Nguồn vốn ưu đãi giúp thanh niên khởi nghiệp

- Nắm bắt được nhu cầu về vốn để khởi nghiệp, cũng như mở rộng quy mô sản xuất, thời gian qua, Tỉnh đoàn đã tích cực triển khai công tác ủy thác của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội. Qua đó, đã giúp đoàn viên thanh niên trên địa bàn có điều kiện vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế.

Trước đây, kinh tế gia đình chị Hoàng Thị Thiết, thôn Nà Bây, xã Ngọc Hội (Chiêm Hóa) rất khó khăn, chỉ phụ thuộc vào mấy sào lúa, ngô. Năm 2019, sau khi đi học hỏi mô hình nuôi trâu vỗ béo, kết hợp nuôi giun quế trên địa bàn các xã trong huyện, được Đoàn xã tuyên truyền về các chương trình cho vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội, chị mạnh dạn vay 50 triệu đồng chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn đầu tư xây dựng mô hình. Chị Thiết cho biết, với 4.000 m2 đất, chị bố trí nuôi giun quế, 5.000 con gà và 10 con trâu vỗ béo mỗi năm. Hiện mô hình kinh tế của chị đang cho thu nhập ổn định, thu lãi từ 250 - 300 triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho 3 lao động địa phương với mức thu nhập 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Chị Hoàng Thị Thiết, thôn Nà Bây, xã Ngọc Hội (Chiêm Hóa) chăm sóc đàn trâu vỗ béo của gia đình.

Anh Lò A Vụa, thôn Nà Co, xã Xuân Lập (Lâm Bình) cho biết, năm 2020, thông qua tổ chức đoàn, anh đã được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn 120 để đầu tư mở rộng mô hình nuôi cá giống chép ruộng và trồng rừng. Anh Vụa cho biết, đối với những thanh niên mới khởi nghiệp, lập nghiệp còn nhiều khó khăn như anh thì số tiền được hỗ trợ đã giúp anh khá nhiều trong quá trình đầu tư mở rộng mô hình phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Anh Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Ban Thanh niên nông thôn, công nhân, đô thị, Tỉnh đoàn cho biết, xác định công tác ủy thác vốn vay với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm giúp thanh niên phát triển kinh tế, lập nghiệp, hằng năm, Tỉnh đoàn tích cực chỉ đạo các huyện, thành đoàn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, định hướng sử dụng vốn cho đoàn viên thanh niên. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tập huấn cho đội ngũ cán bộ phụ trách hoạt động ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn về nghiệp vụ quản lý vốn vay; kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay đảm bảo nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.

Tính đến đầu tháng 3-2022, tổng dư nợ ủy thác qua Tỉnh đoàn là trên 649 tỷ đồng với 15.068 lượt hộ vay. Nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp của UBND tỉnh cấp cho Đoàn thanh niên là 5,5 tỷ đồng với 110 dự án; vốn quỹ Quốc gia giải quyết việc làm (vốn 120) 2,183 tỷ đồng với 28 dự án. Các mô hình kinh tế của thanh niên chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ...

Nguồn vốn vay kịp thời từ vốn ủy thác địa phương thông qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp thanh niên có điều kiện khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

 Bài, ảnh: Quốc Việt

Tin cùng chuyên mục