Một tiết mục tại Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc - 2020.
Cuộc thi do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cùng các đơn vị liên quan tổ chức.
Đây là sân chơi nghệ thuật nhằm tôn vinh, quảng bá các giá trị của âm nhạc dân gian Việt Nam, từ đó góp phần thiết thực vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị âm nhạc dân tộc.
Cuộc thi mang đến cơ hội để các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại các đơn vị nghệ thuật, các giảng viên, học sinh, sinh viên đang giảng dạy, học tập chuyên ngành nhạc cụ dân tộc tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật được thể hiện tài năng, đồng thời được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn.
Cuộc thi cũng là dịp để các đơn vị nghệ thuật rút ra kinh nghiệm, bài học trong công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển tài năng, từ đó tìm được những phương thức hoạt động phù hợp góp phần thúc đẩy các loại hình âm nhạc truyền thống phát triển trong thời kỳ mới.
Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm nay thu hút sự tham gia của gần 1000 nghệ sĩ đến từ 38 đơn vị nghệ thuật trên cả nước. Theo đó, đơn vị đăng ký tham dự ở cả hai loại hình hòa tấu và độc tấu có thể kết cấu thành một chương trình có thời lượng từ 20 đến 35 phút.
Nội dung Cuộc thi chia thành 4 Bảng:
Bảng 1 “Độc tấu” và Bảng 2 “Hòa tấu” dành cho các đơn vị kịch hát dân tộc (gồm: dàn nhạc, nhóm nhạc và thí sinh độc tấu đang hoạt động ở các đơn vị kịch hát dân tộc như: tuồng, chèo, cải lương, đờn ca tài tử, dân ca kịch...)
Bảng 3 “Độc tấu” và Bảng 4 “Hòa tấu” dành cho các đơn vị ca, múa, nhạc; cơ sở đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp (gồm: dàn nhạc, nhóm nhạc hòa tấu và thí sinh độc tấu nhạc cụ dân tộc đang hoạt động ở các đơn vị ca, múa, nhạc; cơ sở đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp).
Hội đồng Giám khảo của cuộc thi là các nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, quản lý nghệ thuật có uy tín, tài năng, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là chuyên ngành biểu diễn nhạc cụ dân tộc.
Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi gồm: Giải Nhất, Giải Nhì, Giải Ba trao cho tiết mục có chất lượng nội dung và nghệ thuật cao gắn với tên đơn vị, cá nhân nghệ sĩ, nhóm nghệ sĩ biểu diễn đạt những tiêu chí trong quy chế chấm, xét giải. Nghệ sĩ, nhóm nghệ sĩ tham gia nhiều tiết mục trong nhiều chương trình tại Cuộc thi đều đạt khung điểm xét giải thì chỉ được nhận 1 giải thưởng cao nhất.
Ban tổ chức cũng sẽ trao 1 Giải Xuất sắc (nếu có) cho từng thành phần sáng tạo trong các tiết mục, chương trình, gồm: Chỉ huy dàn nhạc; Nhạc sĩ phối khí; Nhạc công chính.
Gửi phản hồi
In bài viết