Người Mông thôn Nà Vơ, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) được hỗ trợ làm nhà ở theo Dự án 1.
Theo Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 106 hộ thiếu đất ở, 2.096 hộ thiếu nhà ở, 213 hộ thiếu đất sản xuất, 11.054 hộ có nhu cầu chuyển đổi nghề do không có quỹ đất hoặc không có nhu cầu hỗ trợ bằng đất sản xuất cho nên cần hỗ trợ chuyển đổi nghề.
Nguyên nhân thiếu đất ở, đất sản xuất của các hộ gia đình chủ yếu là do: Địa bàn cư trú của đồng bào có độ dốc cao; phần lớn diện tích đất tự nhiên là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, núi cao vì vậy không đủ điều kiện để sử dụng làm đất ở, đất sản xuất. Bên cạnh đó, do tác động của thiên tai, bão lũ, sạt lở đất làm mất đi diện tích đất tự nhiên gây thiếu đất ở, đất sản xuất trong đồng bào DTTS. Quá trình gia tăng dân số tự nhiên cũng khiến nhiều hộ dân không có đủ diện tích bình quân về đất ở, đất sản xuất theo quy định.
Hơn 2 năm thực hiện Dự án 1, do văn bản hướng dẫn thực hiện chưa đầy đủ, còn chồng chéo giữa các Bộ, ngành dẫn đến địa phương chưa thể giải ngân nguồn vốn. Tại các địa phương đặc thù, quá trình thực hiện phát sinh thêm nhiều khó khăn, cần có cơ chế tháo gỡ.
UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 49 quy định về định mức đất sản xuất làm cơ sở thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang theo quy định tại Thông tư số 02 của Ủy ban Dân tộc. Thực tế tại các địa phương, quỹ đất để hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất còn hạn chế. Tuy nhiên, trong Thông tư số 02 không quy định nội dung được chuyển nhượng đất sản xuất giữa các hộ dân để thực hiện. Do đó, các địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện nội dung này. Đối với hỗ trợ đất ở, nhiều hộ đồng bào DTTS vẫn phải chờ nguồn hỗ trợ của Nhà nước vì để có thể mua đất hợp pháp làm nhà ở thì không đủ kinh phí.
Hiện đã có quy định về mức kinh phí cụ thể hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất. Theo đó, đối với hỗ trợ đất sản xuất, nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ 22,5 triệu đồng/hộ, được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 77,5 triệu đồng/hộ. Đối với hỗ trợ đất ở, Trung ương hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ, địa phương hỗ trợ 4,4 triệu đồng/hộ, vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 40 triệu đồng. Hộ được hỗ trợ làm nhà được Trung ương hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ, địa phương hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ, được vay vốn 40 triệu đồng/hộ.
Ổn định đất sản xuất và đất ở giúp đồng bào DTTS yên tâm lao động sản xuất, thoát nghèo bền vững.
Tính đến hết tháng 7-2023, toàn tỉnh đang giải ngân nguồn hỗ trợ làm nhà ở cho đối tượng thụ hưởng của năm 2022. Nội dung hỗ trợ đất sản xuất, hỗ trợ đất ở Dự án 1 đang tiếp tục được cấp xã triển khai, thực hiện theo Hướng dẫn liên ngành 459 ngày 21-7-2023 giữa Ban Dân tộc tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hiện nay, tiến độ thực hiện từ cấp xã đa phần mới chỉ dừng lại ở khâu rà soát, xác định đối tượng thụ hưởng; một số địa phương đã hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đang trình UBND huyện phê duyệt về hỗ trợ đất ở.
Xã Kiến Thiết (Yên Sơn) là xã đặc biệt khó khăn. Tại khu dân cư Đỉnh 10, thôn Khuổi Cằn có trên 30 hộ đồng bào Mông di cư từ Hà Giang về sinh sống trên đất rừng phòng hộ đầu nguồn đã mấy chục năm nay. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Mông nơi đây khó khăn, thiếu thốn vì chưa có đường bê tông kiên cố, chưa có điện lưới, chưa có sóng điện thoại. Đa phần hộ dân đều có nhu cầu hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất. Phó Chủ tịch UBND xã Lê Thế Hưng trăn trở: Những giai đoạn trước, cấp ủy, chính quyền xã đã triển khai, vận động các hộ đồng bào Mông tại Đỉnh 10 hạ sơn, sinh sống xen ghép với đồng bào Tày, Nùng nhưng chỉ 1 thời gian ngắn các hộ lại về nơi ở cũ.
Đặc thù của người Mông là không sống xen ghép với các dân tộc khác trong khi quỹ đất của địa phương hạn hẹp, không thể quy hoạch, bố trí quỹ đất ở riêng. UBND xã đã tham mưu cho cấp trên ổn định dân cư tại Đỉnh 10, đồng thời chuyển đổi mục đích đất rừng phòng hộ. Song nhiều năm nay, phương án này chưa được giải quyết bởi theo quy định, đất rừng phòng hộ chỉ chuyển đổi vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp, không chuyển mục đích sử dụng sang nhóm đất phi nông nghiệp. Còn xây dựng nhà ở kiên cố phải xây dựng trên đất phi nông nghiệp. Đây là bất cập, vướng mắc lớn nhất của địa phương trong thực hiện Dự án 1.
Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai có hiệu quả Dự án 1, UBND tỉnh chỉ đạo: Căn cứ quỹ đất, hạn mức đất ở và khả năng ngân sách, chính quyền các cấp xem xét, quyết định giao đất để làm nhà ở cho các đối tượng nêu trên phù hợp với điều kiện, tập quán ở địa phương và pháp luật về đất đai. Ở những nơi có điều kiện về đất đai, chính quyền địa phương sử dụng số tiền hỗ trợ từ ngân sách để tạo mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật để cấp đất ở cho các đối tượng được thụ hưởng.
Nếu có sự tự chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì UBND cấp xã trình UBND huyện phê duyệt hỗ trợ, hướng dẫn các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Với những hộ chuyển đổi nghề thì chính quyền địa phương xét duyệt và hỗ trợ cho người dân với định mức tối đa 10 triệu đồng/hộ. Đồng thời nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của các hộ để hỗ trợ sao cho phù hợp.
Gửi phản hồi
In bài viết