Người dân mua thực phẩm tại một cửa hàng ở thủ đô Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Ảnh: Reuters
Chỉ số giá lương thực của FAO đo lường sự thay đổi hằng tháng đối với ngũ cốc, hạt có dầu, sản phẩm sữa, thịt và đường, đạt trung bình 127,1 điểm vào tháng 5, cao hơn so với mức 121,3 điểm trong tháng 4. So với cùng kỳ năm 2020, giá lương thực toàn cầu đã tăng 39,7%.
Cũng trong tháng 5, chỉ số giá ngũ cốc tăng 6% so với tháng 4 và tăng 36,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá ngô dẫn đầu đà tăng và hiện cao hơn 89,9% so với mức đầu năm 2021. Tuy nhiên, FAO thông báo, giá mặt hàng này đã giảm trở lại ở giai đoạn cuối tháng do triển vọng về cải thiện sản xuất tại Mỹ.
Chỉ số giá dầu thực vật đã tăng 7,8% trong tháng 5, chủ yếu do báo giá đối với các mặt hàng dầu cọ, đậu nành và hạt cải dầu tăng. Giá dầu cọ cũng được thúc đẩy do sản xuất tăng trưởng chậm ở khu vực Đông Nam Á, trong khi triển vọng nhu cầu toàn cầu gia tăng, đặc biệt từ lĩnh vực dầu diesel sinh học, đã khiến giá dầu đậu nành tăng.
Chỉ số giá đường trong tháng 5 tăng 6,8% so với tháng 4, phần lớn do sự chậm trễ trong thu hoạch và lo ngại về năng suất cây trồng giảm ở Brazil, vốn là quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới. Trong khi đó, chỉ số giá thịt tăng 2,2% so với tháng trước khi báo giá tất cả các loại thịt tăng do nhu cầu nhập khẩu từ các quốc gia Đông Á.
Giá sữa cũng tăng 1,8% và tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự gia tăng này được dẫn đầu bởi nhu cầu nhập khẩu cao đối với bột tách béo và sữa nguyên chất, trong khi giá bơ giảm lần đầu tiên trong gần 1 năm do xuất khẩu tăng từ New Zealand.
FAO cũng đưa ra dự báo về sản lượng ngũ cốc thế giới kỷ lục trong năm 2021, dự kiến sản lượng đạt gần 2.821 tỷ tấn, tăng 1,9% so với mức năm 2020. Hoạt động tiêu thụ ngũ cốc toàn cầu giai đoạn 2021-2022 được dự báo tăng 1,7%, đạt đỉnh 2.826 tỷ tấn.
Gửi phản hồi
In bài viết