Xăng, dầu tăng giá cao kỷ lục
Trong kỳ điều chỉnh giá ngày 1-3 vừa qua, xăng E5RON92 tăng 540 đồng/lít, lên mức 26.070 đồng/lít; xăng RON95 tăng 550 đồng/lít lên mức 26.830 đồng/lít; dầu diesel tăng 510 đồng/lít, lên mức 21.310 đồng/lít... Đây là đợt điều chỉnh tăng giá lần thứ 6 liên tiếp và là mức giá xăng cao “kỷ lục” kể từ năm 2005 đến nay, trong bối cảnh giá xăng, dầu thế giới “leo thang”.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông - vận tải vốn đã gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 kéo dài thì nay lại tiếp tục “lao đao” khi giá xăng, dầu liên tục tăng cao và thiết lập “kỷ lục” mới.
Ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải Nam Hải (Chiêm Hóa) cho biết, doanh nghiệp hiện có 5 đầu xe vận tải hàng hóa nội tỉnh và liên tỉnh. 2 năm nay, đơn vị đang cố cầm cự vì dịch Covid-19 kéo dài. Giá cước vận tải không thay đổi suốt nhiều năm nay, từ khi giá xăng 12.600 đồng/lít, giờ đã tăng thêm gần 9.000 đồng/lít. Giá nhiên liệu chiếm gần 40% cơ cấu giá thành vận tải. Giá xăng, dầu càng tăng cao tỷ lệ này càng lớn và doanh nghiệp sẽ không có lãi. Trước mắt, doanh nghiệp vận tải vẫn tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký với khách hàng và chờ thương lượng điều chỉnh giá cước vận chuyển theo tỷ lệ tăng của xăng, dầu. Dù lỗ nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chấp nhận chạy để giữ thị trường, giữ khách hàng, lái xe và trang trải các chi phí khác. Vừa rồi, doanh nghiệp này vừa làm việc với các đối tác để đàm phán việc điều chỉnh tăng giá cước vận tải lên ít nhất 20% nữa. Theo ông Hải, may mắn là một số doanh nghiệp đối tác chia sẻ nên việc điều chỉnh giá cước có thể thuận lợi hơn và sớm nhất trong tháng 3 này.
Giá xăng dầu điều chỉnh tăng lần thứ 6 và đạt đỉnh từ năm 2005 trở lại đây.
Theo ông Mai Văn Liên, nhà xe Liên Loan chuyên chạy tuyến Lâm Bình - Hà Nội, giai đoạn bình thường, chi phí nhiên liệu của nhà xe khoảng hơn 60 triệu đồng/tháng. Đến nay, khi giá xăng, dầu tăng liên tiếp, mỗi tháng, doanh nghiệp mất thêm gần 60 triệu đồng nữa, tức là tăng gần gấp đôi. Thời điểm này, để “cắt lỗ”, nhà xe này đang tạm dừng hoạt động do giá cước vận tải chưa điều chỉnh tăng phù hợp với tình hình.
Bà Trần Thu Lành, Giám đốc chi nhánh Taxi Mai Linh Tuyên Quang nói, đơn vị hiện đang có khoảng 50 đầu xe ở Tuyên Quang. Thời điểm xăng dầu chưa tăng giá, dịch bệnh Covid-19 khiến nhu cầu đi lại của người dân giảm hẳn đã ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập của các lái xe. Giờ, giá nhiên liệu đầu vào liên tục được điều chỉnh tăng, trong khi giá xăng, dầu chiếm 25 - 30% trong cơ cấu giá thành vận tải nên khi mặt hàng này tăng giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá cước vận tải.
Tuy nhiên, theo bà Lành, thời điểm này, giá cước taxi của đơn vị cũng như nhiều doanh nghiệp vận tải khác chưa điều chỉnh tăng mà vẫn đang nghe ngóng thị trường. Nếu giá xăng dầu vẫn tiếp tục giữ giá như hiện nay hoặc điều chỉnh tăng thêm, thì việc điều chỉnh tăng giá cước vận tải là bắt buộc và phải tăng tối thiểu 5 - 10% nữa thì mới có lãi.
Giá vật liệu xây dựng liên tục điều chỉnh
Ngày 9-3, giá thép xây dựng đã được các đơn vị cung cấp điều chỉnh tăng thêm 600 đồng/kg, tương đương hơn 600 nghìn đồng/tấn. Như vậy, từ cuối năm 2021 đến giữa tháng 3-2022, giá thép xây dựng đã tăng thêm 2.200 đồng/kg.
Ông Hoàng Quang Trung, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Trung Thành cho biết, hiện đơn vị đang thi công nhiều công trình lớn trên địa bàn tỉnh. Thời điểm này, doanh nghiệp xác định là thời điểm khó khăn khi giá nhiều mặt hàng liên quan trực tiếp tăng nhanh. Xăng, dầu tăng gần 50%, giờ là giá thép tăng hơn 60% so với trước đây. Ông Trung cho biết, nhiều dự án ở thời điểm trúng thầu, giá thép chỉ khoảng 11 nghìn đồng/kg, thì giờ đã tăng lên gần 20 nghìn đồng/kg, đồng nghĩa với doanh nghiệp phải bù lỗ gần 2 tỷ đồng/công trình.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng liên quan tăng cao, như xăng dầu tăng gần 50%, thép xây dựng tăng 60%, các mặt hàng khác tăng từ 20 - 30% khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Thực trạng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng số doanh nghiệp, nếu không có các giải pháp phù hợp thì nguy cơ doanh nghiệp thua lỗ, dừng hoạt động, phá sản là rất lớn. Ngoài khuyến cáo các doanh nghiệp chủ động các phương án dự trữ vật liệu xây dựng trong bối cảnh giá nguyên, nhiên vật liệu trong nước và thế giới chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cũng kiến nghị các cấp, ngành liên quan có các giải pháp kiềm chế lạm phát, điều chỉnh các hợp đồng từ đơn giá cố định sang đơn giá điều chỉnh để phù hợp với tình hình.
Gửi phản hồi
In bài viết