WHO cảnh báo thiếu nguồn cung vắc xin ngừa Covid-19 cho COVAX

Ngày 4-6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo tình trạng thiếu vắc xin ngừa Covid-19 cấp cho Chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu (COVAX) trong tháng 6 và tháng 7 tới có thể làm giảm hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu.

Pháp sẽ mở cửa hoàn toàn biên giới với công dân các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 9-6 tới.

Theo thống kê, tính đến 6h ngày 5-6, trên thế giới có tổng cộng 173.256.047 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có 3.725.714 ca tử vong. 

Châu Âu

Ngày 4-6, Pháp đã công bố kế hoạch mở cửa biên giới, với bản đồ được đánh dấu theo màu. Theo đó, Pháp sẽ mở cửa hoàn toàn biên giới với công dân các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 9-6 tới. Tuy nhiên, những du khách đã được tiêm chủng đến từ Anh và Mỹ, các nước được đánh dấu là "màu da cam", khi nhập cảnh vẫn cần trình kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2. 

Trong kế hoạch trên, bắt đầu từ ngày 9-6, người dân EU không cần phải có lý do thực sự cần thiết để tới Pháp, vốn là một trong những điểm đến thu hút du khách hàng đầu thế giới và chỉ những người chưa được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 mới cần trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính với vi rút SARS-CoV-2. Cũng theo kế hoạch, từ ngày 1-7, Pháp sẽ công nhận chứng nhận kỹ thuật số về Covid-19 của EU, cho phép người dân đi lại trong khối. Pháp cũng sẽ dỡ bỏ lệnh giới nghiêm toàn quốc vào 23h ngày 9-6 và các nhà hàng sẽ được phép phục vụ thực khách trong nhà, cũng như dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế vào ngày 30-6.

Trong tuần qua, số ca mắc mới tại Bỉ tiếp tục giảm khi nước này duy trì các biện pháp hạn chế tiếp xúc, tránh tụ tập đông người, các nhà hàng, quán cà phê, quán bar chỉ được phép phục vụ khách ngoài trời... Hơn nữa, đây cũng là kết quả của chiến dịch tiêm phòng tại Bỉ khi đã có hơn 50% số người trên 18 tuổi được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 mũi đầu tiên.

Ngày 4-6, Anh ghi nhận thêm 6.238 ca mắc Covid-19, mức cao nhất từ cuối tháng 3 vừa qua và tăng mạnh so với mức 5.274 ca ghi nhận trước đó một ngày. 

Cùng ngày, trong phát biểu đưa ra sau Hội nghị Bộ trưởng Y tế Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock khẳng định sẽ ưu tiên tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ em nước này, đồng thời đảm bảo người dân Anh sẽ được bảo vệ và an toàn. 

Châu Á

Số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ công bố ngày 4-6 cho thấy, trong 24 giờ qua, nước này phát hiện thêm 132.364 ca mắc mới, đưa tổng số ca mắc trên cả nước lên 28.574.350 ca. Cùng ngày, truyền thông dẫn kết quả một nghiên cứu của chính phủ nước này chỉ ra rằng, biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện tại Ấn Độ (B.1.617.2), hiện được đặt tên là Delta, đã gây ra làn sóng lây nhiễm thứ hai ở nước này.

Tại một số quốc gia Đông Nam Á, tình hình dịch Covid-19 đang tiếp tục nóng lên. Cụ thể, tại Campuchia, số ca mắc mới tiếp tục xu hướng tăng đáng lo ngại khi Bộ Y tế nước này ngày 4-6 công bố thêm 886 ca trong 24 giờ, trong đó có tới 856 ca lây nhiễm cộng đồng. Đáng chú ý, Bộ Y tế Campuchia đã ra thông báo phát hiện biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 là B.1.617 dựa trên kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Campuchia trên 3 trường hợp từ Thái Lan nhập cảnh Campuchia. 

Tại Malaysia, Thủ tướng Muhyiddin Yassin bày tỏ quan ngại về thực trạng gia tăng số ca tử vong và số ca mắc Covid-19 nghiêm trọng liên quan đến trẻ em. Do số ca mắc mới và tử vong mỗi ngày vì Covid-19 liên tục tăng lên các mức cao chưa từng có, quốc gia Đông Nam Á này buộc phải áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài hai tuần, từ ngày 1 đến 14-6. 

Còn tại Lào, lệnh phong tỏa do Covid-19 được gia hạn đến hết ngày 19-6 do tình hình dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát, đặc biệt tại thủ đô Viêng Chăn. Đây là lần thứ 3 Lào gia hạn phong tỏa kể từ khi làn sóng dịch thứ hai bùng phát tại nước này trong tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, so với những lần trước, lệnh phong tỏa lần này không quá nghiêm ngặt, nhiều quy định được nới lỏng trên khắp cả nước, trừ những khu vực đang có các ca lây nhiễm trong cộng đồng (vùng đỏ).

Ngày 4-6, Nepal đã yêu cầu các bệnh viện nước này dành giường bệnh cho trẻ em do lo ngại làn sóng lây nhiễm mới có thể tác động nghiêm trọng tới nhóm này. Đây cũng là điều mà giới chức ở quốc gia láng giềng Ấn Độ đang chuẩn bị. Trong một tuyên bố, Bộ Y tế và Dân số Nepal nêu rõ, các bệnh viện và cơ sở y tế cần chuẩn bị ít nhất 20% số giường cho trẻ em, đối tượng có thể chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong làn sóng lây nhiễm thứ 3 và thứ 4 có thể xảy ra. Bên cạnh đó, các bệnh viện cũng cần đảm bảo đủ lượng oxy.     

Châu Mỹ

Nhờ chiến dịch tiêm chủng phát huy hiệu quả, Mỹ - tâm dịch của thế giới, đang ghi nhận những con số tích cực hằng ngày. Từ thời điểm số ca mắc mới lên tới hàng trăm nghìn ca, nay con số này giảm xuống còn 15.000 - 16.000 ca/ngày. Tuy nhiên, Mỹ vẫn đứng đầu danh sách các nước có số ca mắc và tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới với 34.175.501 ca mắc, trong đó có 611.630 ca tử vong. Hiện, tốc độ tiêm chủng trung bình trong 7 ngày của Mỹ là 1,1 triệu liều/ngày. Đến nay, khoảng 51% dân số Mỹ đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin ngừa Covid-19.

Theo Hà Nội Mới

Tin cùng chuyên mục