Sự trở về thuận tự nhiên
Những năm gần đây, du lịch cộng đồng được ví như chiếc “chìa khóa vàng” góp phần gìn giữ quảng bá văn hóa bản địa. Toàn tỉnh hiện có trên 70 hộ gia đình phát triển dịch vụ homestay tập trung ở các huyện Lâm Bình, Sơn Dương, Na Hang, Yên Sơn, Chiêm Hóa... Đa số tại các điểm du lịch cộng đồng đều có các đội văn nghệ homestay sẵn sàng biểu diễn khi du khách muốn thưởng thức và trải nghiệm. Ở Lâm Bình đã có sự khác biệt với “đặc sản” hiếm có đó là những tiết mục đến từ các “nghệ sỹ nhí”. Những cô bé người Tày, người Dao thường ngày có lúc e ấp, nhút nhát thế nhưng khi bước lên sân khấu, trong trang phục truyền thống các em thực sự tự tin, mạnh dạn. Những tiết mục đậm đà bản sắc Tày, Dao, Mông, Pà Thẻn... được thể hiện một cách chân thực, hồn nhiên và đáng yêu!
Em Ma Thị Hồng Chiêm, 11 tuổi, ở thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà là một “cây văn nghệ nhí” tài năng. Hồng Chiêm được đánh giá là có năng khiếu âm nhạc. Từ năm 6 tuổi bắt đầu học hát Then thì đến 7 tuổi, cô bé đã thành thạo đàn hát nhiều bài Then cổ. Trong đó nhiều làn điệu như: Tàng bốc - Pây Cảnh, tặng tính, tàng nặm. Mỗi làn điệu được Chiêm khéo léo kết hợp với đàn Tính mang lại những cách thể hiện riêng, lúc nhanh, lúc chậm, khi thì khoan thai, sâu lắng, khi thì ngân nga, da diết.
Hồng Chiêm chia sẻ, ngay từ khi còn nhỏ mỗi lần nghe tiếng đàn Tính là người cứ rạo rực. Có điều gì đó cứ thôi thúc phải cầm đàn và cất vang giọng hát. Thế là mẹ của Chiêm đã đi tìm người dạy đàn cho em. Chiêm say mê học, bất kể cứ khi nào rảnh là em tự tập, tự hát. Vì yêu thích nên khi thành thạo nhiều bài hát, Chiêm lại càng say mê tập luyện, tìm hiểu nhiều làn điệu hơn nữa.
Chiêm hiện là một trong những cây văn nghệ chính của Đội Văn nghệ homestay xã Khuôn Hà. Không những thế cô nàng còn được tham gia biểu diễn nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ trên địa bàn huyện, phục vụ du khách gần xa.
“Nghệ sỹ nhí” ở Đội văn nghệ xã Lăng Can (Lâm Bình).
Cũng như Hồng Chiêm, hiện nay có rất nhiều bạn nhỏ người Tày ở Lâm Bình yêu thích hát Then, trở thành “nghệ sỹ nhí” của bản làng. Ông Hoàng Văn Tân, thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà là người am hiểu văn hóa Tày. Ông chia sẻ, trước đây, nhiều người nghĩ rằng hát Then là dành cho người già, rồi những quan niệm sai lầm như hát Then là lạc hậu, không tân tiến với thời đại. Do đó, có một thời gian dài nhiều con em người Tày lớn lên mà cái tay không còn biết đánh đàn Tính, miệng không còn biết hát Then. Nỗi lo mai một văn hóa khi tìm mỏi mắt khắp cả bản chỉ có vài người cao tuổi biết làn điệu “ới la”. Vậy mà những năm gần đây, tiếng đàn Tính rộn rã khắp bản. Đó là thanh âm điêu luyện, thành thục trẻ trung, nhí nhảnh, hồn nhiên, Then Tày nơi đây như được hồi sinh.
Một thực tế đáng mừng, khi cuộc sống ngày càng thay đổi, kéo theo nhu cầu giải trí, công nghệ thông tin phát triển thì ở Lâm Bình nhiều người trẻ chủ động tìm cách để về với giá trị truyền thống. Trong đó nhiều người đến với văn hóa dân tộc như hát Then, đàn Tính, hát Páo dung, múa dân tộc... Anh Hoàng Văn Huyên là một nghệ nhân hát Then trẻ ở xã Lăng Can. Anh khẳng định, đó là sự trở về nguồn cội một cách thuận tự nhiên, bởi dường như trong mỗi thế hệ người Tày nơi đây, dòng chảy văn hóa bao đời của cha ông chưa bao giờ vơi cạn.
Em Bế Hoàng Linh, học sinh lớp 10, Trường THCS -THPT Thượng Lâm chia sẻ: “Chúng em được học tiếng nước ngoài, nghe nhạc Pop, Hiphop, Jazz trực tuyến… thế nhưng học Then, yêu Then mới hiểu rằng Then không bao giờ lạc hậu hay lỗi mốt. Then chứa đựng những lời ca ý nhị, sâu xa, răn dạy nhiều điều hay lẽ phải mà con người phải luôn ghi nhớ. Bản thân em cảm nhận được sự thay đổi rất lớn từ bản thân. Từ một cô bé nóng nảy, em dần điềm tĩnh hơn, biết lắng nghe cảm nhận cuộc sống hơn. Hiện nay, Linh cũng đã hát, múa được khoảng chục bài, trong đó có các điệu múa dân tộc, như múa nón, múa bát, múa mẹt, múa Pà Thẻn...
Giấc mơ bay xa...
