Sách không chỉ là văn học
Lâu nay, độc giả Việt đã quen với nhiều giải thưởng văn chương mà không ít tác giả đã hái quả ngọt như Giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học ASEAN, Giải thưởng cuộc thi Tiểu thuyết, Giải thưởng Văn học tuổi 20, Giải thưởng Dế mèn, Giải thưởng văn học nghệ thuật của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam... Khi mỗi giải thưởng “xướng danh” tác giả, tác phẩm là một lần tác giả, tác phẩm ấy được độc giả “biết mặt gọi tên”.
Tuy rằng mỗi cuộc thi với một tiêu chí riêng nên có thể tác phẩm giành giải cao chưa chắc đã phù hợp với thị hiếu độc giả. Chưa kể có những “lùm xùm” đằng sau công tác tổ chức đã khiến giải thưởng “mất giá” trong mắt bạn đọc.
Ngành Xuất bản ngày càng phát triển, các đầu sách đến với độc giả ngày càng đa dạng, văn hóa đọc ngày một khởi sắc và giải thưởng sách không còn là “đặc quyền” của văn chương nữa. Có thể nói chưa bao giờ thị trường xuất bản lại phong phú đến thế.
Ngoài văn chương, các đầu sách phổ biến kiến thức về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật đến các đầu sách về khoa học, chính trị, quân sự, y học... cũng được đầu tư kỹ càng cả về nội dung lẫn hình thức, được bán rộng rãi trên nhiều kênh để độc giả dễ dàng tìm mua. Với bạn đọc thiếu nhi, các đơn vị làm sách cũng tung ra nhiều sản phẩm sách thú vị. Các bộ sách khoa học, sách danh nhân, truyện tranh lịch sử dành cho thiếu nhi thu hút độc giả không kém những tác phẩm văn chương nổi tiếng.
Trong khu vườn sách nở rộ ấy, Giải thưởng Sách Việt Nam ra đời, những năm gần đây đã phát triển thành Giải thưởng Sách quốc gia được tổ chức hằng năm, thu hút sự tham gia của nhiều nhà xuất bản, đơn vị làm sách và sự quan tâm của đông đảo bạn đọc.
Bán chạy nhờ giải thưởng
Với mục tiêu tôn vinh giới sáng tác và những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản sách Việt Nam; góp phần phát hiện, lưu giữ, quảng bá những tác phẩm có giá trị đến với đông đảo bạn đọc; tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp xuất bản phát triển theo đúng định hướng và phù hợp với xu hướng hội nhập, Giải thưởng Sách quốc gia đã và đang góp phần “hút” độc giả đến với tác phẩm được vinh danh.
Chị Phạm Thủy, Giám đốc Đối ngoại truyền thông của Công ty cổ phần Sách Thái Hà nhận định: “Giải thưởng Sách quốc gia mang lại hiệu ứng rất tốt, giúp độc giả lựa chọn được những cuốn sách phù hợp, có giá trị”. Ngay khi những cuốn sách của Thái Hà Books được công bố trong đêm trao giải thì lượng tìm kiếm trên fanpage của Thái Hà Books và lượng người mua những tác phẩm đoạt giải đã tăng mạnh. Ví dụ, cuốn sách “Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế” trước đây doanh thu chỉ đạt ở mức trung bình, nhưng sau khi được trao Giải thưởng Sách quốc gia, doanh số đã tăng 150%.
Tương tự, cuốn “Khuyến học” của tác giả Fukuzawa Yukichi do Phạm Hữu Lợi dịch, vốn trước đó rất “kén” độc giả, với một nghìn bản in mà bán mãi không hết, nhưng sau khi được vinh danh ở Giải thưởng sách năm 2011, từ đó đến nay “Khuyến học” đã được tái bản rất nhiều lần. Những tác phẩm của NXB Kim Đồng như “Xóm bờ giậu”, “Đoàn binh Tây Tiến”, “Tranh truyện lịch sử Việt Nam” cũng nhờ giải thưởng mà được độc giả biết đến nhiều hơn.
Còn với tác phẩm “Được học” của Tara Westover, do NXB Phụ nữ ấn hành, dịch giả Nguyễn Bích Lan “bật mí”: Ngay sau khi nhận giải C tại Giải thưởng Sách quốc gia năm 2020, cuốn sách đã “bị bạn đọc săn lùng gắt gao dẫn đến cháy hàng” và NXB Phụ nữ ngay lập tức tái bản để kịp phục vụ độc giả.
Dẫu có thể không phải là một bản dịch xuất sắc, có thể chưa phải là một sáng tác hoàn hảo, nhưng khác với những giải thưởng văn chương thuần túy đòi hỏi tính nghệ thuật song hành cùng nội dung tư tưởng, thì giải thưởng về sách tôn vinh cả những cuốn sách giàu kiến thức, có tính thẩm mỹ cao, có ảnh hưởng tích cực... Và vì thế, giải thưởng sách không chỉ quảng bá các tác phẩm, “hút” độc giả tìm đọc sau mỗi mùa vinh danh mà còn khích lệ đội ngũ làm sách tiếp tục sáng tác, nghiên cứu, mang đến những cuốn sách giá trị cho cộng đồng, từ đó góp phần xây dựng và phát triển văn hóa đọc.
Gửi phản hồi
In bài viết