“Gọi tên” cho sản vật địa phương
Đó là câu nói dí dỏm anh Thắng chia sẻ khi kể về việc Hợp tác xã Thắng Lợi được thành lập tháng 12 năm 2012, gồm 12 thành viên với 3 tổ dịch vụ là: Tổ chế biến miến dong, Tổ chế biến tinh bột và Tổ chuyên thu mua củ dong. Mục tiêu hoạt động chủ yếu của HTX gồm: sản xuất, chế biến tinh bột, chế biến và tiêu thụ miến dong, đặc biệt là sản xuất miến dong mang thương hiệu Hợp Thành.
Anh Thắng bảo, miến dong là sản vật của đất Lực Hành từ hàng trăm năm qua. Tuy nhiên, người dân chỉ làm nhỏ, lẻ vừa ăn vừa bán quanh vùng. Là người có “máu” làm kinh tế, lại muốn sản vật của quê hương được nhiều người biết đến nên anh quyết “liều” một phen. Vậy là anh đi tìm mua máy móc bằng số tiền tích góp, vay mượn người thân và cả vay ngân hàng để về “khởi nghiệp”. Khó khăn chồng chất khó khăn, có lúc tưởng phải bỏ cuộc nhưng nghĩ vậy là mình chịu thua à. Nghĩ thế, anh lại xốc tinh thần làm cho bằng được.
Anh Phạm Đình Thắng.
Quyết tâm của anh Thắng đã được tỉnh tiếp sức, HTX được dự án TNSP, Vie 035 hỗ trợ máy chế biến tinh bột dong riềng, hệ thống xử lý nước thải, tập huấn sản xuất phân hữu cơ từ bã thải dong riềng. Đến nay, HTX đã có 1 dây chuyền chuyên sản xuất tinh bột dong riềng với công suất 20 - 25 tấn củ tươi/ngày; sản xuất theo thời vụ 5 tháng/năm. 1 dây chuyền sản xuất miến công suất 0,47 - 0,5 tấn miến khô/ngày. Khả năng cung cấp sản phẩm ra thị trường, trong đó sản lượng củ 1.000 tấn/năm; sản lượng tinh bột 200 tấn/năm; sản lượng miến đạt 90 - 100 tấn/năm.
Quyết tâm xây dựng thương hiệu cho miến dong Lực Hành, anh Thắng với vai trò Giám đốc HTX Thắng Lợi đã chủ động đề nghị phối hợp với các ngành chức năng, Sở Khoa học và Công nghệ hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu. Điều này đã giúp cho hợp tác xã, người trồng dong riềng ở xã Lực Hành và các xã lân cận tiêu thụ sản phẩm ổn định, nâng cao thu nhập vươn lên làm giàu.
Kể từ khi xây dựng thành công nhãn hiệu hàng hóa đối với sản phẩm miến dong Hợp Thành, nghề trồng dong riềng, chế biến tinh bột và làm miến ở Lực Hành đã thực sự phát triển mạnh, vùng nguyên liệu của HTX lên tới 1.100 ha ở các xã vùng thượng huyện Yên Sơn, nơi có tới trên 65% dân là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Năm 2013, Miến dong Hợp Thành đã được Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bình chọn là sản phẩm dịch vụ đạt uy tín chất lượng, được Sở Y tế Tuyên Quang xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Đồng hành với việc nâng cao chất lượng, các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng được anh Thắng chú trọng.
Chất lượng đã là giấy “thông hành” để miến dong Hợp Thành đã được giới thiệu và bày bán tại nhiều hội chợ nông nghiệp, thương mại và được tiêu thụ tại 11 tỉnh, thành phố trong cả nước. Phát triển tốt nhãn hiệu hàng hóa, trung bình một năm HTX Thắng Lợi tiêu thụ trên 200 tấn bột dong riềng; trên 100 tấn sản phẩm miến dong sạch Hợp Thành, doanh thu trên 7 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho gần 10 lao động với mức thu nhập ổn định khoảng 6 triệu/người/tháng và đem lại cuộc sống ổn định trên 200 hộ trồng dong riềng trên địa bàn Yên Sơn.
