Tuyên Quang - Trái tim của cuộc kháng chiến trường kỳ
Trong bối cảnh toàn quốc kháng chiến bùng nổ, việc dời cơ quan đầu não của cách mạng lên Tuyên Quang là một quyết định sáng suốt, thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Quyết định trở lại Việt Bắc, mà Tuyên Quang là trung tâm, thể hiện niềm tin sâu sắc của Bác Hồ và Trung ương Đảng vào sức mạnh của nhân dân và địa thế chiến lược của vùng đất này. Như lời tiên đoán của Bác: "Cách mệnh đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi".
Từ Tân Trào, ngọn lửa kháng chiến đã lan tỏa khắp núi rừng Việt Bắc. Trong gần 6 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ làm việc tại hơn 20 địa điểm khác nhau trên mảnh đất Tuyên Quang. Nơi đây không chỉ là nơi đưa ra những quyết sách lịch sử, mà còn là nơi Bác Hồ gần gũi, động viên nhân dân, khơi dậy tinh thần yêu nước và ý chí chiến đấu của toàn dân tộc.
Hội trường - nơi diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, thuộc Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Bình (Chiêm Hóa).
Trong gần 6 năm ở Tuyên Quang, Bác Hồ đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân ta thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ. Tại đây, Người đã chủ trì nhiều hội nghị, đại hội quan trọng, bàn về những vấn đề then chốt của cách mạng như xây dựng Đảng, củng cố chính quyền, phát triển lực lượng vũ trang, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đẩy mạnh công tác đối ngoại. Những tác phẩm nổi tiếng như "Cần, Kiệm, Liêm, Chính", "Dân vận"... cũng được Người hoàn thành tại mảnh đất này, trở thành kim chỉ nam cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Chúng ta không thể quên những hình ảnh Bác Hồ giản dị trong bộ quần áo kaki bạc màu, cùng các đồng chí lãnh đạo bàn bạc công việc nước nhà dưới mái lán đơn sơ. Tại Tuyên Quang, những chủ trương, đường lối kháng chiến đúng đắn đã được vạch ra, từ việc xây dựng Đảng, củng cố chính quyền, phát triển lực lượng vũ trang đến việc đẩy mạnh sản xuất, phát triển văn hóa, xã hội và tăng cường hoạt động ngoại giao.
Hoàn thành sứ mệnh lịch sử
Trong suốt 9 năm kháng chiến, Tuyên Quang và các tỉnh vùng chiến khu Việt Bắc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng, chiến đấu và bảo vệ tuyệt đối an toàn cơ quan đầu não của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự đóng góp to lớn này đã góp phần quyết định vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Tuyên Quang trong những năm tháng kháng chiến không chỉ là nơi làm việc của các cơ quan trung ương mà còn là nơi hội tụ sức mạnh của lòng dân. Đồng bào các dân tộc Tuyên Quang đã một lòng tin theo Đảng, theo Bác, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các cơ quan đầu não của cách mạng. Những câu chuyện về sự che chở, đùm bọc của người dân nơi đây đã trở thành những trang sử đẹp, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc cao cả.
Tuyên Quang vinh dự, tự hào có Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, nơi gìn giữ di tích lịch sử cách mạng quan trọng bậc nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Tuyên Quang ngày nay đang gặt hái nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, đời sống đồng bào nhân dân các dân tộc ngày càng khởi sắc.
Di tích lịch sử Quốc gia Làng Sảo, địa điểm đầu tiên Bác Hồ trở lại Tuyên Quang.
Tỉnh đã duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định. Năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 9,04%, mức cao nhất trong một thập kỷ, đứng thứ 4/14 tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ và thứ 12/63 tỉnh, thành cả nước. Không chỉ vậy, tất cả 20/20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đều hoàn thành và vượt mức kế hoạch đề ra. Các chỉ tiêu phát triển của các lĩnh vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều tăng, quy mô kinh tế vượt 50.000 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023.
Tổng thu ngân sách của tỉnh đạt trên 4.366 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu đề ra. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 15.600 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư công đạt trên 5.800 tỷ đồng. Cùng với đó thu hút đầu tư hiệu quả, và phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ, đặc biệt là sự quan tâm đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, bảo tồn bản sắc văn hóa, và giảm nghèo bền vững.
Khách tham quan Di tích an toàn khu Kim Quan (Yên Sơn), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan khác của Đảng, ở và làm việc trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1953-1954)
Tuyên Quang đang vững bước trên con đường phát triển, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng để xây dựng một tương lai tươi sáng. Tỉnh luôn thực hiện tốt việc gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị to lớn của Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, để nơi đây không chỉ là một “địa chỉ đỏ” nhằm giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh mà còn phải trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử cách mạng hàng đầu của vùng trung du, miền núi phía Bắc và cả nước.
Nhìn vào những đổi thay tích cực trên quê hương Tuyên Quang hôm nay, từ những con đường rộng mở đến những nếp nhà khang trang, từ những mùa vàng bội thu đến đời sống văn hóa tinh thần ngày càng phong phú của đồng bào các dân tộc, chúng ta không khỏi cảm thấy niềm tin và sự phấn khởi dâng trào. Truyền thống cách mạng hào hùng của một thời "Thủ đô kháng chiến" đang được viết tiếp bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, bằng sự đoàn kết và sáng tạo của mỗi người dân. Tương lai tươi sáng đang rộng mở phía trước, hứa hẹn một Tuyên Quang ngày càng giàu đẹp, văn minh, nơi cuộc sống của mọi người dân đều ấm no, hạnh phúc.
Kỷ niệm 78 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại Tuyên Quang không chỉ là dịp để ghi nhớ một sự kiện lịch sử, mà còn là cơ hội để chúng ta nhìn nhận sâu sắc hơn về tầm vóc và ý nghĩa của quyết định này. Nó khẳng định vai trò lịch sử đặc biệt của Tuyên Quang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng thời nhắc nhở chúng ta những bài học quý báu về sự lãnh đạo, đoàn kết và ý chí tự lực tự cường, những yếu tố then chốt làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Tuyên Quang, "Thủ đô Kháng chiến" năm xưa, mãi mãi là một biểu tượng sáng ngời trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta.
Gửi phản hồi
In bài viết