Hát Aday của người Khmer Nam Bộ là nét sinh hoạt văn hóa độc đáo, đặc trưng trong các phum, sóc, gắn liền với ngôi chùa và gia đình. Hát Aday thể hiện khả năng sáng tạo văn hóa, thỏa mãn nhu cầu giải trí của cộng đồng. Lời hát Aday phản ánh hiện thực đời sống kinh tế, văn hóa, thể hiện tình yêu đôi lứa, răn dạy đạo đức, nhắc nhở hạnh phúc gia đình...
Một đề án thiết thực
Thời gian qua, nghệ thuật hát Aday ở Hậu Giang có nguy cơ bị mai một. Do đó, tỉnh đã xây dựng và triển khai đề án "Truyền dạy và bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2016-2020". Xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ - nơi có khá đông đồng bào Khmer sinh sống, được chọn là địa bàn để phục hồi và làm sống lại loại hình nghệ thuật này, nhằm từng bước lan tỏa đến nhiều địa bàn có đông đồng bào Khmer sống trong tỉnh.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xà Phiên, Phan Hoàng Minh cho biết: Xã có 1.097 hộ Khmer với 4.914 người, chiếm hơn 31% tổng hộ dân của xã, sống tập trung ở ấp 4 và ấp 5. Có thể nói, đề án truyền dạy và bảo tồn nghệ thuật hát Aday đã thổi bùng ngọn lửa đam mê, giúp đời sống văn hóa tinh thần của người dân thêm đa dạng, phong phú hơn. Từ năm 2018, có nhiều lớp tập huấn về nghệ thuật hát Aday được mở tại Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh và tại chùa Pô Thi Vong Sa ở ấp 4, xã Xà Phiên. Mỗi đợt thu hút từ hơn 50 học viên, là những học sinh, người Khmer; đồng thời thành lập câu lạc bộ ở các chùa với thành viên là những người biết múa hát, mong muốn hiểu sâu hơn về nghệ thuật Aday của dân tộc mình để biểu diễn, truyền nghề.
Ông Danh Kỳ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Aday ấp 4, xã Xà Phiên chia sẻ: "Lúc đầu tôi cũng biết múa, hát Aday nhưng không rành lắm. Khi có mở lớp dạy, tôi đăng ký ngay. Qua học tập giúp tôi hiểu sâu hơn về loại hình nghệ thuật này và đam mê. Hiện tại, tôi đang chỉ dạy lại cho con cháu mình để lưu truyền". Theo ông Danh Kỳ, cứ vào dịp lễ, Tết của đồng bào, trai gái, già trẻ trong xóm tụ họp ở chùa để biểu diễn hát Aday. Những lúc rảnh rỗi, nhóm người yêu thích cũng tụ họp lại hát với nhau, vừa tạo sân chơi, vừa để tập, rèn luyện kỹ năng biểu diễn. Nhờ vậy, số người tham gia sinh hoạt văn hóa cộng đồng qua nghệ thuật hát Aday ở đây ngày càng nhiều và sôi động hơn.
Với sự quan tâm, mong muốn của địa phương trong bảo tồn giá trị tiêu biểu của hát Aday, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa hát Aday vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1676/QÐ-BVHTTDL ngày 26/5/2021.
Cần đầu tư chuyên sâu
Hậu Giang có khoảng 26 nghìn người dân tộc Khmer, chiếm 3% số dân của tỉnh. Thời gian qua, sự quan tâm chăm lo của Ðảng, Nhà nước thông qua các chương trình, đề án đã giúp đời sống vật chất của đồng bào Khmer không ngừng được nâng lên, từ đó kéo theo nhu cầu thụ hưởng các giá trị tinh thần ngày càng cao, nhất là hoạt động văn hóa, văn nghệ cộng đồng, trong đó nghệ thuật hát Aday được bảo tồn và phát huy giá trị.
Nghệ nhân Thạch Si Phol ở tỉnh Bạc Liêu đã nhiều lần đến Hậu Giang truyền dạy nghệ thuật hát Aday chia sẻ: "Hậu Giang tuy không có nhiều đồng bào Khmer sinh sống như một số tỉnh khác, như Trà Vinh, Sóc Trăng..., nhưng sự quan tâm để bảo tồn loại hình nghệ thuật này của tỉnh là điều đáng trân trọng. Tuy nhiên, muốn phát huy thì không chỉ đào tạo người hát, mà phải đào tạo người đàn. Bởi đặc thù của Aday là hát, múa phải có đàn. Biết hát mà không có ai đàn cũng khó lòng mà hát cho ra chất. Do đó, cần có sự đầu tư chuyên sâu, nhất là để Aday được biểu diễn trên sân khấu nhiều hơn".
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Xà Phiên, Phan Hoàng Minh, sau khi hát Aday được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, xã được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng hai sân khấu phục vụ biểu diễn ở chùa ấp 4 và ấp 5, đồng thời tiếp tục củng cố các câu lạc bộ hát Aday. Tuy nhiên, hiện nay câu lạc bộ hát Aday đang gặp khó khăn, hoạt động không thường xuyên, làm cho phong trào hát có phần chùng xuống.
Ông Danh Kỳ cho biết: Lúc đầu thành lập câu lạc bộ, bộ khung có 10 người (4 người phụ trách nhạc cụ, 3 cặp nam, nữ hát), nhưng giờ chỉ còn có 7 người. Nhạc cụ thì thiếu, trang phục biểu diễn cũng không có, còn sân khấu biểu diễn vẫn đang xây dựng cho nên không thu hút nhiều bà con tham gia. "Thực tế, số người biết đến nghệ thuật hát Aday còn rất khiêm tốn. Do đó, mong Ðảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư mở nhiều lớp dạy đàn và hát Aday, tổ chức giao lưu xã này với xã khác, huyện này với huyện kia để tuyển chọn những người chơi thuần thục, giao lưu với các tỉnh bạn "-đồng chí Phan Hoàng Minh đề nghị.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hậu Giang, Dương Thanh Tùng, thời gian qua, từ đề án truyền dạy và bảo tồn nghệ thuật hát Aday, tỉnh không chỉ mở lớp tập huấn từ cơ bản đến nâng cao để nhiều người Khmer biết thêm loại hình này mà còn tập trung đầu tư nhạc cụ, tổ chức dạy đàn để có thể phát huy các loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc Khmer một cách bài bản.
Thời gian tới, sở sẽ xây dựng kế hoạch phối hợp các cơ quan chuyên môn, địa phương xây dựng và củng cố các câu lạc bộ hát Aday ở những xã có đông đồng bào Khmer, trước mắt là ở 15 chùa hiện có trên địa bàn tỉnh; tiếp tục mở các lớp tập huấn về nghệ thuật hát Aday, đồng thời, tổ chức cho các câu lạc bộ giao lưu thường xuyên tạo sân chơi lành mạnh; phát hiện, chăm lo bồi dưỡng những nhân tố mới và tạo nguồn để xây dựng những tiết mục tham gia ngày hội dành cho người Khmer ở địa phương cũng như khu vực và toàn quốc.
Gửi phản hồi
In bài viết