Trọng tâm của phòng, chống tiêu cực là những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với các hành vi có tính chất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín, thanh danh của Đảng; chống lại Đảng, Nhà nước và chế độ; làm giảm sút niềm tin của nhân dân. Đối tượng của phòng, chống tiêu cực là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhưng trước hết vẫn là “khoanh vùng” trong cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Cái khó trong phòng, chống tiêu cực là ở chỗ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống rất khó định lượng như tham nhũng.
Suy thoái là mầm bệnh của chủ nghĩa cá nhân, mẹ đẻ của mọi thứ bệnh tiêu cực; chính vì suy thoái, đánh mất phẩm chất, đạo đức của người cán bộ, chỉ lo vơ vét cá nhân mà dẫn đến tham nhũng, kể cả tham nhũng chính trị, ham hố quyền lực, kéo bè, kéo cánh. Và cũng vì tham nhũng mà dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, làm hư hỏng cán bộ.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chống được suy thoái còn quan trọng hơn chống được tham nhũng tiền bạc, vì tiền bạc có thể thu hồi lấy lại, còn con người mà mất phẩm chất chính trị, phản bội thì khó. Điều này cho thấy vì sao Đảng ta quan tâm xây dựng Đảng về đạo đức, song song với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ.
Sinh thời, Bác Hồ đã dạy: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, và Người luôn đặt vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức ngay từ khi chuẩn bị thành lập Đảng, cũng như trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định xây dựng Đảng về đạo đức là “nền tảng”, là “cái gốc” cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Chính vì vậy, nhân dân phấn khởi vì Đảng quan tâm đến phòng chống tiêu cực và hy vọng thực tiễn kinh nghiệm công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng thời gian qua sẽ tiếp sức cho phòng, chống tiêu cực, gắn chặt 2 nội dung để tham nhũng, tiêu cực bị đẩy lùi.
Gửi phản hồi
In bài viết