Anh Phạm Đình Thắng (đứng giữa) giới thiệu sản phẩm miến dong sạch Hợp Thành của HTX sản xuất.
Có điều kiện mới giúp được nhiều người
Đó là suy nghĩ của anh Thắng. Anh bảo, muốn giúp được nhiều người thì mình phải mạnh kinh tế, chứ không cũng “lực bất tòng tâm”. Vì thế không dừng lại ở thành công với sản phẩm miến dong Hợp Thành, anh Thắng còn làm giàu từ trồng cây ăn quả, mở thêm dịch vụ hàng tạp hóa, cung cấp giống cây lâm nghiệp và cây ăn quả cho nhân dân trong vùng.
Nửa tháng trước anh Thắng đứng ra nhận làm điểm bán hàng theo “Mô hình thương mại hai chiều” do Sở Công thương triển khai theo Quyết định 216/QĐ-BCT, ngày 10/2/2023 của Bộ Công thương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2023. Nhằm mục đích cung cấp các mặt hàng thiết yếu, chất lượng cao, đặc sản đến người dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt các mặt hàng nông sản địa phương, mặt hàng đạt OCOP của tỉnh.
Anh Thắng chia sẻ, “Lực Hành không có chợ, từ lâu gia đình đã bán hàng tạp hóa để cung ứng hàng hóa cho người dân. Giờ anh được hỗ trợ mở rộng hơn, cũng là điều kiện tốt hơn để người dân được dùng hàng hóa chất lượng. Đồng thời, cùng muốn cửa hàng chính là nơi tin cậy cung cấp những đặc sản của Lực Hành, của huyện, tỉnh đến với các khách hàng trong và ngoài tỉnh. Tới đây, tôi sẽ nghiên cứu mở thêm một điểm nữa”.
Năng động, nói được làm được, anh Thắng luôn được người dân gửi gắm niềm tin, tín nhiệm bầu anh làm cán bộ thôn. Lúc thì làm Trưởng ban Công tác Mặt trận, phó thôn kiêm công an viên thôn và liên tục 23 năm làm trưởng thôn. Nhiệm vụ nào anh cũng làm hết mình, đóng góp hết sức có thể.
Đồng chí Hoàng Văn Kế, Chủ tịch UBND xã Lực Hành ghi nhận: Từ trước đến giờ anh Thắng luôn đồng hành cùng với chính quyền địa phương. Anh Thắng cùng cán bộ thôn vận động 4 hộ dân tự nguyện giải phóng mặt bằng để Nhà nước thi công 2 tuyến đường theo Chương trình 135; vận động nhân dân đóng góp tiền để thi công tuyến đường dài 1 km lên khu sản xuất Khua Hùa.
Riêng năm 2023, anh Thắng hỗ trợ các thôn trong xã làm 6,4 km đường bê tông nông thôn bằng việc chở vật liệu, hỗ trợ một phần thi công. Anh Thắng còn hỗ trợ người dân phân bón, vật tư nông nghiệp trả chậm; hỗ trợ vật liệu xây dựng làm nhà ở cho hộ nghèo và nhận nuôi những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Những việc anh Thắng làm không phải ai cũng làm được.
Từ khi có của ăn của để, anh Thắng không ngại ngần giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong thôn, xã. Anh Thắng đã đứng ra hỗ trợ vật liệu xây dựng cho hàng chục hộ nghèo trong xã làm nhà ở mới. Năm 2023, anh vừa hỗ trợ bà Hoàng Thị Lành, thôn Đoàn Kết xóa nhà dột nát với số tiền trên 45 triệu đồng. Anh Thắng bảo, bà Lành đã 80 tuổi, không có thu nhập gì, xã đã huy động cán bộ và nhân dân góp 25 triệu đồng, phần còn lại anh giúp để bà có nơi cư trú an toàn những năm cuối đời.
Với những đóng góp thiết thực, ý nghĩa cho quê hương, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, anh Thắng đã được cấp, ngành ghi nhận, là điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của tỉnh giai đoạn 2016 - 2019, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2019; danh hiệu nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019; Giám đốc HTX tiêu biểu hằng năm của tỉnh…
Gửi phản hồi
In bài viết