Những điểm nghẽn
Có thể khẳng định, trong thời gian qua, hoạt động chuyển đổi số của tỉnh có đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì trong quá trình triển khai các đầu việc liên quan đến chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn, nhiều “điểm nghẽn” cần phải có giải pháp và sự quyết tâm khắc phục. Theo Sở Thông tin và Truyền thông, việc triển khai các nền tảng số trong chuyển đổi số là cách tiếp cận mới, khác với việc triển khai các hệ thống thông tin trước đây nên nhiều sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh còn lúng túng trong triển khai. Nhiều sở, ngành chưa xây dựng được nền tảng phần mềm và kho cơ sở dự liệu dùng chung của đơn vị mình. Do vậy không tập trung, không liên kết, chia sẻ được với nhau.
Về nhân lực số, phần lớn cán bộ làm công tác tham mưu về công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các cơ quan chỉ thực hiện nhiệm vụ phụ trách, kiêm nhiệm nên việc chủ động tham mưu triển khai xây dựng chính quyền số còn chưa kịp thời. Nhận thức về chuyển đổi số của một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn chưa đầy đủ nên chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, nhất là ở cấp huyện, cấp xã.
Các đồng chi lãnh đạo tỉnh trao đổi với đoàn viên thanh niên về ứng dụng chuyển đổi số.
Ở một số xã vùng sâu vùng xa, hệ thống hạ tầng phục vụ chuyển đổi số chưa đầy đủ, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh còn thấp nên việc tiếp cận các nội dung chuyển đổi số còn nhiều hạn chế. Nguồn nhân lực có kiến thức về công nghệ thông tin ở cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu, kỹ năng ứng dụng công nghệ số của đại bộ phận người dân còn thấp. Bên cạnh đó, hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng tại các xã, thị trấn được thường xuyên, hiệu quả chưa cao...
Ngay cả ở khu vực thành phố, việc triển khai chuyển đổi số cũng gặp phải các vấn đề nhất định, nhất là việc nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến vẫn chưa cao. Đơn cử, đối với các thủ tục về tư pháp và đất đai, phần lớn người dân vẫn chọn hình thức đăng ký hồ sơ trực tiếp bởi nhiều thủ tục, giấy tờ đi kèm chưa dễ triển khai theo hình thức trực tuyến.
Giải pháp nâng cao hiệu quả chuyển đổi số
Để giải quyết các điễm nghẽn trong chuyển đổi số, những nội dung liên quan đến hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số cần phải có lộ trình đầu tư, đồng bộ hóa dữ liệu, phần mềm giữa các các cơ quan, đơn vị với các bộ, ngành Trung ương. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đang tích cực xây dựng phần mềm số hoá và kho quản lý dữ liệu điện tử, Hệ thống thông tin nguồn. Các cơ quan đơn vị tiếp tục sử dụng có hiệu quả các nền tảng số; triển khai các hệ thống dùng chung của tỉnh để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành từ cấp tỉnh tới cấp xã.
Điều quan nhất hiện nay chính là cần phải giải quyết liên quan đến yếu tố nhân lực số. Vấn đề này, giải pháp cơ bản nhất vẫn chính là tăng cường tổ chức các hội nghị tập huấn nghiệp vụ, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, viên chức và người dân về chuyển đổi số. Xác định rõ vấn đề, thời gian qua, UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành các địa phương tăng cường công tác tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, thành viên Tổ công nghệ. Chỉ tính riêng trong quý II tỉnh đã tổ chức 8 hội nghị, trong đó 1 hội nghị cấp tỉnh, 7 hội nghị tại đơn vị cấp huyện. Cùng với đó các cơ quan, đơn vị cũng đã tăng cường công tác tập huấn theo ngành dọc từ tỉnh đến cơ sở.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ hành chính công tỉnh phối hợp xử lý hồ sơ trực tuyến của doanh nghiệp và người dân
Theo Chánh Văn phòng Sở Tư pháp Lý Thị Hương Giang, chỉ riêng năm 2022, sở đã tổ chức 9 hội nghị tập huấn, lớp bồi dưỡng về chuyển đổi số. Ngoài ra sở còn tổ chức các hội thi để giúp cán bộ, công chức nhận thức rõ công tác cải cách hành chính, văn hóa công sở, chuyển đổi số. Qua đó, giúp công chức, viên chức nhận thức trách nhiệm, thay đổi cách làm truyền thống. Sở Tư pháp được đánh giá đơn vị dẫn đầu mức độ chuyển đổi số khối các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước thuộc UBND tỉnh.
Nhiều cơ quan đơn vị cũng đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số tại địa phương, đơn vị. Điển hình như thành phố Tuyên Quang, huyện Hàm Yên triển khai mô hình chợ 4.0 tại một số chợ trung tâm trên địa bàn. Hoạt động của chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ sản phẩm địa phương của chợ lên sàn thương mại điện tử. Chị Nguyễn Thị Hương, một chủ hàng bán tạp phẩm tại chợ Tam Cờ (TP Tuyên Quang) cho biết, hoạt động chợ 4.0 rất có ý nghĩa trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân không dùng tiền mặt và chị cảm thấy rất thuận lợi trong việc thu tiền của khách hàng.
Đồng chí Nguyễn Văn Hiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, quan điểm xuyên suốt của tỉnh về chuyển đổi số: “Tổ chức triển khai chuyển đổi số tại từng sở, ban, ngành, lĩnh vực, cơ quan phải đi vào thực chất, mang lại giá trị thiết thực cho chính quyền, người dân, doanh nghiệp”. Vì vậy trong thời gian tới sở tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các nhiệm vụ, dự án trong xây dựng, phát triển chính quyền số phải gắn với các mục tiêu, yêu cầu cụ thể về nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, hiệu lực hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền.
Phát triển kinh tế số phải gắn với mục tiêu, yêu cầu thúc đẩy giao dịch điện tử, thanh toán không tiền mặt, đẩy mạnh đưa sản phẩm hàng hóa đặc trưng lên sàn giao dịch điện tử. Phát triển xã hội số phải tập trung vào mục tiêu trước mắt là nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho người dân, thúc đẩy người dân tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không tiền mặt; tiếp cận, tham gia mua bán, tiếp thị trên các sàn thương mại điện tử phổ biến của Việt Nam
Gửi phản hồi
In bài viết