“Gái út” Hoàng Bảo Trân năm nay 7 tuổi thế nhưng em là thành viên nhỏ tuổi nhất và không thể thiếu của Đội Văn nghệ Homestay xã Lăng Can. Ngay từ lúc lên 4 tuổi, chị Nông Thị Hà đã tự tay may trang phục cho con gái rồi dắt con đến các lớp học hát Then trong thôn, bản để nghe. Chị Hà bảo, làm thế để mỗi lời ca, tiếng nhạc ngấm dần trong con một cách tự nhiên nhất. Và rồi 1 năm sau đó, Bảo Trân đã cầm đàn bắt nhịp hát theo các anh, các chị một cách thích thú, say mê. Trân trở thành “cây văn nghệ” ấn tượng bởi vẻ ngoài nhỏ xinh, giọng ca ngộ nghĩnh, đáng yêu.
Cũng như Trân, nhiều cô bé, cậu bé ở nơi đây, ngay từ khi còn nhỏ đã được đắm trong văn hóa đồng bào mình. Người già, người trẻ khuyến khích động viên nhau gìn giữ cội nguồn, hồn cốt. Trên địa bàn Lâm Bình có 7 đội văn nghệ của các xã Thượng Lâm, Khuôn Hà, Lăng Can, Phúc Yên, Hồng Quang, Thổ Bình và 2 Câu lạc bộ Thượng Hà, Hoa Mộc Miên. Đây chính là “cái nôi” để chắp cánh cho các “nghệ sỹ nhí” thể hiện tài năng.
Các "nghệ sỹ nhí" ở Lâm Bình biểu diễn hát Then, đàn Tính phục vụ du khách.
Chị Lý Thị Ngoan là một trong những nghệ nhân trẻ của huyện Lâm Bình. Nhiều năm liền, chị tổ chức các lớp học hát Then, đàn Tính miễn phí. Thành quả là những lứa học trò của cô giáo Ngoan lần lượt “ra lò”, nhiều cô bé, cậu bé trở thành hạt nhân của các đội văn nghệ biểu diễn tại các homestay. Chị chia sẻ, nhiều em nhỏ có niềm đam mê thực sự với văn hóa đồng bào mình. Đó chính là động lực cho những người làm văn hóa, văn nghệ nỗ lực, cống hiến hết mình.
Cô giáo Vũ Thị Ngọc Tuyết, Tổng Phụ trách Đội Trường Tiểu học Khuôn Hà là Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Then đàn Tính Thượng Hà. Chị chia sẻ, tình yêu văn hóa dân tộc ngày một “lan tỏa”, ban đầu câu lạc bộ có 12 thành viên, đến nay đã có gần 40 em. Câu lạc bộ không chỉ biểu diễn trên địa bàn huyện Lâm Bình mà còn biểu diễn tại TP Tuyên Quang và tại khu vực phố đi bộ Lý Thái Tổ (Hà Nội). Cô trò đã mang tiếng đàn, tiếng hát đi thi ở nhiều liên hoan, hội diễn. Thành tích cao nhất là giành giải xuất sắc toàn đoàn tại Liên hoan hát Then đàn Tính tỉnh Tuyên Quang năm 2020 với hai bài hát Then “Cùng bướm lượn tháng Ba” và “Đường về Lâm Bình”.
Em Trúc Thị Anh Thư, là học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Khuôn Hà cho biết: “Em được tập luyện cùng với nhiều bạn ở lớp và ở bản làng mình. Chúng em dần tự tin, mạnh dạn hơn. Được biểu diễn và được mọi người cổ vũ chúng em càng tự hào văn hóa dân tộc mình và có ý thức gìn giữ, học thêm những làn điệu Then cổ để lưu truyền cho mai sau”.
Chị Võ Như Ngọc là một hướng dẫn viên tại Công ty ở Hà Nội. Chị chia sẻ, chị thường xuyên dẫn khách đến với Lâm Bình. Nhiều du khách không khỏi ngạc nhiên khi thấy đội “nghệ sĩ nhí” mặc trang phục dân tộc rồi biểu diễn một cách tự nhiên, lôi cuốn. Những bạn nhỏ tự tin thể hiện các tiết mục đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình sẽ là điểm nhấn, cầu nối đặc biệt đối với du khách.
Điều đặc biệt ở các đội văn nghệ, câu lạc bộ bên cạnh người hướng dẫn tập luyện, quản lý, “nhận sô diễn” thì có sự đồng hành rất nhiệt tình của các phụ huynh. Họ đều là những người bố, người mẹ lam lũ ruộng đồng, nương rẫy thế nhưng luôn hết mình ủng hộ các con. Chị Ma Thị Nhung, xã Phúc Yên chia sẻ: “Ở thôn bản mình mọi người đều yêu thích văn hóa, văn nghệ. Thế nên mấy chị em trong thôn bản đều động viên các con tham gia các câu lạc bộ, vừa giúp rèn luyện được sự tự tin vừa giữ gìn văn hóa dân tộc. Cứ có buổi học nào hay cuộc thi nào mình đều gác lại việc đồng áng để chuẩn bị cho con trang phục đẹp, sắp xếp chở con đến tận nơi, ngồi xem con mình biểu diễn”.
Đến với Lâm Bình, du khách không chỉ được ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ mà còn được trải nghiệm homestay. Trong những căn nhà sàn ấm áp, thân thiện đó, du khách sẽ vô cùng thích thú với những tiết mục văn nghệ đậm đà bản sắc văn hóa Tày, Dao, Mông, Pà Thẻn. Các “nghệ sỹ nhí” ở nơi đây tựa như bông hoa núi níu chân du khách gần xa thêm nhiều lần trở lại mảnh đất “99 ngọn núi điệp trùng”.
Gửi phản hồi
In bài viết