Ngày mới ở Nà Chác

- Nà Chác là thôn xa nhất của xã Năng Khả (Na Hang), cách trung tâm xã gần 20 km. Ai đến Nà Chác cũng đều phải ngỡ ngàng, say đắm bởi cảnh sắc nơi đây. Cũng thật bất ngờ bởi ít ai nghĩ rằng một bản vùng cao vốn trước đây nghèo nàn, lạc hậu đến đường đi còn không có thì nay đã đổi thay rất nhiều.­

Những câu chuyện ở Nà Chác

Thôn Nà Chác nằm bên bờ vùng hồ thủy điện Na Hang, đường về thôn phải đi qua 2 cây cầu lớn, men theo vùng hồ cả chục km. Nà Chác trước đây thuộc xã Trùng Khánh của huyện Na Hang. Sau khi di dân để làm thủy điện thì Nà Chác là thôn duy nhất còn lại không phải di chuyển tái định cư, thôn được sáp nhập về xã Năng Khả. Ở đây có 142 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Dao đỏ. Trước đây thôn Nà Chác khá biệt lập, đường từ thôn ra xã chỉ là những con đường mòn đi xuyên rừng. Ngày nay thì thôn đã có đường nhựa, ô tô có thể vào đến cuối thôn.

Ở Nà Chác người dân vẫn kể cho nhau nghe truyền thuyết vua Thuổng. Núi Phia Chác là đỉnh núi cao nhất trong thôn, bên trong quả núi hiện vẫn chứa đầy cát và những vết thuổng đào sâu trong lòng núi. Truyền thuyết nói rằng đây là nơi ở của vị vua Thuổng. Vua Thuổng có đội quân rất hùng mạnh thường hay cướp bóc, sát hại dân lành. Vua Thuổng bắt dân trong vùng đem nộp da trâu bện thành một cây cầu nối từ núi Phia Chác đến núi Ngựa tận bên phía Nà Ta (xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình) để khỏi phải đi vòng xuống thung lũng.

Những cô gái Nà Chác với chiếc điện thoại thông minh.

Không cam chịu áp bức, người Tày, người Dao trong vùng tìm cách trừ khử vua Thuổng bằng đổ muối vào đầu cầu da trâu. Muối ăn mòn làm cho cầu yếu dần. Rồi đến một ngày dân trong vùng tổ chức văn nghệ nhảy múa hát hò linh đình, sân khấu ngay dưới chân cầu. Vua Thuổng và quân kéo đến, đứng cả ở trên cầu mà xem. Cầu sập, vua Thuổng và đội quân đều chết. Thắng lợi này nhờ có sự đoàn kết, mưu trí của người Tày, người Dao trong vùng. Người Nà Chác thường nhắc đến truyền thuyết này để nói lên sức mạnh của tinh thần đoàn kết.

Ở Nà Chác còn có 2 di tích rất quan trọng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích cấp quốc gia. Đó là địa điểm khai thác và sản xuất diêm tiêu cung cấp cho xưởng Quân khí H52 do đồng chí Ngô Gia Khảm làm giám đốc. Xưởng làm thuốc súng đã đáp ứng một phần chế tạo vũ khí như lựu đạn, mìn, thuốc phóng, dây cháy chậm, pháo hiệu phục vụ chiến trường chống thực dân Pháp giai đoạn từ năm 1950 đến 1954. Nơi đây có vị trí bảo đảm bí mật, an toàn, có nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất diêm tiêu thô và than củi (hai nguyên liệu chính để sản xuất thuốc súng).

Di tích Cơ quan Ấn loát đặc biệt Trung ương, đây là địa điểm tổ chức in tiền đầu tiền của nhà nước. Lịch sử ghi lại, ngày 7-10-1947, giặc Pháp ồ ạt tấn công lên Việt Bắc hòng triệt phá cơ quan đầu não kháng chiến và các cơ sở kháng chiến của ta. Chúng nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn, tiến công thành hai gọng kìm chiếm đánh thị xã Tuyên Quang, đánh lên Bản Thi (Chiêm Hóa) và dò tìm, triệt phá cơ sở in bạc Việt Nam và đầu não kháng chiến của ta. Nắm bắt trước ý đồ của thực dân Pháp xâm lược, công nhân Cơ quan Ấn loát đã được lệnh đánh sập nhà xưởng, ngụy trang máy móc và di chuyển số tiền đã được sản xuất trị giá 20 triệu đồng lên cất giấu tại hang Nà Thẳm và hang Nà Bó, thôn Nà Chác.

