Em Dương Thu Hà, lớp 3A, Trường Tiểu học Văn Phú (Sơn Dương) trả lại hơn 16 triệu đồng cho người đánh rơi.
Lan tỏa những câu chuyện đẹp
Trên địa bàn tỉnh, không ít những câu chuyện cảm động về sự sẻ chia, sẵn sàng chung tay vì cộng đồng. Như đợt mưa lũ vừa qua, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh bị sạt lở, ngập úng gây thiệt hại về người và của cho người dân. Trong dịp ấy, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đã về các địa phương để cùng bà con khắc phục hậu quả mưa lũ.
Sự hỗ trợ kịp thời, đúng lúc đã giúp người dân vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Ông Sầm Văn Chức ở thôn Xóm Nội, xã Đồng Quý (Sơn Dương) cho biết, trong đợt mưa lũ vừa qua, ngôi nhà của gia đình ông bị đất đá từ trên núi sạt lở làm hư hỏng, nhiều đồ dùng sinh hoạt bị vùi lấp. Ngay sau khi xảy ra thiệt hại, gia đình ông được đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đến thăm và tặng quà, chính quyền địa phương và bà con nhân dân trong thôn cùng chung tay giúp đỡ dọn dẹp lại nhà cửa, khắc phục hậu quả sau mưa lũ, cuộc sống đã trở lại bình thường. Ông cảm thấy thật hạnh phúc vì chính quyền luôn quan tâm, hỗ trợ kịp thời nhất đối với những gia đình không may mắn, có hoàn cảnh khó khăn.
Ở các trường học trên địa bàn tỉnh có biết bao câu chuyện thấm đẫm nghĩa tình. Cô giáo Lê Thị Việt, Trường Tiểu học An Khang (TP Tuyên Quang) trích tiền lương đều đặn mỗi năm học dành tặng hơn 30 suất quà cho học sinh khó khăn của nhà trường. Thầy giáo Đặng Đàm Trọng, Trường Tiểu học Yên Lâm I, xã Yên Lâm (Hàm Yên) huy động các nhà hảo tâm, đứng ra xây cầu dân sinh để học sinh qua suối đi học an toàn. Cô giáo Ma Thị Chà, Trường Mầm non Yên Thuận (Hàm Yên) mang gạo, thức ăn của nhà nuôi trẻ vùng cao ở điểm trường khó khăn… Tất cả đều toát lên tình yêu thương học trò vô bờ bến.
Học sinh Trường Tiểu học Phan Thiết (TP Tuyên Quang) ủng hộ nhu yếu phẩm, đồ dùng học tập cho học sinh
huyện Lâm Bình trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư.
Cô giáo Ma Thị Chà chia sẻ, nhìn trẻ em vùng cao còn thiếu ăn, thiếu mặc cô thương lắm. Dù hoàn cảnh gia đình cô cũng chẳng khá giả gì nhưng cô muốn bù đắp cho các em thật nhiều nên giúp các em được đến đâu cô làm hết sức, bởi các em cũng giống như các con, em mình vậy.
Còn nhớ dạo cả nước đang oằn mình chống “giặc” Covid-19 thì đã xuất hiện những cá nhân, nhà hảo tâm, doanh nghiệp… tích cực tham gia ủng hộ công tác phòng chống dịch bằng cả vật chất và tấm lòng yêu thương, trân trọng. Giữa lằn ranh sinh tử, những y, bác sỹ, lực lượng tuyến đầu hy sinh thầm lặng để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Có những học trò nhịn tiền ăn sáng để ủng hộ các bạn vùng cách ly, có những y bác sỹ dù đã về hưu nhưng vẫn xung phong xông vào điểm nóng dập dịch… Tất cả đã toát lên vẻ đẹp “Thương người như thể thương thân”, “bát cơm sẻ nửa” khi gặp khó khăn, hoạn nạn của dân tộc ta.
Em Hướng Xuân Minh, học sinh lớp 5C3, Trường Tiểu học Phan Thiết (TP Tuyên Quang) đã dành dụm tiền ăn sáng để ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19. Minh bày tỏ, xem trên ti vi cháu bắt gặp hình ảnh những y, bác sỹ không được ngủ, người hốc hác vì phải chống dịch dài ngày, vì thế cháu mong muốn làm được việc có ích để góp phần cùng mọi người phòng, chống dịch, bảo vệ bình yên cuộc sống.
Hiện nay, dịch bệnh đã được kiểm soát, cuộc sống đã trở lại bình thường, song những câu chuyện cảm động ấy vẫn được mọi người nhắc đến, trở thành ký ức khó quên trong mỗi chúng ta. Đó chính là những việc tốt, nghĩa tình giữa đời thường.
Đoàn viên, thanh niên huyện Lâm Bình tham gia vận chuyển đất đá, rửa nền tại Trường THPT Lâm Bình sau mưa lũ.
Giáo dục lý tưởng, đạo đức cho thế hệ trẻ
Thế hệ trẻ ngày nay là tương lai của quê hương, đất nước, chính vì thế công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, giáo dục đạo đức là rất quan trọng góp phần hình thành nên nhân cách, giúp học sinh phát triển toàn diện hơn.
Mới đây nhất, em Dương Thu Hà, lớp 3A, trường Tiểu học Văn Phú (Sơn Dương) trên đường về nhà đã nhặt được hơn 16 triệu đồng. Ngay sau đó em đã tìm cách để trả lại cho người đánh mất. Hẳn phải được giáo dục trong môi trường đầy đủ mà cả gia đình, thầy cô dạy dỗ, truyền đạt cho em những điều hay lẽ phải thì em mới làm được việc tốt như vậy. Em tâm sự, khi nhặt được tiền em chỉ có một suy nghĩ duy nhất là làm thế nào để trả lại cho người đánh rơi. Ở nhà, ở trường em đều được bố mẹ, thầy cô dạy bảo rằng, trong cuộc sống hễ gặp người khó khăn thì phải giúp đỡ, “nhặt được của rơi thì phải trả lại người đánh mất”. Và em đã làm theo.
Những việc tốt, lối sống đẹp giống như “những hạt giống” sẽ nảy mầm, góp phần tạo dựng nên một xã hội nhân văn. Vào dịp lễ, Tết, kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sỹ 27-7 hàng năm cộng đồng xã hội bằng những việc làm cụ thể chăm lo gia đình chính sách có cuộc sống ngày càng tốt hơn. Mẹ Việt Nam Anh hùng Lâm Thị Giã ở xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) xúc động nói, mẹ có 3 người con trai đi bộ đội thì hai người con đã anh dũng hy sinh, mẹ sống với người con út. Gia đình mẹ được Nhà nước hỗ trợ sửa chữa nhà, mẹ còn được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công ty Điện lực Tuyên Quang nhận phụng dưỡng, trợ cấp hàng tháng cho mẹ. Các thanh niên trong xã cũng thường xuyên tới nhà giúp mẹ chăm sóc vườn rau, dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa. Những sự quan tâm thường xuyên của các cấp, các ngành đã giúp mẹ vơi bớt nỗi đau, sống thanh thản những tháng năm cuối của cuộc đời.
Nhân lên những việc nghĩa tình để cái đẹp “dẹp” cái xấu, đó cũng là điều mà mỗi chúng ta hướng đến, góp phần làm cho cuộc sống này mỗi ngày tốt đẹp hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết