Chị Mã Thị Mai, thôn Lè, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) đang dạy chị em phụ nữ dân tộc Mông may trang phục truyền thống.
Đam mê nghề may truyền thống
Những ngày đầu tháng 6, chúng tôi có dịp trở về thôn Lè, gặp chị Ma Thị Pềnh đang bên chiếc máy khâu. Âm thanh đều đặn từ chiếc máy khâu làm câu chuyện của chúng tôi với chị lôi cuốn hơn. Bởi chị đang ngồi may những trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông mình. Chị Pềnh năm nay đã 35 tuổi, nhưng chị biết may khi mới 15 tuổi. Dừng máy khâu, chị mở đầu câu chuyện: “Cái nhà báo ơi, tao tự học nghề may đấy, phụ nữ Mông ở đây ai biết nhiều dạy người chưa biết”.
Trước đây chị thường tranh thủ những hôm có phiên chợ Hùng Lợi là ra xem người ta cắt may, rồi về lấy những cái áo cũ hoặc xin những miếng vải vụn ngoài hiệu may về cắt, may thành những chiếc áo, váy Mông cho búp bê mặc. Phải mất hơn một năm mày mò, vừa làm vừa học mọi người thiết kế, dần dần yêu những bộ trang phục của đồng bào dân tộc Mông mình lúc nào không biết. Chị cũng rất khéo tay và sáng tạo những bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc theo cách riêng của mình, vừa đảm bảo tính truyền thống lại phù hợp với xu thế thời đại.
Ngắm những bộ trang phục kỳ công và tỷ mỷ đến từng chi tiết mới biết để làm ra được một bộ trang phục này, nhanh thì mất 3 ngày còn mới làm phải hàng tuần mới xong. Chị Pềnh bảo, hoa văn họa tiết trên chiếc áo của phụ nữ Mông là quan trọng nhất, nó tạo nên nét riêng biệt của trang phục truyền thống Mông, đòi hỏi người thợ phải có trí tưởng tượng thật phong phú và sáng tạo. Mỗi chiếc áo, hay chiếc váy Mông gửi gắm thông điệp về cuộc sống thường ngày.
Những bộ trang phục dân tộc Mông được người phụ nữ Mông thôn Lè, xã Hùng Lợi (Yên Sơn)
bán tại các cửa hàng quần áo địa phương.
Những bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Mông giờ đây không chỉ riêng thổ cẩm mà còn rất nhiều các loại vải hoa văn kết hợp tạo nên hình dáng sắc màu sặc sỡ, bắt mắt hơn ngày xưa rất nhiều. Trang phục còn phù hợp với từng độ tuổi, tính cách của mỗi người thông qua phối màu, kết hợp với các mẫu thêu do người làm tự nghĩ ra. Thường từ tháng 7 trở đi, chị Pềnh sẽ có nhiều người đến may hơn, trung bình mỗi năm chị nhận được từ 50 - 80 bộ trang phục dân tộc Mông.
Chị Mã Thị Mai là một trong những thợ may giỏi của thôn được nhiều người biết đến. Quê chị ở Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Về thôn Lè làm dâu được gần 6 năm, chị cũng là người tự mày mò học và làm nghề may được gần 2 năm. Chị chia sẻ, ngày chưa lấy chồng còn ở nhà với bố mẹ cũng rất thích thêu thùa. Chị được mẹ dạy thêu những hoa văn, họa tiết đơn giản nhất, sau đó tự mày mò rồi học may.
Chị Mai chia sẻ, trang phục người Mông trước đây được làm bằng vải lanh, nhưng nay nghề trồng lanh dệt vải đã bị mai một, vì thế, các chị dùng vải dệt công nghiệp để tạo hoa văn, họa tiết, thêu trang trí nhưng vẫn giữ gìn đường nét truyền thống. Chị sẽ luôn gắn bó với nghề và truyền lại cho các bạn trẻ nơi đây.
Giữ nét văn hóa đặc sắc
Về thôn Lè, hình ảnh những cô gái Mông bên chiếc máy khâu luôn hiện ra trước mắt chúng tôi. Đôi bàn tay khéo léo của chị em phụ nữ miệt mài, cắt may trang phục cho thấy ngọn lửa đam mê gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc luôn cháy trong họ.
Thôn Lè có 157 hộ với 720 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm gần 60%. Hiện thôn có 5 - 10 phụ nữ là đồng bào dân tộc Mông đang lưu giữ nghề may trang phục truyền thống. Chị Lý Thị Xoan đang miệt mài dạy may cho cô con gái Đào Thị Thơ 12 tuổi. Chị Xoan chia sẻ, là con gái Mông phải biết thêu thùa, may vá. Con gái chị cũng đã lớn, lại thích học may nên hàng ngày chị đều dành thời gian truyền dạy cho con. Ngay từ khâu lựa chọn vải, thiết kế mẫu, kiểu dáng luôn được chị dồn tâm huyết để dạy cho con gái. Đào Thị Thơ phấn khởi nói, em cố gắng học may để cắt cho mình những bộ váy mặc trong lễ hội. Em thấy trang phục đồng bào dân tộc mình rất đẹp, em rất thích và cố gắng học may thật giỏi hơn nữa để sau này còn lưu truyền lại không bị mai một nét văn hóa của dân tộc mình.
Các bạn trẻ thôn Lè, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) lựa chọn trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Những năm gần đây, đồng bào dân tộc Mông nơi đây đã biết may những bộ trang phục dân tộc mình mang ra bán tại các phiên chợ trong xã, huyện. Nhờ vậy mà mặt hàng này cũng đã trở thành hàng hóa và được nhiều người ưa chuộng. Là người chuyên may các mặt hàng trang phục đồng bào dân tộc Mông mang ra các phiên chợ bán, chị Lý Thị Xi nói: “Mỗi bộ trang phục của đồng bào chúng tôi cũng khá đắt tiền, có mức dao động từ 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng. Vì vậy, từ nghề may trang phục truyền thống đã tạo được nguồn thu nhập ổn định cho gia đình”. Trung bình mỗi hộ làm may như nhà chị Xi sẽ có mức thu nhập khoảng 20 - 25 triệu đồng/năm. Vì vậy, ngoài những trang phục được đặt may, mỗi khi có phiên chợ, chị lại mang ra bán, vừa phục vụ nhu cầu của người dân lại quảng bá tới khách du lịch về nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào mình.
Chị Lương Thị Mừng, Chủ tịch Hội LHPN xã Hùng Lợi cho biết, nghề may trang phục của phụ nữ Mông được Hội LHPN xã tích cực tuyên truyền để đồng bào nâng cao ý thức, duy trì, bảo tồn nghề truyền thống với những nét văn hóa của dân tộc mình. Hội LHPN xã cũng thành lập các nhóm phụ nữ có cùng sở thích may để truyền nghề cho thế hệ trẻ; phấn đấu đưa nghề may trang phục đồng bào dân tộc Mông trở thành sản phẩm du lịch của địa phương gắn với việc bảo tồn các nét đẹp văn hóa của đồng bào, từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nơi đây.
Rời thôn Lè, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) hình ảnh người phụ nữ Mông miệt mài ngồi bên chiếc máy khâu tạo ra những bộ trang phục truyền thống của đồng bào mình sặc sỡ sắc màu cứ hiện mãi trong tâm trí chúng tôi. Họ đã và đang hàng ngày góp phần gìn giữ, lưu truyền lại những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, để thế hệ trẻ người Mông luôn biết đến và tiếp nối dòng chảy truyền thống quý báu của dân tộc.
Gửi phản hồi
In bài viết