Những đổi thay ở Nà Chác

Kể từ khi có hồ thủy điện khiến cho mọi thứ trong thôn đều thay đổi. Vốn là thôn nằm vị trí cao nhất của vùng thì nay Nà Chác lại là một vùng bán sơn thủy, người dân trong thôn phải thay đổi tập quán canh tác, tận dụng nguồn nước để làm ruộng. Người dân trong thôn cũng có thêm nghề mới, hiện có đến 30 hộ dân làm nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.

Nà Chác thay đổi mạnh mẽ kể từ khi có phong trào xây dựng nông thôn mới, nhận thức của bà con được nâng cao. Từ tinh thần đoàn kết bà con trong thôn đã đóng góp xây dựng được Nhà văn hóa thôn lớn nhất vùng, chi phí lên đến trên 700 triệu đồng. Đồng chí Vũ Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Năng Khả chia sẻ, nếu nói về Nà Chác hơn chục năm trước, đó là bản người Dao nghèo nàn, lạc hậu. Ngày nay, nói về Nà Chác thì lại là thôn điểm của xã Năng Khả về xây dựng nông thôn mới nâng cao.

 Ngôi nhà tạo dựng dùng quay video sản xuất chương trình cho youtube của gia đình anh Triệu Hữu Phú.

Thầy giáo của bản Chu Đức Tuyên, người có nhiều năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục ở thôn Nà Chác cho rằng, nhận thức của bà con thay đổi rất nhanh chóng. Bà con tự thấy việc học của con cái là việc phải chăm lo nên không cần phải vận động nhiều, 100% trẻ em ở đây đều đến trường. Thế hệ thanh niên trong thôn hòa nhập rất nhanh lối sống hiện đại. Mặc dù vậy mọi nét đẹp truyền thống như trang phục, các làn điệu ca, múa của đồng bào Dao còn nguyện vẹn. Những cô gái ở đây trước khi về nhà chồng ai cũng phải có 1 bộ trang phục dân tộc để mặc vào ngày cưới. Thôn thành lập Câu lạc bộ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao với 75 thành viên.

Có một điểm mới ở Nà Chác mà khiến ai đến đây đều thấy bất ngờ đó là công việc sáng tạo nội dung video trực tuyến. Ở đây có rất nhiều người đang nỗ lực xây dựng sự nghiệp với tư cách là người tạo video đăng tải trên nền tảng youtube. Theo Bí thư Chi bộ thôn Nà Chác Triệu Hữu Phú cho biết, hiện thôn có hàng chục kênh youtube do bà con trong thôn xây dựng hầu hết bằng tiếng Anh. Với thế mạnh là một vùng bán sơn thủy vô cùng tráng lệ, cảnh quan thiên nhiên có nhiều điểm độc đáo nên các kênh youtube của bà con thu hút được rất nhiều lượt xem của người nước ngoài.

Thu nhập từ sản xuất video khá cao nên nhiều người đầu tư sản xuất chương trình khá bài bản. Nội dung các video chủ yếu xoay quanh về giới thiệu cảnh quan, công việc chăn nuôi, trồng trọt, làm rừng. Chính vì vậy, nhiều hộ đầu tư xây dựng cả trang trại chăn nuôi, tạo dựng cảnh quan để quay video số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Cái được rất lớn trong việc sản xuất video là thu hút hàng trăm lao động tham gia vừa tạo dựng cơ sở sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt cho thêm thu nhập lại có thêm thu nhập đáng kể từ youtube. Theo ước tính của anh Phú mỗi tháng thôn có ít nhất 300 đến 500 triệu đồng được trả từ youtube cho các kênh điển hình như kênh youtube Triệu Thị Hoa, Triệu Thị Dương có thu nhập hàng trăm triệu sau khi đã trừ thuế.

Những đổi thay ở bản vùng cao Nà Chác đang tạo nên một sức sống mới bắt kịp với thời đại. Người dân nơi đây  không chỉ dùng điện thoại thông minh vào việc xem thông tin, giải trí mà còn kiếm tiền qua đây. Đó là điều mà không phải địa phương nào cũng có thể theo kịp với Nà Chác.

Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục