Góp nhặt kinh nghiệm
Là người quê Vĩnh Bảo (Hải Phòng) nhưng lớn lên trên mảnh đất Tân Trào, từ nhỏ, chị Đào đã theo cha mẹ lên nương chè, chăm sóc và thu hái từng búp chè. Chị nhận thấy Vĩnh Tân là mảnh đất hội tụ đủ các điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển cây chè. Tuy nhiên, cây chè vẫn chưa thực sự phát huy hết giá trị kinh tế và mang lại thu nhập cao cho người dân nơi đây trong khi trên thị trường có rất nhiều loại loại chè. Làm sao để người dùng có thể được tiếp cận với loại chè ngon và đảm bảo là trăn trở của chị. Chị Đào đã tiên phong trồng chè lai theo hướng hữu cơ với diện tích 1 ha. Chị bảo, để có được sản phẩm chè hữu cơ được chứng nhận trong tương lai thì trước hết phải góp nhặt kinh nghiệm, chuyển đổi từng bước, bởi đó là con đường không hề dễ dàng. Chị vừa làm vừa đi học hỏi ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, học qua mạng về kiến thức làm chè. Sau đó, chị vận động thêm 6 hộ gia đình trong thôn chuyển đổi từ trồng chè lai thông thường sang trồng chè theo hướng hữu cơ với diện tích 6 ha.
Để tạo sự kết nối, chia sẻ giữa các hộ gia đình trong sản xuất chè, chị Đào đã đứng lên thành lập Hợp tác xã nhằm liên kết giữa các thành viên trong hợp tác xã với các hộ trồng chè của toàn xã để làm vùng nguyên liệu sản xuất chè theo hướng hữu cơ.
Chị Đào đang thực hiện công đoạn tách lấy gạo sen để sản xuất chè sen.
Hiện nay, ngoài 7 ha chè chuyển đổi theo hướng trồng chè hữu cơ của 7 thành viên, các thành viên trong hợp tác xã còn liên kết với các hộ gia đình để hình thành vùng chè diện tích 30 ha trồng chè theo hướng VietGAP. Từ khi hợp tác xã được thành lập, chị Đào thường xuyên là người kết nối để các hộ thành viên được giao lưu, chia sẻ và học tập kinh nghiệm sản xuất chè của nhau. Sản lượng, chất lượng và giá trị kinh tế từ chè thu được của các thành viên hợp tác xã được nâng lên so với trước đây.
Bình quân mỗi năm, một hộ thành viên bán ra thị trường 1 tấn chè khô thành phẩm, thu về trên 100 triệu đồng/năm. Chị Đào chia sẻ: “Quá trình mình làm chè theo hướng hữu cơ cũng là một bước đệm để mình tiến tới làm sản phẩm chè sen, tạo ra sản phẩm chè đặc biệt nhất, riêng có phục vụ du khách khi đến với Tân Trào. Muốn làm được sản phẩm chè sen, một trong hai nguyên liệu quan trọng nhất đó phải là những búp chè tinh túy nhất”.
Hiện thực ước mơ chè sen
Năm 2021 là năm đầu tiên chị Đào thử nghiệm sản xuất sản phẩm chè sen thành công. Trong một chuyến thăm mô hình sản xuất của gia đình chị, đại diện Văn phòng Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA đã hỗ trợ gia đình chị máy sấy chè, máy hút chân không để sản xuất chè sen. Nếu như làm chè thông thường có thể cho ra sản lượng chè lớn nhưng với làm chè sen vừa cần vốn lớn lại không thể sản xuất đại trà. Chị Đào cho biết, để làm được 1kg chè sen, người sản xuất phải dùng đến hàng ngàn bông sen. Bởi vậy, giá của 1kg chè sen thành phẩm tương đối cao, vì còn phụ thuộc vào giá sen, giá chè.
Sản phẩm chè sen của chị Đào.
Quy trình làm chè sen cũng rất công phu. Vào mùa sen, bắt đầu từ tháng 6, chị Đào đã phải đi khắp các đầm sen xung quanh xã Tân Trào và các xã lân cận như Minh Thanh, Bình Yên, Trung Yên để thu mua sen. Sen phải được thu mua trước 6 giờ sáng mới cho được hương thơm nhất. Sau đó, chị Đào lựa chọn những bông sen đủ tiêu chuẩn, mới chúm chím nở, tách lấy gạo sen - phần được cho là tinh túy nhất của bông sen mang đi sao khô và ủ với chè. Một quy trình hoàn thiện cho ra sản phầm chè sen diễn ra trong 21 ngày. Trong đó có những bí quyết rất đặc biệt mà người làm chè sen phải tuân thủ như sau khi lấy sen về, người làm chè phải vệ sinh thân thể sạch sẽ mới được bắt tay vào làm chè sen. Do quy trình để làm ra sản phẩm chè sen rất công phu và đầu tư lớn nên giá chè sen có thể lên tới vài triệu/kg. Với mức giá này không phải ai cũng mua được nên chị Đào đã chọn cách đóng gói chè sen theo từng lạng và sản xuất chè sen theo nhu cầu tỷ lệ sen mà khách yêu cầu. “Xưa kia, nhiều người vẫn cho rằng, chè sen chỉ dành cho những người có kinh tế khá giả mới được dùng nhưng với mình, chè sen dành cho những ai biết thưởng trà. Bởi vậy, sản phẩm chè sen do mình sản xuất ra kể cả những người có thu nhập trung bình vẫn có thể mua được, chỉ cần biết thưởng thức trà” - Chị Đào nói.
Năm 2021 là năm đầu tiên chị thử nghiệm để sản xuất nên số lượng làm ra không nhiều, chỉ dùng để chào hàng, giới thiệu và quảng bá sản phẩm. Chị Đào cho biết, không phải loại sen nào cũng có thể làm được chè sen mà phải là loại sen Bách Diệp, có 100 cánh, gạo sen to và có hương thơm đặc trưng nhất. Bởi vậy, năm 2021, chị Đào đã lặn lội về tận Hồ Tây (Hà Nội) tìm mua giống sen Bách Diệp. Chị nhận thầu 1 sào ruộng của nhân dân để trồng sen Bách Diệp. Chị Đào cho biết, sắp tới, chị tiếp tục thầu thêm 2 sào ruộng của dân để nhân rộng giống sen Bách Diệp. Tuy mới bước vào vụ sen nhưng nhiều người có sen đã cung cấp sen đến tận nhà cho chị Đào. Sản lượng chè sen thành phẩm nhiều hay ít phụ thuộc rất lớn vào số lượng sen.
Xưởng sản xuất chè sen của chị Đào.
Đồng chí Hà Hữu Tiệp, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trào cho biết, mô hình làm chè sen của gia đình chị Đào cùng với những điểm check-in hồ sen đang là một trong những điểm nhấn trong phát triển du lịch trải nghiệm của xã. Xã cũng đang tạo mọi điều kiện và hướng dẫn để sản phẩm chè sen của chị Đào trở thành sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao trong thời gian tới.
Nhấp ngụm chè sen do chính chị Đào pha giữa cái nắng nóng chớm hạ cảm thấy như đã được thưởng trọn sự tinh túy của đất trời. Hương sen lưu luyến mãi không thôi. Mong rằng với những ý tưởng và bước đi mạnh dạn, chị Đào sẽ mang sản phẩm chè Vĩnh Tân đi xa hơn...
Gửi phản hồi
In bài viết