Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Trong khi đó, giá bạch kim nối dài đà giảm sang phiên thứ ba liên tiếp, đóng cửa tại mức 874,2 USD/ounce, sau khi giảm 0,61%. Giá vàng duy trì đà giảm sang phiên thứ 8 liên tiếp khi giảm 0,1% xuống 1.821 USD/tấn.
Giá bạc và bạch kim đã có ngày giao dịch đầy biến động. Giá giảm mạnh trong phiên sáng, chủ yếu do chịu áp lực bởi đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao. Lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất lâu hơn đã thúc đẩy nhà đầu tư phân bổ dòng tiền sang các kênh đầu tư trú ẩn an toàn, như đồng dollar Mỹ với tính thanh khoản cao và trái phiếu chính phủ Mỹ.
Tuy vậy, giá bạc và bạch kim đã có nhịp hồi nhẹ trong phiên tối, sau khi Mỹ công bố dữ liệu việc làm cho thấy thị trường lao động Mỹ hạ nhiệt. Cụ thể, trong tháng 9, khu vực tư nhân của Mỹ đã có thêm 89.000 việc làm ngoài ngành nông nghiệp, thấp hơn nhiều so với mức 153.000 theo dự báo của giới phân tích và là mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021, Báo cáo Việc làm Quốc gia của ADP cho biết vào ngày 4/10.
Thị trường lao động Mỹ hạ nhiệt làm giảm áp lực lạm phát, điều này giúp mở ra hy vọng về một chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn của FED. Theo đó, chỉ số Dollar Index và lợi suất trái phiếu đã suy yếu ngay sau khi dữ liệu của ADP được công bố, đồng thời gián tiếp hỗ trợ cho giá bạc và bạch kim phục hồi. Tuy vậy, mức giảm mạnh trong phiên sáng đã khiến giá bạc và bạch kim chốt phiên trong sắc đỏ.
Với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX tiếp tục duy trì ở vùng giá thấp nhất trong 4 tháng, đóng cửa giảm 0,88%. Đây cũng là phiên giảm thứ 3 liên tiếp của giá đồng, trong khi đó, giá quặng sắt đi xuống hai phiên liên tiếp, đóng cửa tại mức giá 118,05 USD/tấn.
Triển vọng tiêu thụ kém lạc quan tiếp tục khiến giá đồng và giá quặng sắt phải chịu sức ép. Dự kiến giá hai mặt hàng này sẽ tiếp tục phải chịu áp lực bởi nhu cầu trầm lắng, do Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới, sẽ nghỉ lễ cho tới hết ngày 8/10.
Hơn nữa, trên thị trường đồng, các nhà đầu tư tăng cường bán đồng do triển vọng nguồn cung lạc quan. Cụ thể, thị trường đồng tinh chế dự kiến sẽ thặng dư 467.000 tấn vào năm 2024, do nhà máy luyện kim mới hoặc mở rộng tại Indonesia, Ấn Độ và Mỹ giúp hỗ trợ tăng sản lượng, theo báo cáo của Nhóm Nghiên cứu Đồng Quốc tế công bố ngày 4/10.
Gửi phản hồi
In bài viết