn. Bởi vậy khi vận động, ngoài việc làm đúng, minh bạch thì cán bộ phải mềm mỏng, ân cần để người dân đồng thuận. Nhà nước lắp điện đến đâu, người dân sinh sống tại đó bố trí ngày công tham gia đào hố, đổ đế chôn cột điện đến đó. Khi thợ điện kéo điện, thôn phân công các hộ tập trung hỗ trợ lắp điện. Đến nay các tuyến đường trong thôn đã sáng ánh đèn.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lưỡng Vượng Trần Đăng Quang cho biết, công trình chiếu sáng đường quê đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, mang ánh sáng văn minh đến với đồng bào Cao Lan. Công trình không những làm đẹp đường làng, ngõ xóm tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân mà còn góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông. Đây cũng là minh chứng cho việc phát huy sức mạnh Nhà nước và Nhân dân cùng làm góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao ngày càng giàu đẹp, văn minh. Giờ đây bà con không còn phải soi đèn pin mỗi khi có việc qua nhà hàng xóm lúc trời tối, cũng không phải thấp thỏm lo âu vì mất gà, trộm chó như trước nữa. Ánh sáng của sự đồng thuận đã đem lại sự tiện lợi cho sinh hoạt của người dân và góp phần kết nối, thắt chặt mối quan hệ tình làng nghĩa xóm. Đây là tiền để để Lưỡng Vượng hoàn thành tiêu chí nông thôn mới nâng cao và đạt xã nông thôn mới nâng cao.
Gửi phản hồi
In bài viết