(Ảnh: Thành Đạt)
Sáng nay, các thương hiệu vàng trong nước đồng loạt điều chỉnh giảm cùng chiều thế giới tuy nhiên vẫn neo ở mức cao.
Tại thời điểm, 9 giờ 30 phút sáng 11/4, giá vàng DOJI tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh niêm yết ở mức 82,2 triệu đồng/lượng mua vào và 84,2 triệu đồng/lượng bán ra, giảm nhẹ 100.000 đồng so kết phiên hôm trước. Chênh lệch mua vào-bán ra ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC niêm yết mua vào-bán ra ở mức 82,3-84,32 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng so kết phiên trước đó. Chênh lệch mua vào-bán ra 2,02 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng trong nước đang đắt hơn giá thế giới khoảng 12-13 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn SJC 9999 hiện giao dịch mua vào 74,8 triệu đồng/lượng, bán ra 76,5 triệu đồng/lượng.
Vàng PNJ mua vào ở mức 74,8 triệu đồng/lượng và bán ra mức 76,6 triệu đồng/lượng, không đổi so kết phiên hôm trước.
Vào thời điểm 9 giờ 30 phút sáng 11/4 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giảm 18,5 USD so kết phiên trước đó, xuống mức 2.333 USD/ounce.
Giá vàng thế giới giảm khi báo cáo lạm phát của Mỹ “nóng” hơn dự kiến làm giảm kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất sớm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Cụ thể, Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng (CPI) tháng 3 của Mỹ tăng 0,4% so tháng trước và 3,5% so cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức dự báo của các chuyên gia lần lượt là 0,3% và 3,4%.
Chỉ số USD-Index tăng 0,5% và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt sau báo cáo CPI của Mỹ khiến giá vàng quay đầu giảm. Cả giá vàng giao ngay và tương lai đã mất đi khoảng 0,5% sau dữ liệu.
Một số chuyên gia kinh tế cho biết, dữ liệu lạm phát mới nhất có thể buộc FED phải trì hoãn việc bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Theo công cụ theo dõi lãi suất FedWatch của CME group, kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất vào tháng 6 đã giảm mạnh xuống chỉ còn 28%, thấp hơn rất nhiều so mức dự báo 57% được đưa ra vào thứ 3 vừa qua.
Paul Ashworth, kinh tế trưởng khu vực Bắc Mỹ tại Capital Economics cho biết, dự liệu lạm phát mới nhất gần như đã dập tắt hy vọng về việc cắt giảm lãi suất vào tháng 6.
Mặc dù thị trường vàng đang chịu một số áp lực bán kỹ thuật, một số nhà phân tích lưu ý rằng, kim loại quý này vẫn được hỗ trợ tốt vì nền kinh tế sẽ không thể duy trì lãi suất cao hơn khi nợ chính phủ tiếp tục tăng.
Hiện thị trường đang chờ đợi thông tin Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 3 của Mỹ dự kiến sẽ được công bố vào tối nay và cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu để có thêm manh mối định hướng đầu tư.
Mới đây, ngân hàng HSBC đã đưa ra dự đoán rằng, giá vàng sẽ giao dịch trong phạm vi từ 1.975-2.500 USD/ounce trong năm 2024. Việc các ngân hàng Trung ương trên thế giới đều đặn bổ sung vàng vào kho dự trữ và những lo ngại rủi ro địa chính trị cùng một loạt cuộc bầu cử sắp tới sẽ là các yếu tố hỗ trợ cho giá vàng.
Sáng nay, Chỉ số USD-Index tăng nhẹ lên mức 105,15 điểm; lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức 4,535%; chứng khoán Mỹ bước vào một quá trình điều chỉnh lại sau chuỗi 19 tuần tăng mạnh mẽ; giá dầu tăng lên 90,61 USD/thùng đối với dầu Brent và 86,31 USD/thùng đối với dầu WTI.
Gửi phản hồi
In bài viết